NIM ngân hàng thay đổi thế nào trong thời kỳ lãi suất biến động?
Chênh lệch lãi suất đầu vào/đầu ra biến động mạnh thời gian qua tác động thế nào đến NIM ngân hàng và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư ra sao?
NIM ngân hàng thay đổi thế nào trong thời kỳ lãi suất biến động?
Chênh lệch lãi suất đầu vào/đầu ra biến động mạnh thời gian qua tác động thế nào đến NIM ngân hàng và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư ra sao?
NIM (Net Interest Margin) - biên lãi ròng - là phần chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Nói cách khác, NIM là phần chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động vốn (lãi tiền gửi) và hoạt động đầu tư (lãi cho vay) của ngân hàng.
Và NIM là một trong những chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng. Nhà đầu tư thường quan tâm đến NIM như một trong những chỉ tiêu quan trọng để ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, đánh giá tiềm năng phát triển của cổ phiếu đó.
NIM biến động theo lãi suất
Một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến NIM chính là lãi suất, xét trên cả lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng lãi suất như một công cụ để điều tiết dòng tiền của thị trường. Hệ số NIM cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách lãi suất, nhất là trong thời gian lãi suất biến động mạnh vừa qua.
Khoảng thời gian 2020 - 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất huy động trượt dốc. Thời kỳ này, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn từ 3 - 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng từ 3.5 - 6.5% và kỳ hạn 12 tháng từ 5.5 - 7%/năm. Song song đó, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy được, NIM trong năm 2020 của các ngân hàng giảm so với năm 2019, nhưng đến năm 2021 cũng là thời kỳ khó khăn hơn khi áp dụng nhiều chính sách giản cách xã hội, NIM lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Dù lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay giảm không tương ứng chính là nguyên nhân khiến NIM ngân hàng vẫn tăng giữa bối cảnh lãi suất giảm.
Trong năm qua, NHNN có 2 lần tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, kéo theo lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng liên tục, trong khi yêu cầu kiểm soát lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi vẫn tiếp diễn. Khi lãi suất cho vay ra chưa theo kịp đà tăng sốc của lãi suất huy động, chắc chắn sẽ gây áp lực co hẹp lên NIM.
Từ lãi suất điều chỉnh của ngân hàng cũng sẽ thay đổi lên nhu cầu của khách hàng, tác động đến NIM. Trong nửa cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi liên tục tăng, có thời điểm đẩy lên trên 10%/năm, kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm của khách hàng nhiều hơn là vay vốn. Điều này cũng khiến hệ số NIM sụt giảm và ngược lại.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, năm 2022, chỉ có 8/27 ngân hàng có NIM giảm so với năm trước. VPBank là ngân hàng có hệ số NIM cao nhất với 7.6%, kế đến là MB (5.72%), Techcombank ( TCB , 5.31%), HDBank ( HDB , 5.08%) và VIB (4.72%).
NIM có thể nghịch chiều lợi nhuận
TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM lý giải thêm: Ngành ngân hàng vẫn là ngành độc quyền nhóm nên các ngân hàng vẫn sẽ cố gắng duy trì mức NIM tương đối cao trong ngành để có lợi nhuận tốt.
“ Điển hình như trong năm 2022, nền kinh tế khá khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn, nhưng rõ ràng NIM của ngân hàng không giảm. Mặc dù NHNN cũng kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay khá nhiều, nhưng vì NIM không giảm nên dẫn đến các ngân hàng đều báo lãi kỷ lục so với năm trước. Rõ ràng có thể thấy sự độc quyền nhóm ở đây ” - TS. Huân phân tích thêm.
Sự độc quyền nhóm sẽ gây ra khá nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và trong tương lai bắt buộc phải phát triển thị trường trái phiếu để trở thành kênh đối trọng với ngân hàng. Nếu ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế, họ vẫn sẽ duy trì mức lợi nhuận như vậy.
TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo trong thời gian tới NIM sẽ có xu hướng giảm, vì áp lực các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tỷ trọng giảm không nhiều.
Chắc chắn sẽ có sự phân hóa NIM giữa các ngân hàng với nhau. Như các con số thể hiện, NIM của ngân hàng quy mô lớn lại nhỏ hơn NIM tại ngân hàng nhỏ.
Trên thực tế, ngân hàng lớn dù có NIM nhỏ nhưng tổng lợi nhuận vẫn cao so với ngân hàng nhỏ, vì những khoản cho vay của ngân hàng này có quy mô khá lớn và họ có dòng vốn dồi dào nên chấp nhận mức NIM nhỏ và đạt được lợi thế kinh tế về quy mô. Cách làm này cũng tối ưu hóa được chi phí hoạt động.
Các ngân hàng nhỏ chưa đạt được lợi thế kinh tế về quy mô nên chi phí hoạt động cao, dẫn đến việc dù NIM cao nhưng lợi nhuận lại thấp.
Sự dịch chuyển sang mảng ngân hàng bán lẻ cũng góp phần cải thiện biên NIM, nhưng cần lưu ý nó sẽ gia tăng áp lực về rủi ro nợ xấu. Đơn cử như mảng cho vay bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân sẽ có rủi ro cao hơn cho vay khách hàng doanh nghiệp và khó thu hồi nợ hơn.
Thêm vào đó, chi phí hoạt động để thực hiện một hồ sơ vay khách hàng cá nhân tương đương một hồ sơ vay khách hàng doanh nghiệp, nhưng khoản vay cá nhân chỉ từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng, trong khi khách hàng doanh nghiệp có thể vay đến hàng ngàn tỷ đồng. Rõ ràng NIM có thể cao hơn đối với khách hàng cá nhân, nhưng rủi ro và chi phí hoạt động cũng sẽ cao hơn. Các ngân hàng cũng sẽ cần cân nhắc đến yếu tố này.
Dưới góc độ công ty chứng khoán, trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, VDSC kỳ vọng tổng tín dụng toàn ngành tăng trưởng ở mức 12% do yếu tố chu kỳ vĩ mô, NIM suy giảm phân hóa theo từng nhóm ngân hàng. Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với quá khứ.
Năm 2023, VDSC cho rằng chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1 - 2 quý tới. Trong nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm sẽ có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng TMCP bởi nhiệm vụ “hỗ trợ nền kinh tế” trong những giai đoạn khó khăn. VDSC kỳ vọng dự thảo sửa đổi Thông tư 22, trong đó cho phép được tính một phần tiền gửi kho bạc vào cấu phần tiền gửi trong cách tính LDR sẽ sớm được thông qua. Trong trường hợp này, các ngân hàng quốc doanh có thể tối ưu được lượng tiền gửi kho bạc Nhà nước, bù đắp một phần cho sự chia sẻ gánh nặng chi phí lãi vay với nền kinh tế.
Cát Lam