Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 4: Đời hàng rong và nhà trọ 15.000 đồng

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 11:28:12

Ngủ trên nền nhà, không có nước nóng giữa mùa đông lạnh giá, đời hàng rong cố gắng tiết kiệm đến mức tối đa chỗ ở trọ. Họ cho rằng chỉ là nơi về ngủ vài tiếng rồi đi. Và họ vẫn ở như thế cả 20 năm qua.

Những chiếc xe đạp, xe máy cũ nát làm “cần câu cơm” của người bán hàng rong - Ảnh: TÂM LÊ


Ở trọ phải thật thà

Những ngày dịch giã này, phòng trọ trống nhiều nhưng người bán hàng rong vẫn khó thuê trọ. Lý do chủ nhà sợ lây bệnh, cho rằng người bán hàng rong đi khắp nơi nên nguy cơ lây nhiễm cao.

Ra tết, bảng cho thuê phòng trọ xen với bảng điểm cách ly y tế màu đỏ, dán khắp ngõ nhỏ Hà Nội. Tôi đạp xe đến những nơi có nhiều người bán hàng rong thuê trọ lâu năm, như phía sau ga tàu và quanh khu chợ Long Biên.

Nhìn thấy xe đạp của tôi, chủ nhà đứng từ xa giao tiếp và viện lý do không có chỗ để xe hoặc nói đã có người thuê dù vẫn treo biển. Tôi nghĩ có lẽ chỉ các "đồng nghiệp" đang bán hàng ngoài kia có thể giúp.

"Chỗ chị trọ còn trống phòng không, em đang tìm nơi ở?", tôi hỏi một chị gánh hàng rau và một chị xe hoa quả nhưng đều nhận được cái lắc đầu, lạ lẫm. Trên một đoạn đường khác, chị bán hoa quả có vẻ khó gần đã tiết lộ: "Tôi không bán hàng thường xuyên, lúc nào không phải trông cháu thì đi bán nên ở trọ theo ngày. Chỉ 20.000 đồng một đêm".

Chỗ trọ theo đêm này tôi đang cần tìm, nhưng chị ta nhìn tôi rồi than vãn: "Không ở được đâu, kinh khủng lắm, mùi hôi hám. Trên thì chủ nhà dở hơi, dưới thì thằng nghiện, trộm cắp thường xuyên".

Tôi càng tò mò và cố tìm lý do để chị chỉ chỗ ở: "Em chỉ ở tạm vài hôm, giờ thuê riêng đắt quá!". Nhưng không hiểu sao chị nhất quyết bảo tôi nên tìm người trọ riêng: "Tội gì phải ở chỗ như thế, bất đắc dĩ mới phải ở".

Tôi đoán chị có ý tốt chứ không phải vì sợ người lạ. Một người bán trà đá nói thêm vào: "Xe cộ phải để ngoài bờ sông, hư hỏng hết. Trộm cắp ghê lắm, nghe nói có người để tiền dưới gối nằm mà sáng mai vẫn mất".

Không thuyết phục được chị, tôi đành đi tìm người khác với hy vọng biết được chỗ trọ 20.000 đồng như vừa nghe kể. Một chị bán hoa quả khác cho biết từng trọ tập thể 15.000 đồng một đêm. Nhưng chị đã chuyển ra ngoài thuê trọ theo tháng cùng ba người bạn hàng khác.

Chị cho tôi biết một số thông tin về chỗ trọ: "Nhà mới xây nên cũng sạch sẽ, nhưng muốn nấu ăn phải thêm 2.000 đồng, gửi xe 3.000 đồng, muốn tắm nước nóng thì trả thêm tiền đun nấu", chị cho tôi địa chỉ và dặn thêm đừng nói với bà chủ là chị giới thiệu đến.

