Nợ nần chồng chất dù có việc làm, ô tô, sở hữu 2 căn nhà

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 22:18:58

Ngay cả những người giàu có nhất thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cũng đang nợ ngập đầu dù có việc làm và sở hữu 2 căn nhà.

Ở Trung Quốc, những người giống như anh Eli Mai (40 tuổi), Giám đốc kinh doanh tại một công ty tư vấn ở thành phố Quảng Châu, từ lâu được xem là niềm ghen tỵ của tầng lớp trung lưu và hình mẫu của một người đàn ông thành đạt với công ăn việc làm ổn định. Nhưng đó là chuyện khi Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến thế giới mơ ước.

Còn hiện tại, dù sở hữu 2 căn nhà và vẫn có việc làm, anh Mai lại ngập trong nợ nần và luôn lo lắng một ngày nào đó bị mất việc do viễn cảnh kinh tế vô cùng ảm đạm, bên cạnh sức ép cạnh tranh gia tăng từ trong và ngoài nước.

Nhiều người giàu có thuộc tầng lớp Trung Quốc đang ngập trong nợ nần. (Ảnh: SCMP)

Lương tháng của anh Mai đã bị giảm một nửa do mất khoản tiền hoa hồng và hiện tại, anh kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) mỗi tháng. Trong khi, tổng số nợ của cả nhà đã là 3,5 triệu nhân dân tệ.

“Trong 6 tháng qua, tóc của tôi đã bạc trắng. Cả ngày lẫn đêm tôi đều lo mình sẽ không thể thanh toán khoản vay hàng tháng,” Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời anh Mai cho biết thêm, số tiền vay hàng tháng đã vượt quá 25.000 nhân dân tệ, nhiều hơn cả tổng thu nhập hàng tháng của Mai và người vợ giáo viên.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Mai có kế hoạch mua căn hộ thứ 2 vào năm 2016, khi thị trường bất động sản của Trung Quốc bị đẩy giá lên cao nhưng Mai vẫn dốc toàn lực.

Trong 7 năm qua, Mai có một số khoản vay với thời gian trả nợ từ 1,5 - 30 năm gồm vay thế chấp, vay quỹ dự phòng nhà ở cá nhân, vay tiêu dùng và vay tín dụng cá nhân, cũng như vay tiền từ người thân và bạn bè.

Thậm chí, Mai đã dùng căn nhà đầu tiên mua năm 2011 để làm tài sản thế chấp mua căn hộ thứ hai.

Song khoản đầu tư vào thị trường bất động sản của Mai lại không được như ý, khi tổng giá trị 2 căn nhà đã giảm gần 1/5 từ 8,5 triệu nhân dân tệ xuống còn 7 triệu nhân dân tệ.


Viễn cảnh ảm đạm

Những trường hợp như Mai khá phổ biến ở Trung Quốc và là dấu hiệu cảnh báo về rủi ro nợ nần chồng chất trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và tầng lớp lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Rủi ro càng gia tăng khi Trung Quốc đang phải tìm mọi cách khống chế đợt dịch Covid-19 bùng phát có quy mô lớn nhất kể từ năm 2020, cùng việc chính quyền Bắc Kinh mạnh tay trấn áp lĩnh vực bất động sản, internet và dạy thêm.

Đà khôi phục kinh tế ở Trung Quốc ảm đạm một phần vì lệnh phong tỏa kéo dài. (Ảnh minh họa)

Các quy định kiểm soát dịch bệnh khắt khe của Trung Quốc gồm phong tỏa ở những trung tâm tài chính và sản xuất, đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, hạn chế tiêu dùng và phủ bóng lên đà khôi phục kinh tế vốn mất hút kể từ nửa cuối năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế cũng đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu năm nay, đồng thời nhấn mạnh sự bùng phát của biến chủng Omicron kèm theo lệnh phong tỏa đã đặt dấu chấm hết cho các chỉ số kinh tế lạc quan được ghi nhận trong tháng Một và Hai.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn quyết thi hành chính sách "zero-Covid-19" bất chấp gánh nặng chi phí kinh tế ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, nợ cá nhân ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng và khiến một số thành viên giàu có nhất trong tầng lớp trung lưu cũng phải lo sợ về những chuyện có thể xảy ra.

Anh Tomas Lei làm việc cho một trong những công ty internet hàng đầu ở Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang được đánh giá là một trong những thành viên giàu có nhất trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Tuy nhiên, anh Lei và các đồng nghiệp cũng đang lo sợ làn sóng sa thải nhân viên trên quy mô lớn, khoản lương bị thu hẹp trong bối cảnh nền kinh tế bị đóng băng.

