Nỗ lực tìm hướng đi bền vững cho nông sản chủ lực “xuất ngoại”
Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, song song với việc nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu Việt Nam cũng là con đường cần đẩy mạnh hiện nay.
Điểm danh những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng tốt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỷ USD giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, có 3 mặt hàng nông sản là gạo, cà phê và rau quả lại có sự tăng trưởng tốt, đạt kết quả cao chưa từng có. Cụ thể, gạo xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,2% (khả năng vượt mốc kỷ lục 4 tỷ USD của năm 2022) và rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39%. Không những thế, cả 3 mặt hàng này đều xuất siêu với giá trị lớn khi cà phê thặng dư 1,87 tỷ USD; gạo 1,59 tỷ USD và rau quả 1,21 tỷ USD.
Trao đổi với báo Lao Động , GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái thì những mặt hàng thiết yếu sẽ được mua nhiều để tiêu dùng và dự trữ còn những món "ăn chơi" sẽ bị tiết giảm. Gạo rơi vào nhóm lương thực thiết yếu còn rau quả là thực phẩm ngày càng trở nên thiết yếu vì có nhiều dưỡng chất.
Đặc biệt đối với ngành cà phê, ngoài yếu tố thiết yếu còn có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), các Hiệp định thương mại tự do mới giúp sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, nơi ngành cà phê lên ngôi trở lại. "Về chủ quan, Việt Nam đã có sự chuẩn bị trước và chuẩn bị tốt để chớp được cơ hội thị trường. Dù vậy, do thiếu vốn, nhiều thời điểm DN trong ngành vẫn còn gặp khó khăn", GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định.
Trong 3 ngành hàng trên, GS.TS Bùi Chí Bửu dẫn dự báo của nhiều tổ chức trên thế giới cho biết ngành rau quả có tiềm năng "bùng nổ", nhất khi được mệnh danh là thực phẩm vĩnh cửu của loài người, nhu cầu tiêu dùng tăng lên trên khắp thế giới.
Trong khi đó, thương mại ngành gạo không lớn, chỉ khoảng 40-50 triệu tấn/năm chiếm 8%-10% sản lượng gạo trên thế giới vì hầu hết các nước đều chủ động sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thông tin thêm gạo là loại lương thực được sản xuất và tiêu dùng chủ yếu tại châu Á. Các thị trường châu Âu, Mỹ dù nhập khẩu gạo nhưng quy mô thị trường nhỏ.
PGS.TS Dương Văn Chín đánh giá sự thành công của ngành lúa gạo trong những năm gần đây là nỗ lực một thời gian dài để khẳng định uy tín, chất lượng. Nhiều giống lúa như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8... rất được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, phân khúc gạo thơm cao cấp, Việt Nam đã có ST25 và Lộc Trời 28... giành được giải cao khi thi quốc tế. Đây là phân khúc có thể bán được giá 1.000 USD/tấn, nếu đẩy được sản lượng 1 triệu tấn/năm, Việt Nam thu về giá trị 1 tỷ USD/năm.
"Gạo Việt Nam gần như thu hoạch quanh năm, luôn có gạo mới giao cho khách hàng. Vấn đề lớn hiện nay là các tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành lúa gạo cần được áp dụng trên diện rộng để tăng lợi nhuận cho nông dân", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Với ngành rau quả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho hay sự tăng trưởng của ngành có sự đóng góp đáng kể của mặt hàng mới là sầu riêng.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích nguyên nhân cà phê Robusta tăng giá nhờ sự ảnh hưởng tích cực của thị trường cà phê nội địa. Tỉ trọng sử dụng cà phê nội địa tăng và xu hướng dùng cà phê đặc sản, cà phê nguyên chất giúp cà phê Việt Nam nâng chất lượng. "Thay vì bán xô, Việt Nam đã có sự sàng lọc, loại bỏ sản phẩm không đạt chuẩn nên sản lượng giảm đi, kéo theo giá tăng" - ông Bình tiết lộ về cách làm hay của ngành cà phê.
Cũng theo ông Bình, việc giá cà phê đạt cao nhất từ khi xuất khẩu đến nay giúp nông dân có động lực giữ cây cà phê trước làn sóng chuyển đổi sang các loại cây ăn trái. "Cà phê vẫn có ưu điểm về việc tồn trữ lâu, trong khi trái cây phải tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch. Nếu chưa có đầu ra thì việc giữ lại cây cà phê vẫn an toàn hơn", ông Bình nói.
Cần "liên kết mạnh - xuất khẩu xanh”
Để phát triển xuất khẩu nông sản bền vững, thời gian qua trên thế giới luôn chú trọng đến tăng trưởng xanh dần trở thành xu hướng chủ đạo.