Tôi muốn hỏi thêm một người nữa rồi quyết định chọn nơi ở trọ, cũng là người bán xe hoa quả rong bên đường. Chị cho biết đang ở nhà tập thể với nhiều người cùng quê Hưng Yên, gần chợ Long Biên, mỗi tháng hết khoảng 400.000 đồng. Chị nói vẫn còn chỗ nhưng chưa đồng ý ngay vì còn băn khoăn.

Chị hỏi tôi một loạt câu hỏi quê ở đâu, đang bán gì, ở đâu, xe to hay nhỏ. "Nhà từ trước tới nay chỉ cho người ở cùng quê trọ, nay dịch nên mới trống chỗ. Nhưng ở phải thật thà, nếu ở mà có tính xấu thì không ai cho ở đâu", chị nhắc đi nhắc lại tính thật thà của người đi trọ.

Thấy tôi là người khác tỉnh, chị e dè nói để tối về hỏi ý kiến mọi người, nếu họ đồng ý chị sẽ báo. Chị bảo tôi ghi số điện thoại của chị để nhận tin.

Mỗi người nằm trên tấm bìa giấy trải trên nền nhà lạnh để ngủ qua đêm mùa đông - Ảnh: TÂM LÊ


Tắm nước lạnh, ngủ sàn gạch

Buổi sáng, tôi gọi điện cho chị Chiển, người hôm qua cho số điện thoại để hỏi trọ. May mắn chị báo đồng ý và dặn buổi chiều tối có người ở nhà thì đến. Nhớ mang theo chăn ấm, không cần chiếu vì đã có sẵn.


Nghe chị mô tả đường đi khó mà hình dung nổi, đến quán phở rồi đến trường mầm non, thấy sân bóng thì rẽ vào ngõ 1. Tôi hỏi tên ngõ nào, ngách nào chị không nhớ để tôi có thể hỏi thăm hoặc đi theo Google. Tôi đành đợi đến 8 giờ tối, ở ngã tư Bảo Linh như lời dặn để chị dẫn đường.

Chị dắt xe đạp chở hàng đi trước, tôi cũng xuống dắt bộ theo sau. Chúng tôi qua rất nhiều con đường nhỏ, rẽ trái, rẽ phải trên phố Phúc Tân rồi mới tới nhà số 1. Ngôi nhà 3 tầng trong ngõ hẹp, có vẻ bề ngoài không tồi. Chị Chiển thò tay vào trong mở khóa cửa, đẩy cánh cửa xếp ra hai bên, cánh cửa không chắc chắn.

Tầng một để xe, có vài xe đạp cũ dựng sát nhau. Một chiếc xe máy ép sát trong cùng, trên xe là đủ các loại bọc yên xe máy, ôtô các loại. "Còn nhiều xe nữa chưa về, xe hoa quả về trước, xe quần áo về sau. Nếu xe em to sẽ không còn chỗ đâu, xe nhỏ mới để vừa được", chị Chiển giải thích.

Chị cất một số hoa quả chưa bán hết vào túi, vừa để cho gọn nhà, vừa tránh chuột gặm. Xong xuôi, chị mới bảo tôi dắt xe vào, để thật sát vào xe bên trong vì còn rất nhiều xe khác chưa về.

Diện tích bên trong ngôi nhà cũng không lớn, cầu thang nhỏ hẹp, tối và không biết bao nhiêu đồ đoàn của người thuê trọ treo dọc lối đi. Có hai tầng chính để người bán hàng rong ở, chủ yếu là phụ nữ. Tầng trên cùng là người đàn ông đứng ra "thầu" thuê phòng ở, anh cũng bán hàng rong lâu năm. Tôi phải lên chào để anh biết mặt và nghe dặn dò một số nội quy.

"Ở đây đều là người bán hàng lâu năm, cùng quê tôi ở Hưng Yên. Đợt này dịch một số người nghỉ, một số chưa lên. Nếu ở nhiều người thì tiền trọ chia ra cho mỗi người sẽ càng ít, nhưng ở với nhau quan trọng nhất là phải thật thà", anh Phúc tạm gọi là "chủ nhà", anh ở tầng 3, một gác lửng dùng để phơi quần áo là chính.

