Niềm tin về nguyên nhân của đại dịch qua bức “Đại dịch ở Rome”

Chia sẻ Facebook
24/07/2022 13:38:36

Đối mặt với đại dịch, đại đa số con người hiện đại thường suy xét và đánh giá sự việc ở góc độ ảnh hưởng chính trị, kinh tế, xã hội, mà...


Đối mặt với đại dịch, đại đa số con người hiện đại thường suy xét và đánh giá sự việc ở góc độ ảnh hưởng chính trị, kinh tế, xã hội, mà hiếm thấy có những liên tưởng về mặt tinh thần của cá nhân, của cộng đồng. Một số người vẫn còn đức tin thì luôn đau đáu câu hỏi: Vì sao ông Trời, vì sao Chúa, vì sao Phật lại để nhân loại chịu một đại nạn lớn như vậy mà vẫn mặc kệ? Có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy một chút lý giải khi ngắm bức “The plague in Rome” (Tạm dịch: Đại dịch ở Rome) của danh họa Jules-Élie Delaunay.

Bức “Đại dịch ở Rome”


Bức “Đại dịch ở Rome” do danh họa người Pháp, Jules-Élie Delaunay, vẽ vào thế kỷ thứ 19, là kết quả sau hành trình tâm linh của người họa sĩ, khi ông tìm kiếm và học hỏi nghệ thuật tại Rome vào giai đoạn 1856-1861. Sau khi Delaunay viếng thăm Vương cung thánh đường Thánh Peter tại Rome, ông đã rất ấn tượng trước những bức họa mô tả dịch bệnh tại Rome diễn ra vào nhiều thế kỷ trước đó. Từ năm 1857, ông bắt đầu phác thảo bức “Đại dịch ở Rome” , đến năm 1869 thì mới hoàn thành xong. Trong quá trình này, Delaunay đã tìm kiếm câu trả lời từ các tài liệu của Cơ đốc giáo về cuộc đời của các Thánh đồ. Sau 12 năm, Delaunay mới hoàn thành tác phẩm mang ý nghĩa dẫn dắt, gợi mở sâu sắc, mô tả niềm tin Cơ đốc về nguyên nhân của các đại dịch.

Bức “The Plague in Rome” (Tạm dịch: Đại dịch ở Rome), 1869, họa sĩ Jules-Élie Delaunay. (Public Domain)

Điều khiến người ta phải suy nghĩ nhất, và cũng là tâm điểm của tác phẩm, chính là cảnh một vị thiên sứ đang chỉ huy ác thần (hay quỷ dịch) cầm giáo đâm vào một cánh cổng. Xung quanh họ, thây xác đầy đường, kẻ sợ hãi, kẻ than khóc, kẻ tuyệt vọng chờ đợi cái chết. Lẽ nào những con quỷ truyền bệnh lại làm việc dưới sự chỉ huy của thiên sứ hay sao? Trong lý giải của đại đa số mọi người, thiên sứ là những người cứu tế, cứu nạn, lan truyền phúc âm, cớ sao lại cùng ác thần tác quái? Muốn trả lời những câu hỏi này, cần hiểu được câu chuyện trong bức họa.

Bối cảnh lịch sử của bức họa này là chuyện Thánh Sebastian tử vì đạo.

Che giấu tín ngưỡng Cơ đốc của mình, Sebastian gia nhập quân đội La Mã, và nhờ lòng quả cảm mà được trọng dụng, dần trở thành đội trưởng đội cận vệ hoàng đế trong thời kỳ Diocletian tự xưng đế. Đây là thời kỳ La Mã đàn áp Cơ đốc giáo rất thảm khốc.

Sau này, vì tín ngưỡng của Sebastian bị lộ, Diocletian cho rằng Sebastian phản bội hoàng đế, ra lệnh bắt trói và xử tử ông bằng cách bắn rất nhiều tên vào người, rồi bỏ mặc chảy máu cho đến chết. Không ngờ Sebastian vẫn sống sót một cách kỳ diệu và được một tín đồ cơ đốc chăm sóc cho đến khi phục hồi.

Bức “Martyrdom of Saint Sebastian” (Tạm dịch: Thánh Sebastian tử vì đạo), những năm 1480, họa sĩ Andrea Mantegna. (Public Domain)

Mặc dù sống sót, Sebastian không trốn chạy, mà lại tìm cách cản đường Diocletian để ngăn hoàng đế tiếp tục bức hại tín đồ Cơ đốc. Mặc dù bất ngờ trước việc một kẻ mình cho là đã chết vẫn còn sống khỏe mạnh, Diocletian vẫn ra lệnh đánh chết Sebastian và vứt xác xuống cống.


Bức “Đại dịch ở Rome” miêu tả những sự tình tiếp theo sau khi Sebastian bị hại: Một vị thiên sứ đã chỉ huy một ác thần cầm giáo, đâm vào cổng của những nhà có người đã trợ giúp cái ác hại chết Sebastian. Trên cổng bị đâm bao nhiêu nhát thì trong nhà sẽ có bấy nhiêu người chết. Từ đó, bệnh dịch bắt đầu lan tràn…

Tuy cái chết của Thánh Sebastian đã mở đầu cho dịch bệnh tại Rome, nhưng ông lại được biết đến là vị Thánh đẩy lùi bệnh dịch sau khi người dân sám hối và cầu nguyện trước ông.

Bức “Saint Sebastian Interceding for the Plague Stricken”, mô tả cảnh Thánh Sebastian mình đầy tên, quỳ xuống xin Thiên Chúa tha tội cho con người. Ngay ở dưới, một thiên thần đang chống lại ác quỷ. Trên mặt đất, người ta hoảng sợ vì dịch bệnh lan tràn. Bối cảnh trong tranh là đại dịch Justinian. Vẽ năm 1497-1499. Họa sĩ Josse Lieferinxe. (Public Domain)

Theo ghi chép, việc dựng bệ thờ Thánh Sebastian đã đẩy lùi bệnh dịch tại Ý vào thế kỷ thứ 7. Trong suốt thời Phục Hưng, các tín đồ Cơ đốc cũng thường tìm kiếm sự bảo trợ của Thánh Sebastian trước bệnh dịch. Người dân cũng tin rằng Thánh Sebastian đã bảo vệ họ khỏi trận ôn dịch ở Milan năm 1575 và Lisbon năm 1599 sau khi họ thành tâm cầu nguyện. Tương tự, những năm 1620, cư dân Rome đã cầu nguyện và sám hối trước Thánh Sebastian vì một đợt đại dịch lớn từng khiến 10.000 người chết ở riêng Florence…

Xem thêm: Sự diệt vong của Pompeii và bài học gửi hậu thế

Lịch sử La Mã và những đại dịch

Kỳ thực, soi chiếu vào những trang sử La Mã, nhân loại có thể học được rất nhiều bài học lớn.


Trong quá trình tồn tại của mình từ năm 27 trước Công Nguyên, đế quốc La Mã đã chứng kiến quá nhiều thăng trầm. Sau hai thế kỷ đầu thịnh vượng là một giai đoạn bất ổn định và khủng hoảng, khiến đế quốc bị chia đôi. Trong thế kỷ tồn tại thứ tư, sự xuất hiện của Constantine Đại Đế mở đầu cho sự nở rộ của Cơ Đốc giáo .

Thế kỷ thứ năm, sau sự sụp đổ của Tây La Mã, đế quốc La Mã hợp nhất lại thành đế quốc Byzantine (đặt theo tên của thủ đô Byzantium mà Constantine Đại Đế trước đó lựa chọn), và trải qua 1000 năm cho đến khi hoàn toàn thất thủ trước Đế quốc Ottoman. Trải dài trên một diện tích rộng lớn xung quanh Địa Trung Hải, bao gồm châu Âu, Bắc Phi, và Đông Á, đế quốc La Mã nói chung đã đặt định một nền tảng quan trọng cho văn hóa nhân loại. Từ ngôn ngữ, nghệ thuật, triết học, cho đến luật pháp, không có lĩnh vực nào của phương Tây không chịu ảnh hưởng của đế quốc này.


Và tất nhiên, lịch sử của La Mã vào những thế kỷ đầu để lại rất nhiều bài học cho hậu thế, đặc biệt là ba lần dịch bệnh lớn nhất được ghi chép lại, gọi là: đại dịch Antonine (165-180 SCN), đại dịch Cyprian (249-262 SCN) và đại dịch Justinian (541-542 SCN); cùng rất nhiều lần dịch bệnh lớn nhỏ vào thời kỳ chia cắt Đông-Tây.

Bức “Plague in an Ancient City”, mô tả cảnh dịch bệnh xảy ra tại một thành phố cổ đại, 1652-1654, họa sĩ Michiel Sweerts. (Public Domain)

Bức “The Plague of Ashdod”, mô tả cảnh dịch bệnh tại một thành phố cổ đại, 1628-1630, họa sĩ Nicolas Poussin. (Public Domain)


Đại dịch được cho là có ảnh hưởng nặng nề nhất tới đế quốc La Mã là Justinian. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể hình dung được sự tàn khốc của dịch bệnh thời ấy thông qua những miêu tả trong cuốn “Thánh đồ truyện” (Biographies of Eastern Saints) của tác giả kiêm nhà sử học John ( John of Ephesus : 507-588); và nhà sử học Evagrius Scholasticus (536-594).

Trong quá trình thu thập tư liệu về cuộc đời của các Thánh, John đã chứng kiến lần bệnh dịch ở Constantinople. Còn nhà sử học Evagrius thì tự mình trải nghiệm dịch bệnh và sống sót vào thời trai trẻ, và đã chứng kiến dịch bệnh giết chết vợ, người thân, cùng lượng lớn dân số La Mã.

Những ghi chép về cảnh tượng thời ấy thật kinh khủng:

“Trên cơ thể của vài người, nó bắt đầu từ trên đầu, mắt họ chảy máu, mặt sung lên, tiếp đó là hô hấp khó khăn, sau đó thì những người này chết đi… nội tạng của vài người bị lộ ra ngoài; có người bị viêm hạch ở háng, mủ lan khắp người, và sốt cao, những người này sẽ chết trong vòng hai ba ngày. Có loại dịch bệnh mà người mắc có thể kéo dài vài ngày, nhưng có loại thì người bệnh sẽ chết trong chỉ vài phút sau khi phát bệnh. Có những người bị nhiễm bệnh một hai lần là lại khỏi, nhưng sau đó bị nhiễm lần thứ ba thì chết.”

Khắp nơi đều là “thi thể đã thối rữa nằm ở trên đường do không được ai chôn cất”.

“Có khi người ta đang nói chuyện với nhau thì đột nhiên bắt đầu run lên rồi ngã xuống đường hoặc trong nhà. Khi một người đang làm đồ thủ công, có thể anh ta sẽ ngã lăn sang bên cạnh và chết.”

“Có người ra chợ mua ít nhu yếu phẩm, khi đang đứng đó nói chuyện hoặc trả giá, cái chết sẽ đến với cả người mua và người bán một cách rất đột ngột, hàng hóa và tiền vẫn nằm đó nhưng không còn ai nhặt lên nữa.”

“Chỉ trong một ngày, có năm nghìn đến bảy nghìn người, thậm chí có thể lên đến mười hai nghìn đến mười sáu nghìn người rời khỏi thế gian. Do đây chỉ mới là bắt đầu, các nhân viên chính quyền thì đang đếm số người chết ở các bến cảng, các ngã tư đường và trước cổng thành.”

Sau khi dùng hết mộ, người chết bị ném xuống biển. Số lượng lớn các thi thể bị đưa đến bờ biển. Hàng ngàn hàng vạn thi thể “chất đầy bờ biển, giống như những thứ trôi nổi trên sông trôi theo dòng ra biển lớn.”

Chính quyền quyết định sử dụng cách xử lý thi thể khác: xây một ngôi mộ khổng lồ, mỗi phần mộ có thể chứa được hàng chục nghìn thi thể. “Do thiếu không gian nên nam, nữ, người trẻ, trẻ em đều bị ép cùng nhau, giống như vữa bị vô số những đôi chân dẫm đạp lên. Tiếp đó, họ ném vô số thi thể xuống, nam nữ quý tộc, người nhà, thanh niên và cả trẻ em và trẻ sơ sinh đều bị ném xuống như thế, ở phía dưới đáy còn bị ném đến vỡ nát.”

“Mỗi vương quốc, vùng lãnh thổ, khu vực và những thành phố hùng mạnh, toàn bộ người dân đều bị bệnh dịch đùa giỡn trong lòng bàn tay.”

Sự trừng phạt của Thượng Đế

Tại sao lại bộc phát dịch bệnh đáng sợ quy mô lớn như thế? Tại sao có những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh sau đó vẫn sống? Người may mắn sống sót khi đó là tác giả John đã nhận ra rằng: Đây là sự trừng phạt của Thượng Đế!

