Nỗi cô đơn của "mẹ mìn" gánh án chung thân

Chia sẻ Facebook
25/01/2023 23:52:17

Tâm trạng day dứt đeo bám tôi sau chuyến công tác tại một số trại giam trong những ngày cuối năm này là đôi mắt khắc khoải, nặng trĩu âu lo của những phạm nhân từng là người vợ, người mẹ. Họ luôn đau đáu về một mái ấm gia đình, về những đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra. Nhưng họ còn làm được gì khi phải chấp hành bản án hết cả cuộc đời.


“Vết trượt dài” của cô gái quê

Trước khi xuống Phân trại số 1, Trại giam Hoàng Tiến gặp Nguyễn Thị Dân, tôi đã được 1 cán bộ quản giáo sơ qua về nhân thân cũng như nguyên do vướng vòng lao lý của nữ phạm nhân này. Nguyễn Thị Dân còn có tên gọi khác là Hương (SN 1972, trú tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).


Năm 2005, sau khi mở rộng điều tra một số vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Tp.Hà Nội đã xác định Nguyễn Thị Dân liên quan đến nhiều vụ mua bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn, sau đó đưa vào các động chứa làm gái mại dâm. Nguyễn Thị Dân từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và sống ở khu vực Pò Chài.

Theo lời khai của những người bị hại may mắn được trở về, mỗi phụ nữ bị bán sang Trung Quốc thời điểm đó có giá từ 7.000 - 9.000 Nhân dân tệ. Thời gian đầu, với vai trò môi giới, Nguyễn Thị Dân được hưởng từ 800 - 1.000 Nhân dân tệ/người.

Năm 2004, thấy việc "kinh doanh" thân xác phụ nữ ở bên kia biên giới đem lại lợi nhuận cao, Dân đã trực tiếp tổ chức hoạt động mại dâm tại khu vực buôn bán sầm uất Pò Chài, sau đó mở rộng đến các khu vực khác là Bằng Tường, Ninh Minh và Bắc Hải - Trung Quốc. Hàng chục phụ nữ, trẻ em sau khi bị các "mẹ mìn" lừa gạt đưa qua biên giới đã được Dân mua lại để phục vụ khách mua dâm, trong đó có 2 trường hợp đang là sinh viên đại học ở Hà Nội.


Lệnh truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Thị Dân được phát đi. Nhận được thông tin phối hợp của Công an Tp.Hà Nội, sau khi điều tra bắt giữ, ngày 8/6/2007, Công an Trung Quốc và lực lượng Interpol đã bàn giao Dân cho Công an Việt Nam . Tháng 4/2008, vụ án của Nguyễn Thị Dân được đưa ra xét xử và bản án chung thân là cái giá Dân phải trả do tội lỗi của mình.

Trái với hình dung của tôi, nữ phạm nhân mệnh danh "mẹ mìn" nhìn khá hiền lành, chất phác. Điểm gây chú ý khi lần đầu tiếp xúc là Nguyễn Thị Dân có vóc dáng cao ráo, khoảng 1,7m, trẻ hơn tuổi. Dân nói chậm nhưng nhớ rành rọt từng chi tiết, khiến người nghe phải chú tâm: "Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và đông con. Lúc nhỏ tôi hay bị ốm nên tới năm lên 8, tôi mới được đi học lớp 1. Vì già dặn và cao lênh khênh trước các bạn cùng lớp nên tôi luôn bị chế giễu. Tôi xấu hổ và bỏ học giữa chừng.

Ở quê tôi, con gái lấy chồng rất sớm nếu không theo học đại học. Tôi cũng vậy, 17 tuổi đã bước chân về nhà chồng dù gia đình tôi không đồng ý. Sở dĩ gia đình tôi ngăn cản là vì biết chồng tôi là người chơi bời. Quả vậy, năm 1991, tôi 19 tuổi, sau khi sinh con trai được 13 tháng, tôi rời khỏi nhà chồng vì không chịu đựng nổi thói chơi bời và những trận đòn của anh ta. Vì muốn níu giữ tôi, gia đình chồng nhất quyết giữ thằng bé lại. Tôi ăn nhờ ở đậu một số người họ hàng.


Sau rồi mặc cho bố mẹ trách mắng, tôi cứ về nhà ở lỳ và ngày ngày đi chợ. Tôi thường mua đỗ, lạc của bà con rồi bán lại cho một số người thu mua hàng đem đi Lạng Sơn. Qua công việc chạy chợ, tôi gặp 1 phụ nữ đang cần tìm người phụ giúp thu mua lạc, đỗ tại Lạng Sơn. Biết hoàn cảnh của tôi, chị ta tỏ vẻ thương cảm và hứa sẽ trả cho tôi 2 triệu đồng/tháng. Tôi thấy mình như đang mơ vì thời điểm đó kiếm được 2 triệu đồng là cả một vấn đề. Tôi đâu biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc".


“Mẹ mìn" gánh án chung thân

Nguyễn Thị Dân kể, may mắn hơn một số nạn nhân trong chuyến ấy, Dân không phải lấy người già hay bị tống vào địa bàn sâu, xa, mà được 1 người đàn ông Trung Quốc 30 tuổi, chưa từng lập gia đình làm nghề buôn bán ở Pò Chài mua về làm vợ. Nhưng khổ nỗi anh ta chỉ coi Dân như người trông nhà để anh ta mặc sức chơi bời. Năm 1993, Dân xin anh ta cho được tự do và điều khiến Dân ngạc nhiên nhất là anh ta tỏ ra thông cảm và cho Dân một khoản tiền đủ để buôn bán nhỏ kiếm sống. Dân thuê quán bán cháo, phở tại Pò Chài.

“Năm 2003, cuộc đời tôi lại rẽ sang một ngả khác là gặp người đàn ông tên Toàn, người Việt gốc Hoa. Toàn làm phiên dịch cho 1 công ty ở gần khu vực tôi bán hàng. Tôi sinh 2 đứa con, 1 trai, 1 gái và điều đó khiến Toàn thương yêu tôi hơn. Không muốn phụ thuộc vào chồng, tôi sớm tối tần tảo lo cho con và bán hàng. Thời điểm đó, chỉ vì lòng tham và kém hiểu biết pháp luật, tôi đã trở thành “mẹ mìn”. Giờ đây, tôi đang phải trả giá, phải gánh chịu bản án thích đáng, bởi dù thế nào thì tôi cũng đã tiếp tay cho những kẻ buôn người, gây đau thương, mất mát cho bao cuộc đời, bao gia đình”, Dân trải lòng.

Khi lĩnh bản án chung thân và vào Trại giam Hoàng Tiến, Dân càng nhận ra giá trị của cuộc sống, thấm thía và thực sự hối hận. “Thật lòng, giờ đây tôi không nghĩ nhiều về bản thân vì tôi không đáng được nghĩ nữa. Tôi quặn lòng khi nghĩ đến 3 đứa con. Đứa lớn gần nhất mà hoá xa bởi hoàn toàn thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Hai đứa nhỏ thì ở phương trời tít tắp. Giờ đây, các con đã đến tuổi trưởng thành mà tôi không có tin tức gì về chúng.

Khi tôi mới vào trại, anh Toàn có đến thăm tôi đôi lần nhưng nhiều năm rồi thì không. Tôi không hiểu vì xa xôi, không có điều kiện hay quá giận mà hơn chục năm qua gia đình tôi ở Bắc Giang không hề tới thăm. Tôi hình dung ra nếu có phép màu, tôi may mắn được giảm án ra trại thì lúc đó bố mẹ tôi không còn, người thân và các con xa lánh. Tôi biết đi đâu, về đâu? Tôi sợ nhất điều này, sợ hơn tất thảy những gì tôi đã, đang phải nếm trải", Dân ôm mặt khóc nghẹn.

Nguyễn Thị Dân với nỗi cô độc không người thăm hỏi.

Ở nơi cải tạo này, mỗi phạm nhân đều có hoàn cảnh, nguyên do vướng vòng lao lý, những nỗi trăn trở và dự định tương lai sau khi ra trại. Riêng Dân thì khác. Với bản án chung thân, Dân không dám nghĩ tới tương lai vì cho đến hôm nay, hơn 15 năm kể từ khi bị bắt, Dân chưa hề được giảm án.

“Nhiều năm rồi, nhiều cái Tết qua đi, tôi không có người thân đến thăm. Tôi cô độc và là kẻ bị bỏ đi thực sự. Điều an ủi tôi là cán bộ ở đây thường động viên, giúp đỡ tôi vượt qua mặc cảm. Tôi vẫn tập trung cải tạo tốt, để không phụ lòng các cán bộ cũng như chị em cùng cảnh đã sẻ chia giúp đỡ", Dân ngậm ngùi nói.

Chia sẻ Facebook