Nổi chìm đời hàng rong - Kỳ 1: Tên tôi là... hành tỏi

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 12:25:07

Phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng ăn ở và mưu sinh hơn bốn tháng với các phận đời hàng rong bên đường để hiểu hơn về những cực nhọc, lo toan của họ, những người lao động đã là một phần không thể thiếu ở các đô thị.

Khu vực bán hàng rong ở chợ Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: TÂM LÊ

Sắm chiếc xe cũ, tôi lọng ngọng đạp xe thồ hàng ra vỉa hè và nhập hội cùng những phận đời hàng rong. Công việc ráo mồ hôi là hết tiền nhìn có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào giữa mưa dầm, giá rét. Làm sao không bị ế ẩm, hàng hóa hư thối để đủ tiền nhà trọ, đủ ba bữa cơm và dè sẻn cho con ăn học.

Tôi tìm mua lại chiếc xe đạp cũ có chân chống vững một bên để tiện cho việc bán hàng. Yên xe cao khiến hai chân không chạm đất, tôi phải nhờ thợ hạ độ cao xuống để đi cho an toàn.


Lọng ngọng đạp xe thồ hàng

Trước khi chở hàng, để tránh việc va quệt, tôi đã có hai buổi đạp thử xe thồ trên đoạn đường đông đúc của Hà Nội. Quả thật, nhiều lúc thà xuống dắt bộ còn dễ hơn. Và tôi đã phải dắt bộ vài lần. Đạp xe bán hàng khác hẳn với đạp xe thể thao.

Nhưng điều quan trọng là làm sao để bán được hàng? Việc này không ai thạo hơn các chị bán hoa quả lâu năm ngoài vỉa hè, rồi vào nghề nó dạy mình thêm.

Vài mớ hàng rong, tưởng đơn giản nhưng cũng lắm thứ phải chuẩn bị. Tôi đã đầu tư một số vốn "kha khá", ngoài chiếc xe đạp, còn có bì hành tỏi đặc sản Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nhìn lại, tôi thấy mình vẫn "khá" vì nhiều người phải bắt đầu với cái quang gánh, rổ hàng rong.

Tôi mua thêm một chiếc cân điện tử cỡ nhỏ, một sạp buộc sau xe để bày hàng bán, vài bịch túi nilông đủ kích cỡ. Lục tìm lại vài bộ quần áo cũ, đôi giày cũ và một cái mũ lưỡi trai cỡ rộng thay cho chiếc nón lá, tôi bắt đầu vào đời hàng rong.

Ngày đầu, tôi đỗ xe bên mép đường, đối diện cổng chợ Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây đang có nhiều xe hàng rong bán hoa quả đứng cách đoạn.

Một chị bán hàng ở gần chỉ chỗ cho tôi đứng cạnh chân cột đèn. Đây là chỗ đứng tiện lợi, gần cổng chợ, nên khách dễ thấy mà không vướng vào hàng quán phía sau.

Tôi tò mò tại sao chỗ đẹp như thế lại bỏ trống? Về sau mới biết xe hoa quả phình to, gây tắc đường, dễ bị đuổi. Xe tôi chỉ hai mặt hàng hành tỏi khô gọn nhẹ. Xe hoa quả thường "trang bị" hai lồng sắt to hai bên, lại thêm khay to phía trên bày các loại quả chiếm cả yên xe.

Trên giỏ trước cũng bày thêm một rổ quả, khiến chiếc xe chỉ có đẩy chứ không thể ngồi lên mà đạp. Những người bán lâu năm, xe của họ giống như một sạp hàng hoa quả di động.

Tôi chọn bán hành tỏi mà không phải hoa quả, vì trước đó tôi có hỏi han một số người bán dạo. Hoa quả đang "dội hàng", khu vực mà tôi chọn bán đã có nhiều xe hoa quả xếp hàng.

Thấy tôi quyết định đổi mặt hàng khác, chị bán hoa quả bỗng vui vẻ tư vấn nhiệt tình:

- Hành tỏi bán được đấy. Lên chợ đầu mối Long Biên mà lấy hàng.


- Đi chợ đầu mối phải từ sáng sớm phải không chị? - tôi hỏi.

- Ừ, phải đi từ 4-5 giờ sáng, thường họ cắm sẵn giá trên thùng, không cần trả giá. Chọn hàng nào dễ bán thì lấy, bán nhiều sẽ quen.

Chị cười vui vẻ mách nước khi tôi mua một ít hàng để làm quen, những ngày sau chúng tôi thân thiết hơn khi trở thành "đồng nghiệp".

Chỗ chúng tôi đứng bán phía sau vốn là một kho hàng, nay được biến thành quán vịt quay. Bên ngoài vỉa hè trống, người bán hàng rong có thể đi lại hay kê ghế ngồi lúc mỏi chân.

Chiều tối khách đến quán ăn, dựng xe kín vỉa hè, người bán hàng chỉ còn cách đứng im một chỗ. Cũng vừa đúng giờ "cao điểm" người dân đi chợ, người bán cần đứng để chào hàng.

Tôi có những vị khách đầu tiên hỏi mua, trả giá. Họ là các chị, các mẹ đi chợ chiều và những người đi làm về dừng xe hỏi mua. Lời mời chào ngượng ngùng, nhỏ bé của tôi bị lấn át bởi người bán kế bên.

- Người đẹp ơi, mua gì nào? Quýt, roi ngọt lắm, hay ăn xoài? - tôi nghe rõ tiếng của chị bán hoa quả mời chào đon đả.

Một khách mua hàng dễ tính mà tôi (tác giả, bìa phải) gặp - Ảnh: VŨ TUẤN


"Hành tỏi ơi..."