Nếu như không phải là sự trừng phạt của Thượng Đế thì quả thật là có rất nhiều việc khó có thể giải thích rõ ràng được. Như nhà sử học Evagrius đã viết về sự kỳ lạ của bệnh dịch:

“Có người đã thoát ly nơi thành phố bị nhiễm bệnh, hơn nữa bản thân họ còn rất khỏe mạnh nhưng chính họ lại truyền bệnh cho những người không bị nhiễm bệnh. Cũng có một số người thậm chí là sống giữa những người bệnh, không chỉ ở cùng với người bệnh mà còn tiếp xúc với những người đã chết nhưng họ hoàn toàn không bị lây nhiễm.”

“Cũng có người vì mất đi con cái và người thân nên chủ động muốn chết theo, hơn nữa họ còn gần gũi hơn với người bệnh để mong cho chết mau hơn, nhưng dường như căn bệnh lại từ chối ý muốn đó, dù cho họ có làm cách nào thì vẫn cứ khỏe mạnh như trước.”

Để người sau này biết được sự tàn khốc của dịch bệnh và có được ví dụ thực tế, John đã viết ra những lời khuyên ngay trong khi ông trải qua đau đớn về mặt tâm linh:

“Khi một kẻ bất hạnh là tôi đây muốn ghi chép lại những sự kiện này vào tài liệu lịch sử, có rất nhiều lần dòng tư duy của tôi bị tê liệt. Hơn nữa, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, tôi muốn quên đi tất cả: bởi vì đây xem như là tất cả những lời tôi muốn nói, cũng là những lời khó mà kể được; ngoài ra, còn bởi vì khi cả thế giới đều quay cuồng, đi đến bước đổ sập, khi mà thời gian sinh tồn của một thế hệ người đang bị rút dần đi, xem như là có thể ghi chép lại một phần nhỏ những sự kiện này, thì có tác dụng gì chứ? Còn người ghi tại tất cả mọi thứ thì là đang ghi chép lại cho ai đây?”

“Thế nhưng, tôi lại nghĩ, dùng ngòi bút của tôi, để thế hệ sau của chúng tôi biết được một phần nhỏ trong vô số những sự kiện mà Thượng Đế trừng phạt chúng tôi, thì hẳn là không sai đâu. Có lẽ trong những năm tháng còn lại của thế giới sau chúng tôi, thế hệ sau sẽ cảm thấy kinh hoàng và hoảng sợ với tai họa đáng sợ mà chúng tôi phải chịu do tội của chính chúng tôi, đồng thời có thể trở nên sáng suốt hơn vì sự trừng phạt mà những kẻ bất hạnh như chúng tôi phải chịu, từ đó có thể cứu được chính họ khỏi sự phẫn nộ của Thượng Đế cũng như tương lai đau khổ của họ.”

Vậy thì tại sao Thượng Đế lại phải trừng phạt Đế quốc La Mã? Hãy xem người La Mã lúc bấy giờ đã làm những gì khiến Thượng Đế phẫn nộ đến thế. Chắc hẳn đó là sự đàn áp đạo Cơ Đốc và các tín đồ Cơ Đốc đã khiến cả người và Thần cùng tức giận, mà sự đàn áp này xảy ra trong suốt 300 năm.

Năm 64 sau CN, Nero đốt thành La Mã và đổ tội cho tín đồ Cơ Đốc, đây là lần đàn áp tín đồ Cơ Đốc đầu tiên trong lịch sử đế quốc La Mã. Sau Nero, còn có nhiều hoàng đế khác đàn áp tín đồ Cơ Đốc, từ năm 64 sau CN đến đầu thế kỷ thứ 4, tổng cộng đã xảy ra hơn mười lần đàn áp như thế. Hình phạt dành cho các tín đồ có thể kể đến như: đóng đinh vào giá chữ thập, khoác da thú để ác thú cắn chết, đóng đinh họ vào cột làm đuốc dần dần thiêu chết… Các tín đồ Cơ Đốc hoặc là lựa chọn hối lỗi, hoặc lựa chọn cái chết. Rất nhiều tín đồ không từ bỏ đức tin bị giết. Chính từ sự đàn áp đối với tín đồ Cơ Đốc mà đế quốc La Mã bắt đầu liên tiếp phải chịu hậu quả từ thiên tai và dịch bệnh, tình hình kinh tế không ngừng xấu đi, đi đến bước đường suy vong.

