Nỗ lực giải cứu khủng hoảng thiếu sữa bột tại Mỹ

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 02:23:54

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp cũng đang tập trung đẩy nhanh hoạt động sản xuất sữa công thức.

Chuyến hàng sữa công thức đầu tiên từ châu Âu đến Mỹ


Câu chuyện khủng hoảng thiếu hụt sữa bột trẻ em tại Mỹ đang tiếp tục là một đề tại nóng tại nền kinh tế số một thế giới.

Máy bay quân sự Mỹ chở chuyến hàng sữa công thức trẻ em nhập khẩu đầu tiên đã đáp xuống sân bay ở bang Indiana, miền Trung Tây nước Mỹ. Đây là nỗ lực mới nhất của giới chức Mỹ nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng thiếu sữa công thức đang diễn ra nghiêm trọng những tuần gần đây.


Cụ thể, khoảng 35 tấn sữa bột trẻ em từ châu Âu đã được vận chuyển thành công đến Mỹ. Lượng sữa bột này trước mắt sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong nước. Lô hàng này là một phần của chiến dịch "Không vận" sữa công thức, chương trình mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa công thức trẻ em đang xảy ra tại Mỹ.

Nhà lãnh đạo nước Mỹ trước đó đã rất vui mừng đăng Twitter thông báo về chuyến hàng nhập khẩu, khi đang ở Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày.

"Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để đem số sữa công thức an toàn về cho tất cả người dân có nhu cầu", Tổng thống Joe Biden cho hay.

Binh lính Mỹ chuyển sữa công thức cho trẻ em trên máy bay quân sự C-17 Globemaster III cất cánh từ căn cứ không quân ở Đức ngày 22/5 - Ảnh: Reuters.

Người dân Mỹ vui mừng vì lô hàng sữa nhập khẩu đầu tiên đến Mỹ

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết thêm đang chuẩn bị vận chuyển chuyến hàng thứ 2 từ châu Âu, gồm các lô sữa công thức cho trẻ sơ sinh của hãng Nestle đến bang Pennsylvania trong những ngày tới.

Hàng triệu trẻ em ở Mỹ sử dụng sữa công thức như nguồn dinh dưỡng chính, đặc biệt là những trẻ không có điều kiện bú mẹ đầy đủ. Chi phí cho sữa bột nuôi trẻ nhỏ tại Mỹ là rất lớn - 1.000 USD (tức hơn 23 triệu đồng Việt Nam) cho năm đầu tiên.

Còn loại sữa bột đặc biệt, chẳng hạn sữa dành cho trẻ bị dị ứng, được xem là mặt hàng xa xỉ, có khi lên tới vài trăm USD/hộp. Tuy nhiên, giờ có tiền, cũng chưa chắc đã mua được sữa công thức. Vì vậy, nhiều gia đình và người tiêu dùng Mỹ có lẽ đã phải vỡ òa hạnh phúc vì biết rằng con trẻ của mình sẽ sớm có sữa ăn.

Em bé của gia đình chị Megan Gendig mới 7 tháng tuổi. Cơ thể bé bị dị ứng với các sản phẩm từ sữa bò, thế nên bé chỉ uống được một loại sữa đặc biệt. Khi hay tin chuyến hàng sữa nhập khẩu đã đến Mỹ, chị Megan như được trút bỏ phần nào gánh nặng trên vai, khi biết rằng mình có thể mua được sữa trong những ngày tới

"Họ là những cứu tinh cho bao nhiêu trẻ em và bố mẹ các con. Bạn không thể tưởng tượng cảm giác không biết mua sữa cho con ở đâu nó đáng sợ thế nào đâu", chị Megan Gendig chia sẻ.

Anh Steven Gendig - bố em bé 7 tháng tuổi cho biết: "Họ đã rất nỗ lực để nhập khẩu sữa từ một quốc gia khác về trong thời gian ngắn như vậy. Tôi thấy họ đang làm hết sức mình để giúp đỡ các gia đình".

"Chuyến hàng này cho thấy được mức độ khẩn trương và cấp thiết để giải quyết vấn đề thiếu hụt sữa. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác cộng đồng của mình để đưa sữa công thức đến tay các gia đình", Tiến sỹ Emily Weber - Giám đốc Truyền thông y tế, Bệnh viện sức khỏe trẻ em Riley cho hay.