Theo VOV, để có thể kết nối thông tin và xúc tiến thương mại với các thị trường xuất khẩu, giúp đưa nông sản Việt Nam vươn xa, hiện nay các doanh nghiệp trong nước cùng xác định những thách thức và tìm ra những giải pháp phù hợp. Trong đó, “liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” vẫn được các doanh nghiệp coi là giải pháp bền vững.
Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới nông nghiệp 4.0 (Farm- FinTech).
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên VOV , TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, dù đang ở trong thời điểm rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải kiên trì với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực tế, Chính phủ có triển khai một số chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và đẩy mạnh mô hình này, song số doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn chưa nhiều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông nghiệp cần tập trung liên kết để tạo ra chất lượng đồng đều cho vùng sản xuất, giảm chi phí logistics.
“Các doanh nghiệp cần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tập trung đầu tư phát triển chế biến phụ phẩm tăng giá trị về kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề quan trọng bởi sản phẩm không chỉ đáp ứng những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật mà còn đảm bảo “tiêu chuẩn mềm”. Đơn cử như tiêu chuẩn về tỉ lệ lao động, tiêu chuẩn về giới hay tiêu chuẩn về tín chỉ carbon... Những tiêu chuẩn này trước đây chưa từng được các doanh nghiệp quan tâm trong quá trình xuất khẩu nông sản, nhưng bây giờ các doanh nghiệp phải dần tiếp cận và thực hiện theo những tiêu chí mềm này, vì đây là những tiêu chí quốc tế đang bắt buộc”, bà Hạnh nói.
Khẳng định thương hiệu “nông sản Việt” trên thị trường thế giới
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để nông sản Việt vươn xa, các địa phương và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, đó là sự kết nối của vùng nguyên liệu với doanh nghiệp sản xuất và cơ chế chính sách. Việc liên kết đòi hỏi tính cam kết cao để tỏ rõ vai trò và vị thế của từng nhà sản xuất, địa phương cũng như những quyền lợi chung cần phải được tính toán rõ ràng.
“Sự liên kết này chỉ đạt được hiệu quả khi có ai đó là người chịu nhún nhường một chút, đặt chữ tín lên hàng đầu…Có nghĩa là doanh nghiệp đặt quyền lợi của mình thấp hơn đối tác muốn liên kết một chút sẽ thành công. Ví dụ như trong tình huống sản phẩm có giá thị trường thấp, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm được giá ổn định cho đối tác liên kết là các nhà cung cấp, hay những người nông dân tại vùng nguyên liệu,…, để luôn có được sản phẩm theo đúng yêu cầu của Ddoanh nghiệp ”, ông Tùng gợi mở.
Dù nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, song thực tế một số sản phẩm vẫn đối diện với những hàng rào hữu hình lẫn vô hình trong cuộc chơi thương mại toàn cầu. Để nông sản phát triển bền vững, không còn cách nào khác các doanh nghiệp cần "liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” để hòa nhập với cuộc chơi quốc tế.
Thông tin trên báo Nhân Dân , Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi. “Có một số vấn đề chúng ta cần bàn luận trực tiếp, thí dụ như các tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu hàng nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát lượng hàng hóa và thứ ba là các chính sách để hai bên cùng phối hợp điều hành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề.
Liên quan vấn đề cửa khẩu số, hải quan thông minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương. Tuy nhiên, ông đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể, vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ NN&PTNT. “Tôi cho rằng cả thế giới đều đang hướng đến mục tiêu hiện đại, thông minh và bền vững nên chúng ta cũng nên sớm xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh”, ông Nam nói.
Theo báo Thanh niên, để khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp diễn ra hồi tháng 1 vừa qua.
Trước đó báo Tiền Phong bình luận, câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, hay gạo ST25 bị gian lận thương hiệu là những ví dụ điển hình về xây dựng và bảo hộ thương hiệu.
Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm thương hiệu quốc gia nhưng cần phải kiểm soát chặt việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý bởi mỗi loại trái cây chỉ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở một địa phương nhất định. Để xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, người dân.
Việt Nam xuất khẩu nông sản năm 2022 lập kỷ lục
Theo số liệu trên Sức khỏe & Đời sống , xuất khẩu nông sản năm 2022 của Việt Nam xác lập kỷ lục mới về tổng giá trị và thặng dư thương mại.
Trong tháng 12/2022, xuất khẩu các sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 53,22 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021), mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong đó, nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.
Đáng chú ý, 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), và 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Đặc biệt, năm 2022, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành nông nghiệp, đóng góp chủ lực (chiếm khoảng 77%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, các kết quả trên đạt được do trong năm 2022, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản.
Trúc Chi (t/h)