Nỗi đau của người Nhật
Các sách lịch sử thường chỉ nêu ra sự thật này mà không mô tả được nỗi khổ đau, sầu muộn, dằn vặt khôn nguôi của người Nhật.
Trong hai ngày về quê nằm một mình bên cửa sổ nghe mưa trong đêm khuya thanh vắng tôi đã đọc xong cuốn này. “Một họa sĩ phù thế” – tác phẩm của nhà văn Kazuo Ishiguro viết bằng tiếng Anh vốn có tựa là “An artist of the Floating World”. Một tựa sách được dịch rất sát nghĩa. Và khi đọc xong tác phẩm ta sẽ thấy nó rất đa nghĩa.
Một số tên gọi khác trong tác phẩm như quán “Migi-Hidari” – nơi tụ tập của văn nghệ sĩ Nhật Bản cũng thế. Ai biết tiếng Nhật thì sẽ thấy nó không chỉ đơn thuần là tên quán. Nó là “trái và phải”, “tả và hữu”. Nó là sự lựa chọn sau khi đã bước qua “Cầu Dùng Dằng”.
Đấy là những gì người Nhật và nước Nhật đã đối mặt, trải qua.
Tác phẩm văn học Nhật trừ tiểu thuyết tình cảm ướt át, khêu gợi thường khó hiểu. Các ẩn dụ và thông điệp thường được phủ một lớp sương mờ. Đối với người Việt, việc hiểu tác phẩm, cảm tác phẩm còn khó hơn nữa vì độc giả không có nền tảng về bối cảnh xã hội của câu chuyện được kể.
Cuốn sách là câu chuyện kể về cuộc sống sau chiến tranh thế giới thứ hai của một họa sĩ có tên Masuji Ono. Vợ ông đã qua đời, con gái lớn lấy chồng và con gái út đã 26 tuổi – độ tuổi làm ông lo lắng chuyện chồng con của cô. Các cuộc mai mối đang được tiến hành. Có cuộc đã hỏng. Cả gia đình ông đều lo lắng rằng có thể quá khứ của ông làm cho gia đình nhà trai lo ngại và rút lui.
Vậy trong quá khứ ông đã làm gì mà cả ông và các con lo lắng?
Phần đầu câu chuyện hơi dài dòng khiến người đọc dễ nản nhưng rồi ta cũng hiểu bi kịch của ông – bi kịch của một thế hệ người Nhật can dự vào chiến tranh. Trước tháng 8 năm 1945 ông là họa sĩ có tiếng, có ảnh hưởng lớn, đào tạo nhiều học trò và có tiếng nói trong giới nghệ thuật của Nhật Bản. Ông còn là cộng tác viên (cố vấn) cho Bộ Nội Vụ trong việc chống “những kẻ phản bội tổ quốc”. Câu chuyện lờ mờ hé lộ rằng ông và các học trò giỏi nhất của ông đã có những tác phẩm cổ vũ chiến tranh của Nhật, xiển dương chính nghĩa của đế quốc Nhật trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Trung Quốc (trong sách dịch là “khủng hoảng Trung Hoa” ) dẫn tới làm nhiều người Nhật bỏ mạng.
Sau tháng 8/1945, nước Nhật bị chiếm đóng, giá trị quan phổ quát thay đổi. Những người Nhật trẻ tuổi như con gái, con rể và cháu ngoại ông nghĩ hoàn toàn khác ông về chuyện trong quá khứ. Họ cho rằng những người như ông phải chịu trách nhiệm về những gì nước Nhật đã làm trong chiến tranh. Thái độ và suy nghĩ của họ làm ông bị mắc kẹt. Các học trò của ông cũng tìm mọi cách để chối bỏ ông kể cả bằng cam kết để cầu an, tìm việc làm mới…
Đây là câu chuyện văn chương nhưng nó phản ánh đúng sự thật lịch sử. Tôi biết đến sự thật này khi đến Nhật du học và bắt đầu đọc những gì người Nhật viết, nghe những gì người Nhật nói.
Sau tháng 8 năm 1945, khi Thiên hoàng đầu hàng quân Đồng Minh, người Nhật đã bị… hẫng và rơi vào trạng thái trống rỗng hoang mang trong thời gian dài. Trong tác phẩm này của Kazuo, ông cho rằng quá trình đó kéo dài 5 năm.
Những giá trị người Nhật tôn sùng, không tiếc tính mạng hi sinh vì nó bỗng nhiên bị hạ bệ không thương tiếc. Những người theo đuổi giá trị đó thậm chí bị đưa ra tòa án, bị kết án “tội phạm chiến tranh” , bị đuổi việc.
Ngay trong lĩnh vực giáo dục, trong số 4 sắc lệnh tức thời do tướng Doulas MacActhur ban bố trong năm 1945 có một sắc lệnh có nội dung xử lý, đuổi việc tất cả những quan chức, viên chức giáo dục, giáo viên đã dính líu tới chủ nghĩa quân phiệt, cổ vũ chiến tranh.
Có lẽ họa sĩ Masuji Ono là một người trong số đó.
“Một họa sĩ phù thế” đã làm rất tốt điều đó.
Riêng tôi, khi đọc tác phẩm này tôi lại nhớ tới lời của một sử gia nào đó ở phương Tây: “Tất cả chúng ta đều là tù nhân của lịch sử”. Một câu nói thật sâu sắc. Người ta không thể lãng quên lịch sử, người ta chỉ có thể phản tỉnh về nó hay suy ngẫm về nó để tìm ra cách sống mới mà thôi. Masuji Ono không thể lãng quên quá khứ, không thể quên những bức tranh ông đã vẽ, không thể quên những gì ông đã giảng, đã nói với học trò, không thể từ bỏ hoàn toàn các học trò ông đã đào tạo. Ông cũng không thể khiến những người khác quên đi chuyện ông từng là người nổi tiếng.
Hoàn toàn không thể. Kể cả việc bắt các con ông nhìn nhận thế nào về nó. Một số người đã tự sát để xin lỗi và tạ tội với người còn sống.
Ông chỉ có thể suy ngẫm về nó và tìm kiếm ý nghĩa cho nó để có cách sống mới.
Việc đó, cuối cùng, đã đem đến cho con gái ông một cuộc sống bình an, hạnh phúc với một mầm sống mới hình thành trong bụng cũng như gieo cho ông một niềm hi vọng về tương lai của Nhật Bản.
Nguyễn Quốc Vương
Liên hệ mua sách qua Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
“Chuyện làng tôi” cũng là chuyện của chúng ta
Mời xem video :