Nới lỏng hạn chế đi lại, du lịch châu Á - Thái Bình Dương bùng nổ
Lưu lượng chuyến bay đến cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi đa số các thị trường đã mở cửa du lịch vào đầu năm nay.
Nghiên cứu 37 thị trường trên thế giới và 9 thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo Du lịch 2022: Xu hướng và Chuyển đổi của Viện Kinh tế MasterCard cho thấy, sau hai năm, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, lượng đặt vé máy bay đi du lịch nghỉ dưỡng và công tác trên toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch.
Trong khi đó, chi tiêu cho các chuyến đi bằng du thuyền, xe bus và tàu hỏa đã cải thiện rõ rệt trong năm nay, báo hiệu một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi của hoạt động du lịch trên toàn cầu.
Báo cáo so sánh hiện trạng của du lịch trên toàn cầu qua hai bước ngoặt chính: mức độ tiền đại dịch vào năm 2019 và các xu hướng trong giai đoạn mà hạn chế biên giới bắt đầu được nới lỏng và du lịch quốc tế trở lại trên hầu hết các khu vực địa lý.
Theo phân tích của Viện Kinh tế Mastercard, nếu xu hướng đặt vé máy bay tiếp tục được duy trì ở tốc độ như hiện tại, ước tính sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến châu Á - Thái Bình Dương so với năm ngoái.
"Triển vọng du lịch của khu vực rất khả quan là điều sẽ có thể thấy rõ, ngay cả khi các thị trường thuộc khu vực Bắc Á và Trung Quốc đại lục chưa nới lỏng các biện pháp biên giới", báo cáo cho hay.
Báo cáo cũng cho hay, một xu hướng có thể nhận thấy ở các thị trường trên toàn khu vực chính là việc người tiêu dùng sử dụng các khoản tiết kiệm dư dả để đi du lịch. Ví dụ, lượng đặt vé máy bay từ Úc đến Indonesia đã tăng gần 200% trong năm 2022 và số lượng các chuyến bay đến Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi.
Một xu hướng khác là các khoản chi tiêu cho du lịch thay đổi và hướng đến các trải nghiệm hơn là những yếu tố khác. Chẳng hạn như tại Singapore, báo cáo ghi nhận khối lượng chi tiêu cao hàng đầu trên thế giới từ du khách quốc tế dành cho các trải nghiệm tại điểm đến, tăng 60% từ giai đoạn tiền đại dịch đến tháng 3 năm 2022.
Với các điểm đến, báo cáo chỉ ra, kể từ khi đại dịch bùng phát, du khách ưa chuộng những điểm đến có thể dễ dàng tiếp cận trong bối cảnh phải đáp ứng các yêu cầu phức tạp về nhập cảnh và cách ly, các hạn chế đi lại và quy trình xét nghiệm.
"Bất chấp sự phục hồi đang phải đối mặt với vô vàn rủi ro, khách du lịch đến từ châu Á - Thái Bình Dương cho thấy mong muốn mạnh mẽ được đi du lịch trở lại như trước đây. Năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với ngành du lịch khu vực này.
Khi các hạn chế biên giới được nới lỏng, chúng ta đã chứng kiến sự trở lại nhanh chóng của hoạt động du lịch, một dấu hiệu đáng mừng khi mà châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới", ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard cho biết: