Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 5: Đêm trọ của những phận nghèo
Nhà trọ tập thể gần 30 người bán hàng rong ở, nhưng chẳng mấy khi gặp mặt nhau. 4 giờ sáng họ ra khỏi nhà, 10 giờ tối mới về.
Câu chuyện của họ mỗi đêm là hôm nay bán được gì cùng thời sự "ai rồi cũng bị nhiễm" và chìm vào giấc ngủ mệt mỏi sau một ngày mưu sinh nhọc nhằn trên đường phố.
Ngủ dưới sàn nhà trong đêm rét 9 O C
Tôi trải chăn ở chỗ nằm của mình, trong khi chị Chiển thay đồ ngủ, tắm giặt. Nhà trọ không có nóng lạnh, lại quy định không dùng điện đun nấu nên ai có bếp gas mới có nước nóng. Tôi nhìn nhiệt độ trên điện thoại, lúc này là 9OC.
Chị Chiển xách một phích nước nóng, được một người về trước nấu giúp. Cả phòng chỉ có một cái bếp gas mini, góp tiền mua gas chung để nấu. Người về trước nấu cho người về sau, hoặc trả tiền cho người kia nấu.
"Mùa đông vài ngày mới tắm một lần, hôm nay chỉ lau người qua thôi" - bà Phượng, một người bán sắt vụn, cười nói. Bà Phượng ở đây cùng hai con, một trai một gái. Con trai bà chạy xe ôm Grab về muộn, con gái đang làm quán ăn.
Tôi muốn vào nhà vệ sinh, bà Phượng nói phải đợi chị Chiển tắm xong mới có chỗ. Hóa ra cả nhà chỉ có một phòng vệ sinh, ba trong một, cả tắm, giặt, đại tiểu tiện. Tôi không thể tưởng tượng khi 27 người ở trong nhà mà chỉ có một chỗ tắm giặt, vệ sinh chưa đầy 2m2.
Nếu ở lâu dài, ai cũng phải làm quen với cảnh sinh hoạt ở đây. "Nước nóng không phải hôm nào cũng đủ, có hôm nửa đêm hết gas phải tắm rửa bằng nước lạnh" - một người phân bua.
Trên góc tường nhà tắm có một bình nóng lạnh, nhưng nó đã bị cháy đen ngòm. Chị Chiển cho biết nó đã hỏng từ lâu, vì muốn tiết kiệm và vì người đến, người đi nên không ai đứng ra mắc bình mới.
"Trước đây có một bà cụ chuyên nấu nước bán, nấu bằng than tổ ong, bán 2.000 đồng một phích, sau này lên 3.000 đồng. Giờ bà ấy già quá rồi, không ai còn nấu bán nữa" - chị Chiển nhớ.
Vừa nói, chị vừa lật các tấm chăn để lót chỗ nằm: "Chăn bông ngày xưa đấy, chăn con công này ấm lắm". Một, hai, ba, bốn, tôi đếm được bốn lượt chăn và vỏ chăn chị lót phía dưới. "Phía trên chỉ cần một chăn nỉ là ấm" - chị Chiển cười nói.
Không ai có chăn bông siêu nhẹ, hay đệm êm ấm nào. Mẹ con chị Phượng chỉ lót và đắp bằng hai chiếc chăn nỉ, người ta dùng làm chăn mùa hè, ngủ trong điều hòa. "Mấy hôm đầu lạnh cũng khó ngủ, giờ quen rồi" - chị Phượng cho biết.
Phòng ngủ, chiều dài bằng hai manh chiếu, chiều rộng bằng một manh chiếu rưỡi. Hai bên nằm ngược nhau, đầu quay vào tường, chân đối chân. Hiện lúc này phòng có 6 người.
Khoảng 10 giờ tối, lần lượt con trai chị Phượng về, đến chị Luyến đi bán hoa quả về. Chị Luyến vui mừng báo: "Hôm nay bán được mít với xoài nên nán lại để bán, cả buổi không bán được cân nào, ai dè tối mấy người mua mỗi người 2kg".
"Hôm nay có đá bóng, đường vắng nên tôi không bán được, cái gì cũng ế" - chị Chiển đáp lại. "Hình như anh Phúc bị COVID-19 rồi đúng không? Anh ấy bảo đừng lên gặp anh ấy, đang nằm một mình trên gác" - chị Luyến hỏi. Mọi người đều xác nhận thông tin chính xác anh Phúc bị nhiễm, người đứng ra thu tiền nhà mà tôi mới chào hỏi hôm qua.
"Em mới chào hỏi anh ấy, có thể em cũng bị lây rồi" - tôi báo với mọi người nhưng chẳng thấy ai ngạc nhiên cả. Mọi người lần lượt kể họ cũng đã bị mắc COVID-19 từ trong tết, có người mới khỏi được vài hôm, hoặc bị lần 2. Nghề bán hàng rong khó tránh được việc lây nhiễm vì mỗi ngày họ đi khắp ngõ ngách.
Phòng trọ của những đồng hương
Người ở các tỉnh về Hà Nội bán hàng rong thường rủ nhau ở trọ theo xóm, theo phòng. Điều này vừa giúp giảm tiền phòng trọ, vừa dễ tin tưởng và để đỡ nhớ quê.
Nhà trọ tôi đang trọ, mọi người đều từ Hưng Yên, nhiều nhất là huyện Kim Động. Có xóm trọ đều là người quê Thanh Hóa, bán bông tăm, móc khóa, lịch vạn niên. Xóm lại chỉ toàn người Hà Tây (nay là Hà Nội mở rộng) đi bán đồ gia dụng, chổi, xô chậu, móc áo... Có phòng ở trọ 3 - 4 người, có nhà trọ tới 27 người như tôi đang ở.
"Đi bán, gặp nhau trên đường rồi rủ đến ở cùng, ai ở làng muốn đi bán thì lên có sẵn chỗ ở. Cùng quê thì vui, đồ đạc, tiền nong có để đâu cũng không sợ mất cắp như cho người lạ ở. Không phải ai cũng có tính xấu, nhưng quen biết thì vẫn hơn" - chị Chiển giải thích.
Chị Chiển là một trong những người đầu tiên đến ở nhà trọ, đến nay đã hơn 10 năm. Gần 50 tuổi nhưng chị Chiển vẫn chưa phải là người lớn tuổi nhất và có thâm niên bán hàng lâu nhất. Ở đây đa số người lớn tuổi, trên 50 - 60 tuổi cả rồi. Bán hàng lâu năm nhất có bà Nhàn, chị Huệ, chị Phượng...
Trước khi đi bán hàng rong, chị Chiển từng xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Gặp khó khăn, chị không được làm việc theo hợp đồng mà phải ra ngoài làm tự do. Sau khi tiết kiệm được ít vốn liếng, chị về nước xây được nhà rồi theo người ở quê lên Hà Nội bán rau.
Chị khoe vừa cưới vợ cho con trai đầu, còn con gái năm nay học năm thứ hai Đại học FPT. "Trong tuần này lại đến kỳ đóng tiền học rồi, nó vừa nhắn tin sáng nay. Thấy bảo trường đó dạy tốt, dịch cũng không nghỉ. Mỗi năm, riêng học phí hết 90 triệu đồng, thấy nó quyết tâm tôi cũng cố gắng cho học hết" - chị Chiển cho biết. Chồng chị làm ruộng vườn ở quê và chăm bố chồng đã hơn 80 tuổi.
Chị Luyến cùng quê với chị Chiển, chỉ cách nhà nhau 3km. Hai người ngang tuổi nhau, cùng lên Hà Nội bán hàng rong. Chị Luyến là người vui tính, chị thường về muộn và hay tấu hài vang khắp nhà. Mọi người trêu chị diễn hài có khi đắt khách hơn diễn viên.
Cười nói vậy, nhưng chị Luyến đang có nỗi khổ trong lòng. Chị đã ly hôn chồng và đang vất vả nuôi ba đứa con, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Ba đứa con của chị ở quê, đứa lớn chăm đứa bé. Ngày nào chị cũng nói chuyện với con bằng Zalo: "Đứa nhỏ cũng quen mẹ đi xa rồi nên không khóc, anh chị lớn chăm em lắm" - chị Luyến bày tỏ.
Chị Huệ nghỉ tết lên Hà Nội muộn hơn, vì năm nay dịch bệnh. Chị bị chồng trêu: "Đi bán lâu năm như thế mà chưa chán sao, tưởng ở nhà luôn mà không ở". Chị Huệ theo người làng lên Hà Nội gánh thuê từ năm 17 tuổi, ai thuê gì cũng gánh, lúa gạo, ximăng, sắt, đá. Sau thấy nhiều người chuyển sang gánh hoa quả bán dạo, chị cũng theo. Bây giờ chị đã thay quang gánh bằng xe đạp cũ.
Bà Nhàn lớn tuổi nhất, năm nay đã ngoài 60 tuổi, bán hoa quả được 30 năm. Ban đầu, ông Phúc bảo tôi ở cùng phòng bà, vì phòng còn trống chỗ, bà cũng là chị gái ông. Lần đầu tiên gặp, bà ngồi trùm chăn kín mít không thấy mặt mũi đâu. Bà nói mình bị đau răng, trời lạnh càng đau mạnh. Bà cũng nằm trên sàn gạch, chỉ trùm một cái chăn bông mỏng.
Cả phòng có bà về sớm, nhưng sáng mai bà cũng là người dậy đi bán sớm nhất. Trong phòng còn có hai người bán quần áo, một người bê hàng ở chợ Đồng Xuân, một người đi giúp việc. Một số vẫn nghỉ tết, nghỉ dịch chưa lên.
Tầng của bà mùa mưa bị dột, phải dùng màn nilông che để ngủ. Trên nóc nhà từng đám rêu bám xanh rì, đó là chỗ khe nứt nhưng chủ nhà vẫn không sửa. "Tôi ở bao nhiêu năm rồi mà có thấy mặt chủ nhà đâu, mỗi tháng thằng em lên nhà đóng tiền chứ họ có đến đây bao giờ" - bà Nhàn thở dài.
Góc phòng của bà, túi thuốc nhiều hơn cả đồ dùng. Ngày nào bà cũng phải uống thuốc, thuốc đau răng, đau khớp, dạ dày. "Tôi chưa muốn nghỉ, con lớn cả rồi nhưng ông nhà tôi vẫn rượu chè, cờ bạc" - bà Nhàn cho biết ngày xưa bà tìm lên Hà Nội bán rong vì ở quê đói quá.
Những đêm đầu ở trọ, tôi không thể ngủ trọn giấc vì lạnh và tiếng ho khục khặc suốt đêm. Nhà đã có ba người bị nhiễm COVID-19, một số cũng vừa khỏi. Hơn một tuần sau, tôi test cũng dương tính và những cơn ho khan bắt đầu...
Thời đại công nghệ, máy móc đã thay thế phần lớn sức người nhưng gánh hàng rong vẫn kẽo kẹt giữa phố xá sầm uất. Có người nói vui rằng chừng nào Hà Nội còn "ngõ nhỏ, phố nhỏ" thì gánh hàng rong còn.
Kỳ tới: Quang gánh giữa phố xá hiện đại
Ngủ trên nền nhà, không có nước nóng giữa mùa đông lạnh giá, đời hàng rong cố gắng tiết kiệm đến mức tối đa chỗ ở trọ. Họ cho rằng chỉ là nơi về ngủ vài tiếng rồi đi. Và họ vẫn ở như thế cả 20 năm qua.