Nói không với túi nilông dùng một lần: Không chờ đến năm 2026!

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 12:02:08

Các siêu thị, trung tâm thương mại hiện chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ túi thân thiện môi trường, trong khi lượng lớn túi nilông dùng một lần vẫn được sử dụng gần như 100% tại các chợ, cửa hàng khác.

Khách tự đóng thùng giấy đựng hàng hóa mua tại siêu thị MM Mega Market, TP Thủ Đức, TP.HCM do siêu thị không dùng túi nilông (ảnh chụp chiều 22-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Mấy ngày qua, thông tin từ năm 2026 sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nilông dùng một lần cho khách hàng thực sự thu hút, bàn luận của nhiều người. Trong đó bật lên câu hỏi: Sao không phải sớm hơn, vào năm 2023 chẳng hạn?


Câu hỏi này được nhiều bạn đọc đặt ra trên Tuổi Trẻ Online và từ ghi nhận thực tế, có cơ sở để mọi người cùng nhau quyết tâm. Tất nhiên cần thêm một chút điều chỉnh chính sách để việc thực hiện suôn sẻ hơn.


Có thêm khách nhờ không xài túi nilông

Ghi nhận tại TP.HCM, các siêu thị, nhà bán lẻ cho biết đang xây dựng kế hoạch và từng bước thực hiện theo lộ trình giảm túi nhựa dùng một lần; hướng đến vào cuối năm 2025 sẽ thực hiện không bán túi nilông dùng một lần, mà vẫn bảo đảm phục vụ khách hàng tốt nhất. Tuy nhiên hiện đã có nhiều hệ thống nói không với túi nilông dùng một lần.

Đi đầu trong xây dựng thói quen mua sắm, tiêu dùng không túi nilông có thể kể đến hệ thống MM Mega Market. Từ năm 2002, hệ thống này đã triển khai việc không sử dụng túi nilông khi khách mua sắm và ban đầu đã gặp phản ứng khó chịu từ khách hàng, một số khách còn gây khó khăn khi họ lỡ quên mang theo túi. Nhưng cùng với thời gian, nhận thức về vấn đề môi trường, thói quen mới được hình thành, nhiều khách hàng đã quen với việc chuẩn bị sẵn túi đựng hàng mỗi khi mua sắm tại siêu thị.

"Chúng tôi còn có những khách hàng gắn bó hơn với MM nhờ chính sách này", đại diện MM Mega Market cho biết.

Nhiều năm qua, 100% quầy thu ngân của hệ thống siêu thị này trên toàn quốc không còn phát túi nilông cho khách khi tính tiền. Thay vào đó, khách được khuyến khích mua túi tái sử dụng nhiều lần được bán và trưng sẵn ở mỗi quầy tính tiền. Nếu không, ngay phía bên ngoài trước sân khu vực đỗ xe, khách cũng được lựa chọn đóng hàng từ các thùng carton và băng keo hoàn toàn miễn phí mà siêu thị trang bị cho khách hàng.


Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-4, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng đã ngưng sử dụng các túi nilông khó phân hủy. Hiện hệ thống sử dụng 100% túi tự hủy sinh học được chứng nhận thân thiện môi trường do Tổng cục Môi trường cấp từ năm 2012 và duy trì các loại túi này cho đến nay.

Theo vị này, mặc dù đã sử dụng 100% các bao bì thân thiện môi trường nhưng Saigon Co.op vẫn khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng loại túi này, thay vào đó là sử dụng các túi có thể dùng lại nhiều lần thông qua các chương trình như "tái sử dụng tạo tương lai", "quầy tính tiền xanh"...

Ngoài ra, vị này cho biết Saigon Co.op cũng tìm kiếm các giải pháp thân thiện môi trường hơn nữa như túi phân hủy sinh học, túi tinh bột... để hướng đến phát triển bền vững.

Saigon Co.op cũng là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng thực hiện Ngày không túi nilông (ngày 10-6) trên hệ thống bán lẻ của mình với hơn 750 siêu thị lớn nhỏ tham gia, khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, thùng giấy, túi môi trường, túi vải sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường khi mua sắm.

Còn lãnh đạo chuỗi siêu thị Kingfoodmart (TP.HCM) cho biết từ khi thành lập đến nay, hệ thống này đã sử dụng túi tự hủy thân thiện với môi trường trên toàn bộ 10 siêu thị. Theo vị này, việc này cũng nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng nên doanh nghiệp "tự tin" thực hiện xuyên suốt.

Khách đựng hàng hóa bằng túi tái sử dụng nhiều lần khi mua sắm tại siêu thị MM Mega Market, TP Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp chiều 22-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH


"Điểm nóng" ở chợ truyền thống

Ông Trần Việt Anh - Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho biết doanh nghiệp của ông đã cung cấp các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường cho các siêu thị lớn ở Việt Nam cũng như xuất khẩu các loại túi này sang nhiều nước. Do đó, ông Việt Anh cho rằng việc Việt Nam đặt mục tiêu để các siêu thị, trung tâm thương mại chuyển sang các loại túi thân thiện với môi trường là khả thi.

Ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ La Cả (Dương Nội, Hà Đông), chợ đầu mối Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm), chợ đầu mối Long Biên (Phúc Xá, Hoàn Kiếm) và hàng loạt chợ cóc trên địa bàn thành phố cho thấy việc sử dụng túi nilông để đựng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm khô... đã trở thành thói quen của hầu hết người bán hàng và các bà nội trợ.

