Nỗi khổ chó thả rông: Tình yêu nào cũng phải kèm với trách nhiệm
Nuôi thú cưng cần có tình yêu, trách nhiệm và ý thức cộng đồng để bản thân và vật nuôi không bị hàng xóm nhìn với ánh mắt ghét bỏ và sợ hãi.
Ở Việt Nam, việc nuôi các loài động vật trong nhà, đặc biệt chó, mèo rất phổ biến. Yêu động vật là điều đáng trân trọng, quyền tự do của mỗi người nhưng cách nuôi thú cưng như thế nào để văn minh, lịch sự, không ảnh hưởng tiêu cực lại là câu chuyện đáng bàn.
Khổ vì hàng xóm nuôi thú cưng, những chủ nuôi thiếu trách nhiệm thả rông thú cưng ra ngoài đường, ngõ dẫn đến nhiều bức xúc của người dân. Đi lại, ăn uống, vệ sinh là nhu cầu tự nhiên của thú cưng. Điều đáng trách là người chủ khi nuôi lại không ý thức, thả chó ra đường mà không rọ mõm. Thậm chí, nhiều nhà còn canh giờ để chó, mèo chỉ ra ngõ mới phóng uế. Tại Hà Nội, đầu năm nay, Ủy ban nhân dân Hà Nội đã giao các xã phường, thị trấn thành lập các đội bắt chó mèo thả rông. Tuy nhiên, người dân lại không quan tâm, thậm chí chống đối khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Nuôi thú cưng gây mất vệ sinh nơi công cộng nhưng nhiều trường hợp còn gây ra hậu quả đau lòng. Chuyện chó tấn công gây thương tích nghiêm trọng vẫn xảy ra, không ít nạn nhân tử vong. Từ đầu năm tới nay, cả nước có 40 người tử vong do bệnh dại. Tình yêu nào cũng cần đi kèm với trách nhiệm.
Tại một số quốc gia, nuôi thú cưng đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Như tại Mỹ, việc tiêm ngừa bệnh dại là bắt buộc. Chó, mèo được đeo mã số để chứng nhận đã đăng ký. Chó phải ở trong nhà hoặc nuôi trong hàng rào, không được đi hoang.
Ở Nhật Bản, từ đầu năm nay các ngành liên quan tới thú cưng bắt buộc phải cấy vi mạch cho chó, mèo khi bán thú cưng, đồng thời thông tin liên quan tới thú cưng cũng sẽ được cập nhật sau khi bán. Tại Trung Quốc, nuôi chó ở Bắc Kinh phải nộp phí và đăng ký xin phép.
Với tình yêu động vật, có những bạn trẻ đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để đi cứu hộ những chú chó, mèo bị thương, bỏ rơi. Họ nuôi hàng trăm con chó, mèo thương tật. "Họ không muốn chữa hoặc đôi khi vì số tiền chữa quá cao mà họ sẽ bỏ lại phòng khám, vứt ngoài đường. Một số người nghĩ đơn giản chết con này sẽ nuôi con khác. Ai cũng có thể nói được tôi yêu động vật nhưng cách yêu như thế nào…", bạn Phạm Khánh Quỳnh – thành viên nhóm Nhận nuôi thú cưng Hà Nội chia sẻ.
"Phải tiêm phòng, triệt sản đầy đủ cho các bạn thú cưng để vừa an toàn cho mình và người xung quanh. Khi đi dạo hay nơi công cộng thì với bạn lớn phải rọ mõm. Có nhiều thứ cần phải làm khi xác định nuôi bạn chó, mèo nào đó".
Yêu động vật là thói quen văn minh, giúp nuôi dưỡng cảm xúc. Việc tiếp xúc và chăm sóc thú cưng giúp trẻ em phát triển tư duy, tính trách nhiệm, lòng nhân ái. Không ai không từng cảm động trước câu chuyện về lòng trung thành của chú chó Hachiko đợi chủ đến chết, hay chú chó Buck dũng mãnh trong Tiếng gọi nơi hoang dã. Tuy nhiên, yêu động vật không có nghĩa để thú nuôi của mình muốn làm gì thì làm. Đa phần các loại động vật chỉ biết hành xử theo bản năng nhưng có thể được huấn luyện bởi con người. Vì vậy, khi đã xác định nuôi động vật, cần đặt tình yêu và trách nhiệm, ý thức cộng đồng vào đó, đừng để bản thân và vật nuôi yêu quý của mình bị hàng xóm nhìn với ánh mắt ghét bỏ và sợ hãi.
Mặc dù đã có quy định xử phạt, tuy nhiên vẫn còn không ít người thiếu ý thức, thả rông chó ra đường, không đeo rọ mõm, không xích.