Lần đầu tiên có người gọi mình nhưng không phải bằng tên, tôi phải làm quen với tên mới của mình là... "hành tỏi".

Bán hàng chỉ mong có khách đến hỏi mua, cảm giác lúc đó thật hưng phấn. Sau đó là sự trộn lẫn vui buồn, người mua, kẻ chê. Cuối cùng là số tiền lời và bài học được rút ra.

Người đứng bán luôn hướng mắt theo người đi chợ có khả năng là khách hàng để mời chào. Ánh mắt tỏ ra tinh tường khi nhận biết các tín hiệu, ánh mắt, hướng đi của khách. Khi khách tới gần thì buông một câu chào nhẹ nhàng, giới thiệu thật ngắn gọn, hấp dẫn món hàng muốn bán.

- Hành tỏi quê ngon, chị ơi?

- Tỏi hành Kinh Môn, Hải Dương đây!

Tôi bắt đầu tự tin mời chào. Có lúc đon đả, khi lại chỉ một nụ cười, cái gật đầu...

"Treo vài bó hành, tỏi lên đầu xe cho người ta thấy ngon", chị bạn hàng mách nước . Tôi làm theo, trông xe hàng có vẻ hấp dẫn hơn. Kinh nghiệm nhỏ nhưng không vào đời hàng rong làm sao mà biết.

Vị khách đầu tiên của tôi là một phụ nữ trung tuổi, tay xách vài túi thức ăn cho bữa cơm chiều. Chị bước tới tay sờ hàng, kiểm tra độ chắc lép hành tỏi, miệng hỏi giá. Cuối cùng, chị chê đắt và đi.

Vị khách thứ hai cũng là một phụ nữ. "Hành lép quá, mọc mầm rồi" - chị chê và đi.

Vị khách thứ ba là một người trẻ. Chị không chê hàng, không trả giá, chỉ xem hàng rồi nói bán cho 20 ngàn đồng. Mời mua thêm thì chị nói sắp về quê nên chỉ mua đủ dùng.

Khoảng vài giờ đứng bán, bắp chân tôi bắt đầu căng cứng, tôi phải tranh thủ đi lại cho khỏi mỏi.

Xế chiều, một thanh niên đi xe máy ghé vào hỏi giá. Anh mua hàng nhanh, xởi lởi. Khi tính tiền, anh trêu người bán tính kém, mãi không được con số đúng. Tôi cũng thấy bán hàng thì cộng trừ nhân chia phải thật nhanh. Cô quang gánh chưa học hết cấp 2 có khi còn tính nhanh hơn tôi đã qua đại học.

Lúc này bắp chân tôi càng căng vì đứng lâu, nhưng đây là giờ cao điểm, người qua đường nhiều nên phải tranh thủ đứng mời chào. Vỉa hè không còn trống chỗ để có thể đi lại hoặc tranh thủ ngồi nghỉ chân.

Gần tối, có thêm nhiều hàng hoa quả rong ở đâu dồn về nơi này. Ban ngày tôi đếm chừng 7-8 xe, nhưng tới giờ cao điểm đếm lại tới 13 xe. Ngoài người bán hàng rong đứng một chỗ, còn có xe hàng rong, gánh hàng rong, rổ hàng rong đi lướt qua mời chào khách chứ không dừng lại.

Trời tối hẳn, chỉ có vài người mua hàng lẻ, tính ra lãi lời không được bao nhiêu. Những hàng hoa quả có vẻ bán được hơn, nhất là hàng mít đang giảm giá nên người bán mặt hàng này khá bận rộn. Người bán hàng kế bên động viên tôi: "Bán buôn bữa được bữa không, phải chấp nhận".

Dưới ánh đèn đường vàng vọt, tôi nhìn những phận người mưu sinh khác đang lủi thủi ghé xe đạp vào túi rác nhặt nhạnh. Những bìa giấy, vài vỏ chai nhựa to nhỏ không mấy giá trị. Dáng người nào cũng gầy còm, vội vã. Tôi thấy mình vẫn may mắn.

Lúc này là 19h30, người đi chợ đã vắng. Tôi đang mải nhìn những theo những dáng người tìm kiếm ve chai, bất giác một giọng nữ vang lên: "Hành tỏi về đi thôi, giờ này còn hành tỏi gì nữa"- đó là một chị bán cam.

Tôi phì cười, mình có tên là hành tỏi!


Chén cơm lúc nửa đêm

Trời tối hẳn, tôi nhìn sang các xe hàng hoa quả. Chưa ai nghỉ bán, họ vẫn cố đợi thêm vài khách qua đường. Một người cho tôi biết khoảng 21h 30 mới nghỉ bán. Về đến nhà hơn 20h giờ tối, bắp chân mỏi nhừ vì chưa quen, tôi lọ mọ nấu bữa tối. Tôi cố nuốt nhưng không thể hết bát, vừa mệt mỏi với ngày đầu tiên mưu sinh ở vỉa hè vừa nghĩ đến những chị bán hàng vẫn còn ngóng khách dưới ánh đèn đêm vàng vọt. Phải gần nửa đêm, các chị mới được nâng chén cơm nấu vội.

6 giờ sáng, xe hành tỏi của tôi lại có mặt trên phố, trời Hà Nội rét cắt da thịt nhưng nhiều người bán hàng rong đã ra đường.


Kỳ tới: Ngày rét cắt da thịt

Tay thoăn thoắt trao những gói xôi cho khách, chị Mến cười thật tươi: “Có gì mà cực anh ơi. Mình từ nhỏ kiếm tiền bằng chân tay quen rồi. Mừng là thằng con trai chuẩn bị vô năm 3 đại học. Thúng xôi nhỏ này mà nuôi nổi nó ăn học đó”…

Chia sẻ Facebook