"Nợ xấu" đã không còn quá xấu
Chính phủ vừa thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc gia hạn Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu thêm 3 năm.
Theo Công ty quản lý tài sản VAMC, từ năm 2017, khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến nay, đã có hơn 266,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, tăng gấp 4,7 lần so với giai đoạn trước. Đặc biệt, số nợ thu hồi được cũng tăng gấp 1,9 lần, ước đạt 121 nghìn tỷ đồng.
Một con số quan trọng khác không thể không nhắc tới chính là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 2,51% xuống còn 1,49% vào cuối năm 2021.
Với nhiều giải pháp mang tính đột phá của Nghị quyết 42, các ngân hàng đã "dễ thở" hơn trong việc xử lý nợ xấu, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng cũng có thêm một vài gam màu tươi sáng hơn.
Mong muốn được tiếp tục gia hạn Nghị quyết 42
VAMC cho biết là có nhiều tài sản đảm bảo của nợ xấu là các khu đất bị bỏ hoang nhiều năm do tranh chấp, nay đã được cơ cấu lại để phục hồi.
Khu đất hơn 9.500 m2 tại quận 2, TP Hồ Chí Minh ban đầu là dự án chung cư, chuyển đổi thành bệnh viện quốc tế nhưng do kinh doanh thua lỗ nên trở thành nợ xấu. Sau gần 3 năm đắp chiếu, dự án đã được chủ đầu tư mua lại, được rót vốn và đang dần hồi sinh trở lại.
Khoản nợ xấu có giá hơn 1.460 tỷ đồng, nếu không được nhà đầu tư mới mua lại sẽ vẫn nằm phơi mưa phơi nắng ở vị trí trung tâm thành phố. Nhưng chỉ năm sau, nơi đây sẽ hình thành khu căn hộ cao cấp.
Nợ xấu tìm được chủ mới, còn ngân hàng, cũng thoát được gánh nợ. Vì vậy, các ngân hàng đang mong muốn được tiếp tục gia hạn Nghị quyết 42 thêm 3 năm. Bởi nếu không, áp lực nợ xấu có thể sẽ tiếp tục, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khiến nợ tiềm ẩn gia tăng.
Ông Phân Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho hay: "Kéo dài Nghị quyết 42 là cần thiết, thể hiện sự thống nhất và ổn định chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và biện pháp xử lý nợ. Đặc biệt giai đoạn hiện nay dưới ảnh hưởng của COVID19 thì nợ xấu có thể gia tăng nên cần thiết gia hạn".
"Nghị quyết 42 cần gia hạn để VAMC thực hiện vai trò mua nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng cho phép giúp họ đủ thời gian khắc phục khó khăn. VAMC sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng để đảm bảo hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng, cung ứng vốn cho nền kinh tế bình thường", ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV Công ty quản lý tài sản VAMC nói.
Đề xuất sửa đổi quy định về thủ tục rút gọn khi xử lý nợ xấu
Ngoài việc kéo dài thời gian, khoanh rộng các khoản nợ thì một sửa đổi quan trọng được nhắc tới tại Nghị quyết là việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xử lý tài sản đảm bảo.
Dù Nghị Quyết 42 đã đề cập tới vấn đề này, nhưng thực tế gần như không có mấy vụ việc có thể được áp dụng thủ tục rút gọn. Theo VAMC, trong suốt 5 năm qua, chỉ có 5 vụ việc được thực hiện theo trình tự rút gọn nhưng cũng chỉ có 2 vụ việc thành công.
Gửi hơn chục bộ hồ sơ xin xử lý theo thủ tục rút gọn, nhưng suốt 5 năm qua, không có vụ việc nào Ngân hàng Agribank được giải quyết. Nếu thực hiện rút gọn, thời gian không quá 1 năm, còn hiện nay nhiều vụ tranh chấp kéo dài 4 - 5 năm.
"Khởi kiện để cho ngân hàng được quyền thu nợ mất thời gian, việc thi hành án kéo dài, dẫn tới có những vụ việc tuyên phá sản, vẫn 4 - 5 năm không xử lý được", ông Nguyễn Xuân Hùng - Tổng giám đốc Agribank AMC nói.
Mâu thuẫn lớn nhất khi xử lý nợ xấu là tài sản đảm bảo. Do đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần cân đối lợi ích giữa cả ngân hàng và người vay nợ. Bởi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đa phần là BĐS, giá trị từ khi vay đến khi thành nợ xấu thường tăng cao hơn.
Ông Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay: "Cần giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa khách hàng - người có tài sản đảm bảo cũng cần được bảo vệ, tránh tình trạng dìm giá, mất giá thì gây khó khăn, thiệt hại cho khách nên cần có quy định chi tiết".
Mâu thuẫn lớn nhất khi xử lý nợ xấu là tài sản đảm bảo bởi cứ nhắc đến tài sản nghĩa là nhắc đến tiền và quyền lợi của các bên. Vậy tại sao việc áp dụng thủ tục rút gọn gần như không thể thực hiện? Cần phải sửa đổi những gì trong quy định mới để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu?
Nghị quyết 42 vốn được xem là chìa khóa quan trọng để giải quyết "cục máu đông" nợ xấu, được thực hiện thí điểm từ 2017 và đến ngày 15/8 tới sẽ hết hiệu lực. Vì sao cần gia hạn, việc kéo dài Nghị quyết 42 sẽ có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của các ngân hàng?
Xung quanh các vấn đề trên, mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính tuần này với sư tham gia trao đổi của TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Trường Đào tạo và Nghiên cứu ngân hàng BIDV đã có những phân tích chi tiết!