Bức “Nero’s torches”, mô tả cảnh tín đồ Cơ Đốc bị treo lên làm “đuốc thịt” mua vui cho vua quan La Mã, 1876, họa sĩ Henryk Siemiradski. (Public Domain)


Cổ ngữ phương Đông có câu: “Thiện ác cuối cùng rồi cũng có báo ứng, chỉ đến sớm hay đến muộn mà thôi.” Báo ứng có hiện báo, sinh báo, và hậu báo. Các đại dịch Antonine (165-180 SCN), Cyprian (249-262 SCN) có thể nói là ứng vào hiện báo và sinh báo. Còn hậu báo như Justinian (541-542 SCN) lại là trầm trọng mà khó nhận biết nhất, nhưng không phải là không thể nhận ra. Phần đế quốc La Mã (đế quốc Byzantine) mà Constantine Đại Đế (272-337 SCN) sùng đạo Cơ đốc đặt định cơ sở tại Byzantium, dù phải vượt qua đại dịch Justinian vẫn trường tồn trong 1000 năm, trong khi phần đế quốc còn lại vốn đàn áp Cơ đốc và chỉ dừng lại sau khi có thỏa ước với Constantine thì đoản mệnh.

Còn có người hỏi, vậy vì sao không chỉ những cá nhân ra lệnh và thi hành đàn áp, mà cả những người dân thường cũng phải chịu cảnh báo ứng, cả thế hệ sau cũng chịu cảnh báo ứng? Khi những tín đồ Cơ Đốc bị đem ra làm thú vui trong đấu trường, thì ai là những người cổ vũ và hứng khởi trên ghế khán giả? Khi những tín đồ Cơ Đốc bị lùng bắt và bị giết vô đạo, thì có ai dám đứng ra nói lời ngay chính thay cho họ? Thờ ơ trước cái ác và bán đứng lương tri liệu có phải là một điều không kém phần tàn ác? Tổ tiên làm, con cháu chịu, đây là quan niệm mà người phương Đông thời xưa hiểu vô cùng rõ.


Lịch sử lặp lại, con người ngày nay cũng có bao nhiêu người hy vọng giống như John “có thể trở nên sáng suốt hơn vì sự trừng phạt mà những kẻ bất hạnh như chúng ta phải chịu” , từ đó có thể cứu được chính họ khỏi sự phẫn nộ của Thượng Đế cũng như tương lai đau khổ? Và có bao nhiêu người biết rằng Thượng Đế đã luôn cảnh báo chúng ta?

Nhìn lại thế giới ngày nay, không ít người vì kiên định với tín ngưỡng của bản thân mà đang bị đàn áp mạnh mẽ, bị bắt nhốt vào trại giam và trại giáo dưỡng chịu tra tấn, có rất nhiều người bị giết, và có vô số người bị ép phải bỏ nhà đi… Cũng có không ít người trẻ tuổi kiên định niềm tin vào tự do và lẽ phải mà bị đàn áp. Nếu như thật sự có sự tồn tại của Thần linh, vậy thì các Thần trên trời kia liệu có thể khoan dung được hành vi trái lẽ trời này? Dịch bệnh ở đâu đều là sự cảnh tỉnh đối người con người, nếu như con người còn không tỉnh ngộ thì cảnh tượng tàn khốc năm đó ở đế quốc La Mã rất có khả năng sẽ lại xảy ra.


Cũng có người nói rằng dịch bệnh là do nhân họa, nhưng nếu là trời định thì kỳ thực nhân họa hay thiên tai có gì là khác nhau đâu? Khác nhau chỉ là cách thức biểu hiện. Đầu năm 2020, có một chính khách đã thừa nhận trong một bài viết như thế này:

Trong nhiều năm, thế giới đã làm ngơ trước những vấn nạn vi phạm nhân quyền [và đạo đức y học] của Trung Quốc đối với các tù nhân lương tâm: người Hồi giáo, Phật giáo Tây tạng, Kitô giáo, và Pháp Luân Công. Và giờ đây [trong dịch corona], các hoạt động y sinh của Trung Quốc trở thành mối đe dọa với toàn thế giới.


“Trời không tuyệt đường của con người” , Trời vẫn rất thương xót con người, vẫn còn đang đợi con người tỉnh ngộ, nhưng thời gian còn bao lâu? Dẫu sao đi nữa, xin hãy nhớ bài học quan trọng nhất trong câu chuyện của Thánh Sebastian: Khi đại dịch ập xuống đầu, chỉ có cầu nguyện, chỉ có ăn năn, chỉ có chính nghĩa, và chỉ có đức tin mới có thể cứu rỗi nhân loại.


An Hòa

“Tạo hóa sinh ra con người là không có bệnh”


Mời nghe radio :

Chia sẻ Facebook