“Mối lo về giảm thu nhập và mất việc đang lan rộng. Không ai có thể sống nếu mất việc làm. Các ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc chỉ mang lại thu nhập thấp hơn nhiều và không thể hỗ trợ khoản nợ hộ gia đình cao như chúng tôi đang gánh”, anh Lei, người nợ 30.000 nhân dân tệ/tháng cho 1 căn hộ, 1 chung cư và 1 chiếc Mercedes-Benz cho biết.

Ngay cả giấc mơ về tự do tài chính ở tuổi trung niên với số cổ phần trong các công ty công nghệ từng được định giá hàng triệu hoặc hàng chục triệu nhân dân tệ cũng gần như tiêu tan.

Anh Lei nói thêm: “Có rất nhiều nhân viên tại công ty internet như chúng tôi, dù mới ở độ tuổi 30 nhưng đã mua một hoặc nhiều tài sản trị giá hàng triệu nhân dân tệ trong 2 năm qua, cùng khoản thế chấp hàng tháng lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ. Cổ phiếu và tiền thưởng cuối năm chiếm phần lớn thu nhập của chúng tôi, còn tiền lương cố định hàng tháng chỉ là một phần nhỏ. Nhưng chỉ trong 2 - 3 tháng, tài sản trên sổ sách của nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm 70% hoặc hơn. Điều đó đồng nghĩa tiền lương hàng năm của chúng tôi bị giảm nhiều hơn 1/3 so với năm ngoái”.

Cũng theo anh Lei, sự suy thoái của ngành công nghệ dường như kéo theo giá trị bất động sản ở Hàng Châu sụt giảm. Theo đó, giá nhà ở nơi anh Lei sống ở quận Tây Hồ đã giảm từ hơn 60.000 nhân dân tệ/m2 vào năm ngoái xuống còn khoảng 50.000 nhân dân tệ/m2 vào thời điểm hiện nay.

“Suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị, dịch bệnh và lạm phát ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thị trường đầu tư và nhu cầu trong nước. Nếu các đợt phong tỏa và hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh kéo thêm hơn 2 tháng, tác động là không thể tưởng tượng được”, cô Alice Chen, Giám đốc khách hàng tại một công ty quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Thâm Quyến chia sẻ.

Báo cáo được công bố hồi tháng Hai của Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD) cho thấy, tỷ lệ đòn bẩy của các hộ gia đình, thước đo mức độ mắc nợ so với thu nhập, đã tăng 62,2% vào cuối năm 2021 so với mức dưới 5% vào năm 2000. Con số này vượt qua mức ở Đức và gần bằng Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, rủi ro nợ hộ gia đình liên quan nhiều đến tình hình thị trường bất động sản. Theo đó, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm 1/4 tổng khoản đầu tư tài sản cố định và gần 1/3 tổng tài sản nhà ở. Ngoài ra, các nhà phát triển và người mua nhà đã vay hơn 1/4 tổng số các khoản vay của ngân hàng.

Nhưng hàng loạt biện pháp hạn chế của chính phủ Trung Quốc trong 2 năm qua đã tạo ra tác động lớn. Cụ thể, tăng trưởng đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm ở mức 4,4% vào năm 2021. Ngoài ra, diện tích sàn bán ra chỉ tăng 1,9% trong năm 2021, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Theo cuộc khảo sát quý I năm nay của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong số 20.000 hộ gia đình tại 50 thành phố trên cả nước, 54,7% hộ đang muốn tăng tiền tiết kiệm, tăng từ 51,8% so với quý IV năm 2021.

Ngoài ra, 21,6% trong số này có kế hoạch tăng đầu tư, giảm so với 23,5% trong quý IV năm 2021.

Trong lúc không biết có thể giữ được công việc hay không do tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, cả anh Mai và Lei cho hay họ đang cân nhắc bán bớt tài sản.

“Nhưng giờ tìm người mua cũng là chuyện khó”, anh Mai nói.

“Chuyện này khiến tôi vô cùng bức xúc. Tôi tự nhận mình đã làm việc chăm chỉ suốt hơn 10 năm qua để gia nhập tầng lớp trung lưu giàu có. Nhưng bây giờ tôi có nguy cơ bị loại khỏi tầng lớp này”, anh Mai thừa nhận.


Minh Thu (lược dịch)

Chia sẻ Facebook