Tình trạng thiếu sữa bột cho trẻ em tại Mỹ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhà máy của Abbott ở Michigan phải đóng cửa hồi tháng 2 vừa qua, sau đợt thu hồi các sản phẩm bị nghi khiến 2 trẻ sơ sinh tử vong.


Mỹ giải quyết sự thiếu hụt sữa công thức cho trẻ em

Sự khan hiếm sữa công thức tại Mỹ không phải là mới xảy ra. Mức độ khan hiếm sữa bột ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến tháng 5/2022. CNN dẫn số liệu của Datasembly cho thấy, tỷ lệ thiếu sữa bột dự trữ của Mỹ trong nửa đầu năm 2021 đã tăng từ mức 2 - 8% lên tới hơn 40%, tức gấp từ 5 - 20 lần.

Thị trường sữa công thức trẻ em trị giá 4 tỷ USD mỗi năm của Mỹ đều do 3 cái tên: Abbott, Gerber và Reckitt thống trị. Chỉ khoảng 2% là lượng sữa nhập khẩu và chịu mức thuế cao. Vì vậy, chỉ cần một nhà sản xuất Mỹ, ở đây là Abbott bị ngưng trệ sản xuất, cả thị trường lập tức chịu tác động ngay.

Kệ sữa bột trống trơn tại một siêu thị ở San Antonio, Texas, Mỹ ngày 10/5/2022. (Ảnh: Reuters)

Để giải quyết sự độc quyền trong sản xuất sữa công thức trong ngắn hạn. Các nghị sĩ Mỹ đã đệ trình một dự luật "Sửa đổi Quy định ảnh hưởng đến trẻ em Mỹ" cho phép nhập khẩu miễn thuế sữa công thức dành cho trẻ em từ các quốc gia đáng tin cậy trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với tình hình thiếu hụt sữa công thức trên toàn quốc.

Theo đó, sữa công thức từ một số quốc gia sẽ có thể vào Mỹ miễn thuế, trong 180 ngày sau khi dự luật trở thành luật. Các nước dự kiến được miễn thuế gồm: Australia, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sỹ, Nam Phi, Anh và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Hiện Mỹ sản xuất khoảng 98% sữa công thức dành cho trẻ em.

Abbott cam kết đưa sản phẩm sữa công thức lên kệ hàng trong 6 - 8 tuần

Được biết, Abbott đang chuyển đổi dây chuyền sản xuất dành cho người lớn tại nhà máy của hãng ở Columbus, Ohio để "ưu tiên" sản xuất sữa công thức. Hãng này cũng đã đạt thỏa thuận với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ để nối lại hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở bang Michigan.

Giám đốc điều hành Abbott cam kết vào cuối tháng 6, Abbott sẽ cung cấp nhiều sữa công thức hơn cho người Mỹ so với tháng 1 - thời điểm trước khi hãng tiến hành thu hồi. Ông Ford nhấn mạnh hãng đang đầu tư đáng kể để đảm bảo điều tương tự không bao giờ xảy ra nữa.

Cuộc khủng hoảng thiếu sữa công thức không chỉ gây khó khăn cho các gia đình có trẻ nhỏ, mà còn đang trở thành một sức ép chính trị lớn đối với Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh nước Mỹ đang trong chiến dịch vận động tranh cử giữa kỳ.

Các chuyến bay chuyển hàng có thể phần nào tháo gỡ được khó khăn trong những ngày tới, tuy nhiên Chính phủ Mỹ sẽ cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho tình trạng khan hiếm sữa hiện nay.

Chẳng hạn như về lâu dài, Mỹ cần có thêm nhiều nhà cung cấp sữa công thức để tránh tình trạng một công ty đơn lẻ kiểm soát quá nhiều chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu này.

Theo Nhà Trắng, đây là bước đi cấp thiết khi tình trạng sữa bột cạn kiệt khỏi các kệ hàng đang lan rộng, tạo gánh nặng cho nhiều gia đình Mỹ.

Chia sẻ Facebook