Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 2: Co ro ngày rét cắt da thịt

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 13:41:33

Hà Nội những ngày giá rét cắt da thịt và mưa phùn, dưới chiếc nón lá, gương mặt người bán hàng rong được che kín bởi khẩu trang, khăn trùm đầu và nhiều lớp áo quần. Vậy mà vẫn có những gương mặt tím tái và ngón tay như teo quắt lại vì rét.

Phóng viên Tuổi Trẻ nhập đời bán hàng rong với chiếc xe đạp và thùng hành tỏi - Ảnh: VŨ TUẤN


Ngày thứ hai với xe hàng rong ngoài đường mùa đông rét cắt thịt, tôi có nhiều điều mới phải làm quen. Đời hàng rong nhưng cũng cần có chỗ đứng. Phải mất thời gian, người bán mới tìm được chỗ bán hàng thuận lợi mà không bị chủ nhà hoặc chính bạn hàng la ó.


Sự khó chịu của "đàn chị"

6 giờ sáng, xe hành tỏi của tôi có mặt trên phố, thời điểm các bà nội trợ đi chợ và người tập thể dục tiện đường mua thức ăn. Các chị hàng rong hoa quả cũng có mặt từ rất sớm, chỗ đứng quen thuộc dọc hai lề đường Trần Quang Diệu (quận Đống Đa, Hà Nội).

Mỗi ngày, nếu hàng hoa quả thì người bán phải dậy từ 4 giờ sáng để đi chợ đầu mối, vì hoa quả muốn tươi thì phải lấy hàng mỗi ngày. Người bán hàng ăn cũng phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Riêng hàng quần áo, bông tăm, đồ gia dụng hoặc hành tỏi, chanh gừng có thể lấy vài ngày một lần.

Nơi hôm qua tôi đứng, hôm nay đã bị một xe di động bán gà ủ muối chiếm chỗ. Vì chỗ đứng miễn phí, nên ai đến trước người đó được phần. Chị bạn hàng mà tôi mới kết thân chỉ cho tôi một chỗ mới ở gốc cây phía bên kia đường, cạnh hàng nem thính.

Tôi dắt xe qua, đứng nép sát gốc cây để không ảnh hưởng đến hàng bán bên cạnh. Dựng xe xong, tôi mỉm cười cúi chào, nhưng chị chủ hàng nem thính không chào lại mà buông câu không có gì làm vui:

- Hành tỏi đứng chỗ này thì bán cho ai, ra chợ mà ngồi.

Chưa biết chị ta cho tôi một lời khuyên thật lòng hay muốn tôi rời đi khỏi "lãnh địa" của mình.

- Dạ, em chỉ đứng đây bán thử xem sao, không bán được em sẽ đi ngay - tôi cười đáp kiểu "đàn em biết điều với đàn chị".

Nhưng khoảng nửa giờ sau, chị ta lại giọng điệu rất khó chịu:

- Đứng sang bên kia đường mà bán, chỗ hoa quả rộng lại thuận đường.

Tôi đành trả lời chỉ đứng đây một lát nữa sẽ di chuyển đi nơi khác, nhưng trông nét mặt chị vẫn nặng nề, khó chịu.

Những người mới bán như tôi có lúc gặp được đồng nghiệp tốt, giúp đỡ tận tình, có khi gặp phải tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" gây khó dễ cứ giống như mình bán hết phần của họ. Thậm chí xảy ra cả những cuộc cãi cọ, ẩu đả nhau vì chỗ bán thế này. Tôi biết thân phận "ma mới" của mình nên ngọt nhạt cho qua chuyện, bị đuổi quá thì đi chỗ khác, không dại dột vội vã gây thù hằn.

Gần trưa, những người bán hàng nhắc nhau để ý trật tự phường vì đây là thời điểm họ hay đi tuần tra dẹp hàng rong. Lịch tuần tra của họ cũng được những người bán hàng đoán biết. Ừ thì thôi cũng nên chấp hành, mình mưu sinh thiện lương thì không để ảnh hưởng người khác.

"Lúc ấy cứ dắt xe đi thôi, dắt vào ngõ thì càng tốt. Hôm nào họ muốn bắt, phạt thì đuổi vào tận ngõ. Khoảng một hai tuần họ sẽ phạt một lần" - chị bán hoa quả mách nước cho tôi, chị nói xe hàng nhỏ như tôi ít bị phạt hơn. Nếu bị bắt, mức phạt khoảng từ 150.000 - 250.000 đồng một người.

Những người bán hàng rong ngóng khách một sáng giá rét - Ảnh: TÂM LÊ


Giúp nhau giấc ngủ mươi phút bên đường

Chính vì vậy, chiếc xe đèo hàng còn "cõng" theo nhiều vật dụng cần thiết khác như áo mưa, nước uống, áo ấm dự phòng, thuốc thang... Đó là tất cả hành trang cho một ngày ra đường của người bán rong. Điều này khiến tôi không còn thắc mắc tại sao xe hàng của các chị bán lâu năm lại buộc hàng chục thứ đồ lỉnh kỉnh.

Những lúc trời mưa nặng hạt, người bán lấy chiếc ô lớn gửi trong cửa hàng trên phố che cho hàng. Nhiều người không có ô đành chạy trú mưa dưới tán cây, mái hiên, gầm cầu.

