Nỗ lực bù đắp những lỗ hổng kiến thức cho học sinh

Chia sẻ Facebook
22/04/2022 20:25:13

Các trường THCS và THPT đang nỗ lực bù đắp các lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng cho học sinh tuy nhiên đây không phải là công việc một chiều.


Hơn một tháng nữa là năm học kết thúc. Cho đến thời điểm này, vẫn có những học sinh đang phải học online vì là F0. Dịch bệnh đã khiến suốt một năm học qua, việc học tập của học sinh thật vất vả. Sau gần một năm học, kiến thức, kỹ năng của các em có đạt được yêu cầu đề ra? Chúng ta phải chờ đến kết thúc năm học, có đánh giá của tất cả các nhà trường. Còn ở thời điểm này, PV VTV đã có ghi nhận tại một số trường học về chất lượng của việc học trực tuyến.


Chất lượng học sinh sau học online

Trường Tiểu học Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội mới trở lại học trực tiếp được 2 tuần nay. Dù học online nhiều nhưng chữ viết của các học sinh lớp 1 rất sạch đẹp, nhiều bạn đọc bài lưu loát.

Thế nhưng, môn Toán lại có những kết quả chưa tốt lắm. Cô giáo cho các em làm bài kiểm tra. Đã hết thời gian nhưng có những em vẫn chưa đọc được đề bài, có em làm xong nhưng kết quả sai nhiều. Đề bài là 40+20, học sinh lại viết thành 30-60=50; đề bài là 80-30, học sinh lại viết thành 80-80=80.


Tại 1 lớp phụ đạo thêm cho các học sinh lớp 4, vì nghỉ dịch kéo dài, có em là F0, có em thiết bị học hạn chế nên khi trở lại học trực tiếp, nhiều bạn đã không theo kịp chương trình.


Mỗi ngày các em có một tiết học thêm để giáo viên củng cố kiến thức. Việc tổ chức đảm bảo các em không cảm thấy bị áp lực học tập hoặc mang tâm lý thua kém bạn bè.


Còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học. Các thầy cô đang cố gắng để củng cố kiến thức cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học.


Dịch COVID-19 không chỉ gây ảnh hưởng chất lượng đối với học sinh lớp 1 mà nó tác động tới toàn bộ học sinh các lớp, đặc biệt là các lớp cuối cấp như lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chính vi vậy, các trường THCS và THPT đang nỗ lực bù đắp các lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên đây không phải là công việc một chiều.


Cần đánh giá chất lượng giáo dục sau dịch


Kể từ khi học sinh được đi học trở lại, đội ngũ giáo viên của Trường THCS Trưng Vương, huyện Mê Linh, Hà Nội dồn sức vừa ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, vừa dạy các em nốt nội dung chương trình các môn. Quá trình học online quá dài khiến nhiều phần kiến thức bị hổng, với những em chưa thực sự tập trung và có tính tự học tốt. Không chỉ kiến thức, học sinh còn bị giảm sút về kỹ năng học tập.


Còn tại Trường THPT Mê Linh, Hà Nội, các học sinh lớp 12 cũng đang nỗ lực ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Hàng năm đến thời điểm này, các em đã gần như hoàn tất chương trình và chú tâm vào ôn tập. Nhưng năm nay, giáo viên vẫn phải rà soát và bù đắp kiến thức cho một số học sinh học sút trong lúc dịch bệnh. Dù lớp 12 đã đi học được vài tháng nhưng nhà trường vẫn chưa vơi hết nỗi lo.


Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ sử dụng hết quỹ thời gian năm học để ôn tập cho học sinh.


Cho đến thơi điểm này, các cơ quan quản lý giáo dục vẫn chưa có những công bố cụ thể đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới giáo dục, đặc biệt là tác động tiêu cực. Việc khảo sát và đánh giá những tác động này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học sinh. Bởi các chuyên gia trong nước vào quốc tế tin rằng: sự giảm sút chất lượng về giáo dục không thể khắc phục chỉ trong 2 tuần hay 1 tháng.


Nỗ lực ôn tập kiến thức cho học sinh


Chẳng riêng gì học sinh hay phụ huynh, các thầy cô giáo đã phải trải qua một khoảng thời gian cũng vô cùng vất vả để có thể dạy học cho các em học sinh. Tuy nhiên trước những học sinh vẫn còn thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, các thầy cô, các nhà trường vẫn phải tiếp tục nỗ lực để năm học này kết thúc đạt kết quả như mong đợi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ những kế hoạch để khắc phục những hạn chế do học online kéo dài.

Chia sẻ Facebook