'Nói đúng tên cán bộ cố tình ngâm hồ sơ, người đó sẽ nghỉ việc ngay lập tức'
Doanh nghiệp châu Âu cho hay có đơn vị phải chờ 4-5 tháng mới được giải quyết hồ sơ lao động. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định sẽ cho nghỉ việc nhân viên nếu cố tình ngâm giấy tờ.
'Nói đúng tên cán bộ cố tình ngâm hồ sơ, người đó sẽ nghỉ việc ngay lập tức'
Doanh nghiệp châu Âu cho hay có đơn vị phải chờ 4-5 tháng mới được giải quyết hồ sơ lao động. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định sẽ cho nghỉ việc nhân viên nếu cố tình ngâm giấy tờ.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chiều 7/3 đã tổ chức Hội nghị đối thoại về giấy phép cho người lao động nước ngoài.
Tại sự kiện, bà Đặng Tuyết Vinh, Trưởng phòng Chính sách EuroCham, cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh mất thời gian khi làm thủ tục để có giấy phép lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, bà Vinh dẫn Nghị định 152/2020 của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trong đó quy định sau khi nhận hồ sơ, cơ quan Nhà nước cần trả lời việc cấp giấy phép trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, rất nhiều thành viên của EuroCham mất 2-3 tháng, thậm chí, có doanh nghiệp chờ tới 4-5 tháng vẫn chưa có giấy phép lao động.
Trong khi đó, ông Trung Khuất, Quyền Chủ tịch Tiểu ban Nhân lực, đào tạo EuroCham, cho hay, việc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia gây trở ngại cho doanh nghiệp. Đơn cử, hồ sơ sau bị treo quá lâu, mất 2-3 tuần mới nhận được thông báo từ hệ thống. Có trường hợp, hệ thống chưa nhận hồ sơ nhưng vẫn hiện ngày trả kết quả, doanh nghiệp tới lấy kết quả thì nhân viên Sở nói chưa nhận được hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp nộp lại từ đầu.
Phó Chủ tịch EuroCham, ông Jean-Jacques Bouflet, đánh giá, thủ tục xin cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam còn gặp khó khăn. Hiện, các nhà đầu tư châu Âu đứng trong nhóm đầu các nhà đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, ông đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian để người nước ngoài có thể thuận lợi khi xin giấy phép lao động tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Giải đáp thắc mắc từ phía EuroCham, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định, nếu có trường hợp hồ sơ xử lý lâu, mất 3-4 tháng mới được giải quyết, lãnh đạo Sở cam kết sẽ xử lý. “Nói đúng tên người thụ lý ngâm hồ sơ, người đó sẽ nghỉ việc ngay lập tức”, ông nói.
Cũng theo ông Lâm, cá biệt có trường hợp doanh nghiệp đến nộp hồ sơ, hôm nay, nhân viên Sở yêu cầu bổ sung 3 mục, hôm sau lại thêm mục thứ tư; tức là thêm một mục nhưng không thông báo từ đầu cho doanh nghiệp. Đối với trường hợp nhân viên này, Sở đã xử lý, tình trạng đó không còn.
Với trường hợp doanh nghiệp mất 3-4 tháng mới được giải quyết, có thể khi chuẩn bị hồ sơ, nhân viên phía công ty làm thiếu, sai nhưng vẫn nộp, sau đó bị trả lại. Nhân viên đó quên, không làm lại kịp thời nên bộ hồ sơ bị kéo dài thời gian chờ. Cần rà soát lại đường đi của bộ hồ sơ trên.
Thống kê, trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý 28.149 hồ sơ về lao động nước ngoài, trong đó, có hơn 15.400 hồ sơ về giải trình nhu cầu sử dụng lao động; cấp mới giấy phép lao động hơn 10.800 trường hợp; cấp lại 1.126; gia hạn 440 hồ sơ, đồng thời, Sở cũng xác nhận 350 hồ sơ không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Phía Sở LĐ-TB&XH cho rằng, một số doanh nghiệp khi làm thủ tục cấp giấy phép về lao động nước ngoài chưa đảm bảo về mặt chuẩn bị hồ sơ liên quan.
Thứ nhất, giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo quy định hiện hành.
Thứ hai, quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động, các doanh nghiệp thường mắc phải một số nội dung chưa đảm bảo điều kiện.
Thứ ba, thể thức trình bày văn bản chưa đảm bảo quy định; thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác, tẩy xóa nhiều; hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gồm: Báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày; cấp lại giấy phép lao động từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày. Ngoài ra, Sở sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết với hai thủ tục là: Gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày, theo ông Lâm.
Trần Chung