Nỗi lo về trí tuệ nhân tạo đối với thị trường việc làm chưa bao giờ lớn như hiện nay
Theo nhiều báo cáo, người dân đang ngày càng lo ngại vì trí tuệ nhân tạo có thể lấy đi việc làm của họ, khi các ứng dụng trí tuệ nhân đang ngày càng phổ biến rộng rãi.
(Ảnh: Shutterstock)
Trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, tình trạng căng thẳng trong môi trường lao động tại Mỹ đang ngày càng gia tăng, theo nhận định trên một số mặt báo lớn ở Mỹ trong tuần này.
Theo Tạp chí phố Wall, một loạt các câu hỏi đang được đặt ra, đó là liệu người lao động có thể cập nhật kỹ năng của mình được không? Công việc của họ sẽ thay đổi như thế nào khi công nghệ phát triển? Và có lẽ điều khiến họ căng thẳng nhất là liệu công nghệ mới có thể thay thế được họ hay không? Tất cả đang gây nên tình trạng căng thẳng, bất an trong một bộ phận người lao động Mỹ, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân và sức khỏe của họ.
Bài viết dẫn khảo sát của PWC năm 2022, trước khi Chat GPT được phổ biến, cho thấy, 30% trên tổng số 50.000 người lao động lo ngại công nghệ sẽ thay thế họ trong 3 năm tới. Và 31% lo lắng vì họ không được đào tạo đầy đủ về công nghệ tại nơi làm việc.
Theo kết quả cuộc khảo sát cũng của PWC công bố trong tháng 6 năm nay, 35% có những quan ngại về trí tuệ nhân tạo như lo sợ công nghệ sẽ lấy mất việc làm, ảnh hưởng đến vai trò của họ hay đòi hỏi những kỹ năng mà họ khó có thể học được để đáp ứng.
Trước thực tế đó, bên cạnh việc nhiều chuyên gia tâm lý phối hợp với các chủ lao động tại Mỹ đẩy mạnh việc tư vấn nhằm giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng tại môi trường lao động do sự phát triển của công nghệ, Chính phủ Mỹ cũng đang vào cuộc.
(Ảnh: Built In)
Theo Thời báo New York, vào ngày 12/9, các nhà lập pháp Mỹ đã có cuộc họp kéo dài 3 tiếng đồng hồ về trí tuệ nhân tạo và những quy định pháp luật tương lai. Cuộc họp có sự tham gia của những người đứng đầu các công ty công nghệ khổng lồ, lãnh đạo nghiệp đoàn lao động, đại diện doanh nghiệp và lĩnh vực phi chính phủ.
Tại cuộc họp, tỷ phú Elon Musk cảnh báo về những rủi ro đối với nền văn minh do trí tuệ nhân tạo gây ra. Ông Sundar Pichai của Google nhấn mạnh tiềm năng của AI trong giải quyết các vấn đề về sức khỏe và năng lượng. Còn ông Mark Zuckerberg của Meta nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống trí tuệ nhân tạo mở và minh bạch.
Báo chí Mỹ cho biết, Nhà Trắng dự kiến sẽ ban hành pháp lệnh về trí tuệ nhân tạo trong năm nay và hiện đã có 15 công ty công nghệ đồng ý áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật cho các công cụ trí tuệ nhân tạo của mình. Đây được cho là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo kiểm soát sự phát triển của các công nghệ mới, đồng thời góp phần làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đang gia tăng ở người lao động hiện nay.