Đối với hàng hoa quả, mưa bụi ít ảnh hưởng đến hàng hóa nhưng xe hành tỏi của tôi thì nguy cơ thối và mọc mầm. Vì không có kinh nghiệm, tôi không có ô che, cũng không có áo mưa dự phòng. Chị bán hoa quả kêu tôi dắt xe vào tán cây, hoặc vào mái hiên trú mưa. Tôi vội che tạm bằng những túi bóng cỡ to dùng để đựng hàng rồi dắt xe đi trú. Trời lúc mưa lúc tạnh, tôi không muốn nghỉ bán.

Đến giờ ăn trưa, những người bán hàng rong vẫn chưa có "dấu hiệu" nghỉ. Người mải miết mời chào, người cố ngóng khách. Cuối cùng thì cũng đến bữa trưa thật đơn giản, nhanh gọn. Bữa trưa của chị Hòa, người đứng bán cạnh tôi, là bát mì tôm, con trai nấu bê ra từ phòng trọ gần nơi chị bán. Còn của chị Nghiêm là bát bún đậu mắm tôm, chủ hàng bê ra tận nơi.

Có người ăn bánh rán, trứng luộc, nắm xôi của đồng nghiệp đi bán rong mời ăn cho qua bữa, cũng là ăn hỗ trợ nhau. Thi thoảng được bữa nào sang thì một bát bún đậu, bún riêu, cháo sườn do người bán bê ra tận nơi. Ai nấy ngồi xụp xuống phía sau xe hàng, ăn nhanh kẻo khách đến và bụi đường bay mù mịt.

"Bán hàng rong phải tiết kiệm mới để dành được, làm được 10 đồng mà ăn mất 8 đồng thì đói, chỉ ăn 3, 4 đồng thôi" - mẹ chị Hòa, người lớn tuổi nhất trong số những người bán hàng rong ở khu chợ, cho biết. Bà bán ở góc đường, cách con gái chỉ vài bước chân.

Riêng gia đình chị Hòa đã có tới 3 người bán hàng rong ở khu phố này. Chị quê Xuân Trường, Nam Định, bán hàng từ hơn chục năm trước. Ra Hà Nội được vài năm thì chị kéo theo mẹ ruột, tiếp đến là em gái chồng cũng theo dầm mưa dãi nắng mưu sinh trên phố.

Hai mẹ con thuê nhà trọ nhỏ gần chợ, hàng hóa tối gửi ở hiệu thuốc ngoài đường lớn cho tiện lấy. Còn vợ chồng người em thuê phòng trọ riêng cũng ở gần khu phố.

Một đồng nghiệp khác của tôi là chị Nghiêm, quê Hưng Yên, đang ở trọ tập thể bên chợ Long Biên. Xe hàng chị cũng gửi gần chợ. Xong buổi hàng rong, chị đi xe máy về nhà trọ cùng một bạn hàng khác.

Một số người ở ngoại thành Hà Nội, sáng chạy xe máy đèo hàng lên bán, tối chạy xe về. Những người quê ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình... rủ nhau vài người cùng quê trọ một phòng cho tiết kiệm. Có cả nhiều đôi vợ chồng cùng về Hà Nội mưu sinh. Vợ bán hàng rong, chồng chạy xe ôm, bốc vác hoặc cả hai cùng bán hàng rong.

Tôi để ý thấy người Hưng Yên, Hà Nam hay rủ nhau bán rau quả, người Thanh Hóa có truyền thống bán tạp phẩm như tăm bông, móc khóa, bật lửa, lịch vạn thư. Đồng hương cùng cảnh xa quê dễ gần gũi, giúp đỡ nhau buôn bán.

Đầu giờ chiều vắng khách, những người bán hàng rong tranh thủ nghỉ chân trên chiếc ghế nhựa nhỏ mang theo. Tôi cũng sắm một cái ghế kiểu ngồi nhặt rau trong bếp.

Vài phút ngồi nghỉ, hai bắp chân tôi giảm mỏi nhức, cột sống cũng bớt chịu lực nên thấy thoải mái hơn. Có người tranh thủ chợp mắt vài phút ngay bên cạnh xe hàng, một giấc ngủ nhanh rất tự nhiên của người bán hàng.

- Hôm nào mệt quá thì đẩy xe vào cổng chợ, hay mái hiên nhà nào đóng cửa, trải manh áo mưa chợp mắt một tí - chị Hà nói với tôi.

- Chị không sợ hàng bị ăn cắp sao? - tôi hỏi.

- Ai lấy mà sợ, cần thì nhờ mấy người thức, bảo họ một câu họ để ý cho mình.

Chị Hòa nói tôi có thể nhờ vậy nếu buồn ngủ quá. Bạn hàng sẽ giúp nhau, người thức trông cho người chợp mắt mươi phút.

Ngoài bán hàng rong trên chiếc xe đạp hay xe máy, nhiều chị vẫn kĩu kịt quang gánh trên vai hay cắp cái thúng nhỏ bên hông với vốn hàng vỏn vẹn vài trăm ngàn đồng.

Một ngày mưu sinh của người bán hàng rong bắt đầu từ 4-5 giờ sáng và kết thúc lúc 21-22 giờ đêm. Giấc ngủ trưa một, hai giờ với họ là quá xa xỉ, họ quen việc trên phố hơn trên chiếc giường của mình.

"Lên phố bán hàng mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn, ở quê làm gì để ra tiền với mấy sào ruộng".


Kỳ tới: Cả gia đình cùng bán hàng rong

Phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng ăn ở và mưu sinh hơn bốn tháng với các phận đời hàng rong bên đường để hiểu hơn về những cực nhọc, lo toan của họ, những người lao động đã là một phần không thể thiếu ở các đô thị.

Chia sẻ Facebook