Nói cách xây dựng kênh TikTok 3 triệu người theo dõi, cô gái 23 tuổi chỉ kỳ vọng lương 15 triệu đồng
Kết quả chung cuộc, Huyền Trinh quyết định đầu quân về ASIM cho vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng.
Tập 7 “Cơ hội cho ai” là cuộc đối đầu giữa cặp đôi ứng viên Bùi Ngọc Anh (24 tuổi) và Phạm Huyền Trinh (23 tuổi).
Ngọc Anh là cử nhân ngành Kinh tế Đối ngoại trường đại học Ngoại thương. Nữ ứng viên có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt là Marketing phát triển thương hiệu tại các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, cô nàng Gen Z này cũng là một nhà sáng tạo nội dung có liên quan đến giáo dục, kỹ năng, tin học văn phòng trên nền tảng mạng xã hội.
Huyền Trinh là cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế trường đại học Kinh tế Quốc dân. Nữ ứng viên có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực content marketing, 1 năm kinh nghiệm làm biên tập viên cho hệ thống trang cộng đồng, 1 năm đồng hành dẫn dắt và phát triển nhóm sản xuất nội dung, xây dựng phát triển cộng đồng hơn 400,000 người bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cô nàng sinh năm 1999 này còn sở hữu kênh TikTok cá nhân với hơn 30 nghìn người theo dõi.
Chủ đề phản biện dành cho 2 ứng viên là: “Công ty có nên áp dụng chính sách quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội của nhân viên hay không?”.
Ngọc Anh cho rằng đây là bài toán quản lý con người theo hình thức từ trên xuống. Theo đó, đối với cấp manager, chỉ nên tập trung vào kết quả công việc. Đối với các nhân sự cấp thấp hơn, doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống kiểm soát, định lượng để quản lý các hạng mục công việc, thời gian làm việc, thông quá đó đánh giá chính xác hiệu quả mang lại. “Giả sử công việc đã được hoàn thành, thì thời gian họ lướt web 100 tiếng/ tuần với 100 nhân sự, thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, đáng báo động nếu thời gian lượt mạng xã hội quá nhiều, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc” – Nữ ứng viên bổ sung.
Mặt khác, Huyền Trinh đưa ra quan điểm khá rõ ràng. Đối với những công việc bắt buộc dùng mạng xã hội như Marketing và những công việc có sự bảo mật thấp, thì không nên áp dụng cơ chế quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên và ngược lại. Theo cô, việc áp dụng chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là doanh nghiệp có thể quản lý được thời gian sử dụng mạng xã hội và nội dung đăng tải trên trang cá nhân của nhân viên. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể hạn chế được những rủi ro có khả năng xảy ra và kịp thời xử lý, đồng thời, có thể phân tích, đánh giá và thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của nhân viên. Nhưng ngược lại, một doanh nghiệp lúc nào cũng quản lý nhân viên làm gì, đăng gì trong giờ làm việc sẽ gây nên sự bất mãn, sự ức chế, lâu dài sẽ làm giảm hiệu suất công việc.
Ngọc Anh đặt câu hỏi cho Huyền Trinh: “Đối với các hoạt động truyền thông nội bộ, hưởng ứng các hoạt động của doanh nghiệp thì có nên bắt buộc nhân viên tham gia hay không?”.
Huyền Trinh cho hay nếu doanh nghiệp có thể tạo động lực cho nhân viên yêu thích công ty và công việc của họ, thì bất kể chương trình gì đưa xuống bên dưới đều sẽ hưởng ứng một cách thoải mái.
Sếp Quyền đặt câu hỏi: “Nếu công ty có một khuyến nghị đối với một nhóm nhân sự về việc sử dụng mạng xã hội, với tư cách đồng nghiệp, em sẽ làm gì?”.
Huyền Trinh đưa ra giải pháp sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến nhóm nhân sự đó chưa hài lòng để hưởng ứng hoạt động của công ty trên mạng xã hội. Sau đó, nữ ứng viên sẽ trình bày với cấp trên và đề xuất một số phương án giải quyết, sao cho những nhân sự đó có thể hiểu rõ hơn về các giá trị tốt đẹp mà công ty muốn truyền tải và sẵn sàng chia sẻ.
Sếp Thắng Lợi tiếp tục thử thách Ngọc Anh: “Nếu em là lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn, thì em có áp dụng chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên hay không, và em sẽ xử lý như thế nào?”.
Ngọc Anh cho rằng doanh nghiệp nên áp dụng một số hệ thống tiên tiến trên thế giới, mà ở đó website của doanh nghiệp được xây dựng và vận hành như một mạng xã hội. Các nhân viên của công ty sẽ đăng nhập vào đây để theo dõi các thông tin nội bộ được cập nhật hàng ngày. Và khi họ cảm thấy có thông tin hữu ích, thú vị, họ chỉ cần nhấn nút chia sẻ, thì trang web sẽ tự động chuẩn bị một đoạn caption. Tất cả đều được tự động hóa, mang đến sự tiện lợi để nhân viên sẵn sàng chia sẻ.