Mờ sớm ngày 22-4, tại cổng chợ đầu mối rau quả Phùng Khoang có tới hàng ngàn bà nội trợ tay xách 4 - 5 túi nilông đựng đủ thứ rau quả, thịt, cá... rời cổng chợ về nhà. Khi được hỏi về những túi nilông đựng đồ trên tay, bà Nguyễn Thị Loan, một người đi chợ sớm, nói: "Mình mua bao nhiêu món đồ thì người bán hàng cho từng ấy túi nilông. Túi nilông rất rẻ, thường người bán hàng mua theo cân, mỗi cân có tới cả trăm túi nên không ai tính tiền túi đựng đồ với khách hàng cả".

Tương tự, tại chợ rau La Cả (phường Dương Nội) nổi tiếng của quận Hà Đông, mỗi sáng các bà nội trợ và tiểu thương trong chợ vẫn vô tư sử dụng túi nilông. Xách lễ mễ trên tay cả chục túi nilông đựng đồ vừa mua tại chợ, bà Trần Thị Hoàng nói vội từ xưa đến nay có ai tính tiền túi đựng đồ đâu mà phải nghĩ, về nhà cứ dùng xong thì bỏ vào thùng rác sẽ có nhân viên vệ sinh môi trường đến thu dọn hằng ngày.

Hay tại chợ đầu mối Long Biên - chợ đầu mối rau quả lớn nhất Hà Nội, hầu hết người mua và tiểu thương đều không quan tâm tới những túi, những bao nilông kích thước lớn đang đựng hàng chục cân rau quả phía sau xe máy họ mang về.

Chị Đặng Thị Phương, một người chuyên bán rau tại một chợ cóc trên phố Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết mỗi lần dùng các bao, túi nilông xong chị thường xả thẳng vào các thùng để rác công cộng bên đường.

Hệ quả là sau mỗi phiên chợ sáng, hàng trăm tấn túi nilông được xả ra khắp các chợ truyền thống, chợ cóc tại Hà Nội. Hầu hết lượng túi nilông, rác thải nhựa ở các chợ truyền thống, khu dân cư, các siêu thị thải ra hằng ngày tại Hà Nội đều được các công ty môi trường thành phố đem đi chôn lấp tại các bãi rác tập trung mỗi ngày. Và ít ai biết rằng hàng triệu túi nilông thiếu thân thiện với môi trường xả ra mỗi ngày hiện nay phải mất nhiều chục năm sau mới có thể phân hủy được.

Các tiểu thương ở chợ sử dụng túi nilông để đựng thực phẩm cho khách (ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 21-4) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Cùng thực hiện mới mong có kết quả tốt


Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Nguyễn Trung Thắng - viện phó Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - cho biết theo nghị định 08 năm 2022 thì sau năm 2025, các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, khu du lịch phát túi nilông dùng một lần cho khách hàng như hiện nay sẽ bị các địa phương xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có các chính sách khuyến khích sử dụng túi tái sử dụng, túi sử dụng nhiều lần hoặc cung cấp thùng carton để đựng hàng hóa. Các siêu thị có thể bán túi bền và túi có thể tái sử dụng để gia tăng lợi nhuận hoặc cho mượn túi để gia tăng uy tín đối với khách hàng.

Theo bà Kim Thị Thúy Ngọc - trưởng phòng khoa học công nghệ hợp tác quốc tế Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, từ kinh nghiệm quốc tế, viện đang đề xuất nhiều giải pháp khác nhau để giảm thiểu túi nilông. Để giảm thiểu sử dụng túi nilông cần nâng cao nhận thức cộng đồng và đây là yếu tố quan trọng nhất.

"Chúng tôi nhiều lần khuyến nghị người dân, các siêu thị sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường để thay thế túi nilông", bà Ngọc nói.

Về giải pháp cụ thể để giảm sử dụng túi nilông khó phân hủy, bà Ngọc nhấn mạnh viện đã kiến nghị nhiều giải pháp như khách hàng có thể mua các loại túi dùng nhiều lần, có thể tái sử dụng. Siêu thị có thể triển khai chương trình cho mượn hoặc thuê túi cho những khách hàng quên mang theo túi khi đi siêu thị, hoặc sử dụng thanh toán trực tuyến và công nghệ kỹ thuật số để khuyến khích giảm sử dụng túi nilông.


Nhiều giải pháp giữ hàng tươi sống

Để thay thế túi nilông đựng thực phẩm tươi sống hiện nay, bà Ngọc khuyến nghị nên ghi nhãn và nhận dạng thực phẩm, sử dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ "Laser Food" có thể thay thế nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, cần thực hiện đóng gói bao bì bằng vật liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương như giấy, lá chuối và các loại lá xanh khác. Đầu tư công nghệ và cơ sở vật chất để giữ cho sản phẩm tươi sống như: công nghệ làm lạnh sử dụng "phun sương", khách hàng có thể sử dụng hộp đựng của mình.


Người bán hàng phải đồng hành

Đại diện một siêu thị cho rằng đồng hành cùng với người tiêu dùng để từ bỏ một thói quen tiện lợi sang hành động có trách nhiệm là một quá trình dài hơi. Trong đó, nhà bán lẻ phải liên tục tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa, túi nilông, phân loại, tái chế trên các phương tiện truyền thông xã hội...

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, khẳng định mục tiêu trước năm 2026, các siêu thị không còn sử dụng túi nilông phát miễn phí mà vẫn đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất là hoàn toàn khả thi. Bởi hiện nay, khách đến siêu thị đã rất chủ động hạn chế sử dụng túi nilông, nhân viên cũng được tập huấn không phát thừa túi cho khách.

Cần cấm túi nilông dùng một lần ngay trong năm 2023 và phạm vi áp dụng nên rộng hơn là tất cả các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích..., thay vì chờ đến năm 2026. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề xuất.

Chia sẻ Facebook