Một lần nữa anh Phúc nhắc lại tính thật thà của người ở trọ, anh ví dụ cụ thể: "Thấy tiền của ai bỏ quên trong nhà tắm thì cũng để đấy cho họ, tiền của ai để đâu thì đừng rút lõi, tiền rơi thì nhặt trả lại cho người rơi. Ở với nhau phải giúp đỡ, bảo vệ nhau".

Nhà trọ được anh thuê với giá 5 triệu đồng, hiện 11 người ở, chia ra mỗi người khoảng 400.000 đồng cả điện nước. Anh Phúc cho biết có đợt ở đông nhất tới 26 người, chia ra mỗi người chỉ phải đóng rất ít tiền.

"Ai đi xe máy thì đóng thêm 100.000 đồng nữa. Ở đây, tôi không cho nấu ăn, nấu nước bằng điện để đỡ tốn, ai muốn nấu nước tắm thì mua bếp gas mini" - anh Phúc cho biết quy định ai cũng như ai, anh cũng đóng tiền như vậy.

Tôi đồng ý với mọi yêu cầu của anh, rồi anh nói tôi muốn ở tầng 1 hoặc 2 đều được. Tầng 1 đang có chị gái của anh ở, phòng còn trống nhiều chỗ. Nhưng tôi xin lên tầng 2 ở cùng chị Chiển, người đã dẫn tôi về nhà trọ.

Chị Chiển chỉ cho tôi góc ngủ trong cùng, phòng không có giường, chỉ có những tấm bìa cactông xếp ngang dọc trên sàn gạch hoa đã cũ. Chăn chiếu đang cuộn lại một góc, càng trống trơn, căn phòng chẳng có chút gì ấm áp giữa ngày lạnh giá.

Lúc này ở phòng đang có mẹ con chị Phượng, người nhặt ve chai, đang ăn cơm. Mọi người vẫn chưa về đủ, vẫn còn thiếu hai người đi bán hoa quả. Chị Chiển hôm nay về sớm hơn mọi ngày vì chị muốn dẫn đường cho tôi, thường thì 9-10 giờ đêm chị mới về.

Tôi vào góc ngủ của mình với một cái chăn bông mang theo, trên nền gạch lạnh buốt. Trong đầu hình dung, chỉ còn cách trải một nửa chăn phía dưới, nửa kia để đắp bên trên và sẽ không thể duỗi chân tay một cách thoải mái. Tôi bắt đầu với đêm trọ đầu tiên ở xóm trọ của người bán hàng rong.

Người bán hàng rong rất lo lắng việc người ở cùng nhà không tử tế, có tính ăn cắp vặt. Bởi họ vất vả cả ngày kiếm được vài đồng bạc, phải để cả vốn lẫn lời trong túi áo quần về nhà trọ. Trong lúc tắm giặt hoặc ngủ say, ai tính xấu dễ lấy cắp hoặc bớt xén tiền của họ.


Điều này cũng giải đáp giúp tôi thắc mắc vì sao đi xin ở trọ cùng những người bán hàng rong lại khó vậy.

Nhà trọ tập thể người bán hàng rong ở đông, nhưng chẳng mấy khi gặp mặt nhau. 4 giờ sáng họ ra khỏi nhà, 10 giờ tối mới về. Câu chuyện của họ mỗi đêm là hôm nay bán được gì, thêm chút thời sự "ai rồi cũng nhiễm bệnh" và chìm vào giấc ngủ mệt mỏi.


Kỳ tới: Đêm trọ của người nghèo cùng quê

Có nhiều xe hàng rong gồm cả gia đình, cha mẹ, anh chị em họ hàng cùng lên phố mưu sinh. Đôi vợ chồng trẻ bán bún riêu đậu, hay vợ bán rau, chồng làm xe ôm. Em bán đệm ghế, chị bán hoa quả, bánh mì.

Chia sẻ Facebook