Sếp Nga hỏi xoáy ứng viên: “Nếu nhân viên lạm dụng thời gian tại công ty để sử dụng mạng xã hội, lên đến hơn 50% thời gian, thì sau hôm nay về, chị có nên áp dụng chính sách quản lý ngay hay không?”.
Câu trả lời của Ngọc Anh là không. Mặt khác, Huyền Trinh tư vấn Sếp Nga nên thêm một số điều khoản như không được đăng tải các nội dung không liên quan đến công việc trong giờ làm việc, cũng như khi đăng những thông tin có yếu tố bảo mật thì cần phải có sự phê duyệt của cấp trên. “Em vẫn ưu tiên việc đánh giá nhân viên thông qua hiệu quả công việc. Còn nếu nhân sự của Sếp Nga lướt web hơn 50% giờ làm việc, thì hãy đặt câu hỏi cho người quản lý, tại sao không tạo được động lực làm việc cho cấp dưới, dẫn đến họ không biết làm gì, dùng thời gian làm việc chung để làm việc riêng” – Huyền Trinh chia sẻ.
Kết thúc vòng Đối mặt, Huyền Trinh giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ với điểm số 4/5 và bước tiếp vào vòng Chinh phục.
Dù phải dừng cuộc chơi sớm, thế nhưng Ngọc Anh vẫn nhận được nhiều thiện cảm và offer từ phía Sếp Tiến và Sếp Nga. Nếu Sếp Nga chiêu mộ cô nàng Gen Z sở hữu 1,3 triệu follower về Elise cho vị trí Trợ lý Giám đốc Truyền thông; Thì Sếp Tiến thuyết phục Ngọc Anh “đừng ra Hà Nội, hãy ở lại Sài Gòn” và gia nhập vào đội FPT Digital Content, để tạo ra hàng trăm kênh đạt triệu follow. Trước thiện chí từ phía 2 Sếp, Ngọc Anh quyết định sẽ đầu quân về FPT nếu đạt được những thỏa thuận sau chương trình.
Mở đầu vòng Chinh phục, Sếp Trí đặt câu hỏi cho Huyền Trinh: “Đối với một người làm nội dung như em, thì số lượng hay chất lượng quan trọng hơn? Ngoài ra, đánh giá số lượng thì dễ rồi, nhưng để đánh giá chất lượng thì như thế nào?”.
Nữ ứng viên khẳng định cả số lượng và chất lượng đều quan trọng đối với những người làm nội dung. Và cách để đánh giá chất lượng của bài đăng là thông qua các chỉ số tiếp cận thực tế của bài viết đó trên các nền tảng.
Sếp Trí hỏi xoáy: “Các công ty thường đổ ngân sách rất nhiều cho Fanpage trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng lượng tương tác rất thấp, vì người dùng thường không thích xem quảng cáo. Nếu giao cái đấy về tay em, thì em sẽ làm gì, nội dung định hướng thế nào, để Fanpage công ty có hàng trăm ngàn follower?”.
Huyền Trinh chia sẻ giải pháp là không quá tập trung vào việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Thay vào đó, cô sẽ đào sâu để hiểu insight của người dùng và lên kế hoạch nội dung phù hợp, cũng như thường xuyên “bắt trend” để phù hợp với thị hiếu số đông.
Sếp Quyền đặt thử thách: “Em sẽ làm gì để một kênh TikTok từ những viên gạch đầu tiên đạt 3 triệu follower?”.
Huyền Trinh cho hay cô sẽ tìm hiểu về nền tảng, tìm hiểu về khách hàng mục tiêu, phân tích thị trường và sau đó lên kế hoạch truyền thông cho kênh. 3 triệu follower là một con số lớn. Vì thế, cô nàng sẽ chia lộ trình đi đến kết quả đó bằng các cột mốc, từ 10 nghìn, 50 nghìn cho đến 500 nghìn người theo dõi. Và ở mỗi cột mốc sẽ có những kế hoạch sản xuất nội dung đáp ứng phù hợp. Về nhân sự trong nhóm, cô cho hay sẽ cần một người lo sản xuất nội dung, một người phụ trách quay dựng, một người phụ trách seeding, đẩy bài PR và một trưởng nhóm.
Mức lương kỳ vọng của Huyền Trinh là 15 triệu đồng. Ứng viên Gen Z nhận được 4 lời mời làm việc tại: Dh Foods cho vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 16 triệu đồng, Elise cho vị trí Phụ trách nhóm mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng, ASIM cho vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng, FPT cho vị trí Manager of Digital Content với mức lương 20,006,789 đồng