Nỗi khổ nghề nhà giáo: Bị học sinh dọa kiện chỉ vì nhắc nhở thái độ
Với mỗi nhà giáo từng đứng trên bục giảng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính là đào tạo ra những thế hệ học trò thành đạt. Tuy nhiên, có những giọt nước mắt đã rơi mà không phải ai cũng hiểu được.
Nghề giáo viên từ lâu đã được xem là một nghề rất cao quý. Thế nhưng, các thầy cô cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy học. Đặc biệt nếu vai trò là giáo viên chủ nhiệm thì càng gặp nhiều vấn đề hơn. Và câu chuyện được chia sẻ dưới đây chính là tiếng lòng sâu lắng của những người đang làm nghề.
Báo Thanh Niên viết, người giáo viên này gắn liền với công việc “phấn trắng bảng đen” đến nay đã được 15 năm. Trong suốt quãng thời gian này, cô đã chứng kiến biết bao câu chuyện trong nghề mà không phải ai cũng hiểu được. Bên cạnh nụ cười, thì giọt nước mắt cũng đã không ít lần lăn trên má những người giáo viên. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, đây là một câu ví von dễ thương về học trò nhưng ở độ tuổi dậy thì và chứng minh bản thân, nhiều em học sinh cũng khiến giáo viên bất lực đến rơi nước mắt vì tủi hờn trước sự ngỗ ngược của học sinh.
Người giáo viên này kể, khi cô đang ngồi trong phòng hội đồng tranh thủ tiết trống để hoàn thành một số sổ sách thì thấy đồng nghiệp bước vào với đôi mắt đỏ hoe. Thấy vậy, cô ngừng viết và tiến đến hỏi thăm xem chuyện gì đã xảy ra với người đồng nghiệp ấy. Vừa nghe cô hỏi, những giọt nước mắt lại chuẩn bị trực trào trên khóe mắt người đồng nghiệp.
Người đồng nghiệp tâm sự với cô rằng, lớp cô ấy chủ nhiệm có mấy cậu học trò lên lớp nhưng chẳng chú tâm vào bài vở, lúc thì quậy phá khi thì ngủ. Cô đã nhiều lần nhắc nhở, nhắc công khai trong giờ sinh hoạt cũng có, hẹn gặp riêng cũng đã thử qua nhưng vẫn chẳng có tác dụng gì. Hết cách, cô gọi cho bố mẹ những cậu học trò ấy để trao đổi nhưng họ chưa bao giờ bắt máy. Tìm đến tận nhà cũng chẳng gặp.
Sáng hôm đó, người đồng nghiệp vào lớp thì thấy một học sinh cá biệt tên N. đang trèo lên bàn đuổi theo một bạn nữa. Cô gọi hai học sinh lại để hỏi nguyên nhân thì nữ sinh cho biết cô bé nhắc bạn trực nhật nhưng bạn không làm, còn mắng rồi dọa “tác động vật lý”. Nhìn cậu học sinh quậy phá cứ giơ nắm đấm về phía bạn nữ, cô tức giận trách N. rằng tại sao cậu chẳng ngày nào để lớp được yên ổn, thì nhận được lời thách thức: “Cô có ngon thì đ*nh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đ*nh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!”.
Người đồng nghiệp tuy cực kỳ tức giận nhưng vẫn cố gắng nhịn xuống và dọa sẽ mời phụ huynh của N. đến để làm việc. Thế nhưng bất ngờ là, N. không những không sợ mà còn bày tỏ sự “vui mừng” trước ý kiến của cô vì cậu bạn đã chán học từ lâu, sau đó về chỗ lấy cặp đi thẳng ra khỏi lớp. Tiết học cứ vậy trôi qua với bầu không khí vô cùng nặng nề.
Khi nghe đồng nghiệp kể lại sự việc, người giáo viên không nhịn được mà cảm thấy xót xa. Từ khi nào mà những em học sinh chỉ mới mới mười mấy tuổi lại có thể dùng thái độ và lời lẽ đầy thách thức như vậy để nói chuyện với giáo viên. Và từ bao giờ mà đến cả những thầy cô có kinh nghiệm trong nghề cũng phải khóc vì bất lực trước học trò như thế? Nếu không có sự bảo ban từ gia đình và nhà trường thì chắc hẳn những giọt nước mắt mặn chát vẫn sẽ đọng trên hàng mi những thầy cô đang từng ngày miệt mài “lái đò”.
Thế nhưng, người giáo viên cũng đã chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt yêu thương của đồng nghiệp. Có những giọt nước mắt hạnh phúc khi biết tin học sinh của mình đã đạt được thành quả cao trong kỳ thi nào đó sau bao ngày nỗ lực học tập. Có những giọt nước mắt cảm động khi nghe học sinh kể về ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cho em gái bị mắc bệnh tim. Cũng có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi phải chia tay học sinh ra trường, nghe chúng nói lời cảm ơn và yêu thương. Những giọt nước mắt ấy khiến người giáo viên không còn cảm thấy tiêu cực, ngày càng trân trọng và thêm yêu công việc mà mình đã lựa chọn suốt 15 năm.
Có thể thấy, nghề giáo tuy vinh quang nhưng cũng đầy khó nhọc. Hy vọng mọi người, các bậc phụ huynh và các em học sinh có thể thấu hiểu và thông cảm hơn với những vất vả mà người giáo viên đang phải đối diện. Bạn nghĩ sao về tiếng lòng của nghề nhà giáo? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Người ta thường nói rằng “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” quả thật không sai. Ở độ tuổi này, các em học sinh luôn có những nguồn năng lượng dồi dào, nghĩ ra những trò nghịch ngợm khiến các thầy cô đau đầu không thôi. Nhưng đôi khi chính sự tươi mát của “những mầm non” tương lai lại khiến tâm hồn của những người giáo viên như được trẻ ra. Hơn nữa, được chứng kiến những lứa học sinh dần trưởng thành và nên người dưới sự dạy dỗ của mình chắc hẳn với các thầy cô, đó chính là “huy chương” danh giá nhất trong suốt quá trình làm nghề.