“Nhường nhịn” là khí chất của người quân tử
Cổ nhân giảng: Người học rộng biết nhiều mà lại có thể khiêm nhượng, nhường nhịn người khác, đối với việc thiện thì không bê trễ, người như vậy được xưng là người quân tử. Người quân tử không yêu cầu người khác mà ở bất cứ lúc nào, việc nào đều tự yêu cầu bản thân mình, không làm việc có lỗi.
Một lần, Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng: “Thầy Khổng đi qua các nước đều được tham dự việc chính sự của các nước ấy. Đó là do người ta chủ động yêu cầu hay là do thầy cầu xin vậy?”
Tử Cống nói: “Thầy Khổng ôn hòa, lương thiện, cung kính, cần kiệm, khiêm tốn nên được tư cách như vậy.”
Ôn nhu, lương thiện, cung kính, cần kiệm, khiêm nhượng là năm đức tính cao đẹp của con người. Người ôn hòa thì tướng mạo hiền lành. Người hiền lương thì tâm thiện. Người cung kính thì bên trong nghiêm túc, thanh sạch. Người cần kiệm thì không xa hoa lãng phí. Người khiêm nhượng thì biết nhường nhịn. Người có năm loại mỹ đức này thì ở thời khắc nào, nơi chốn nào cũng giúp người, làm việc thiện.
Thế nào là đạo nhường nhịn?
Đạo nhường nhịn có ý nghĩa rất rộng lớn, nhưng có thể hiểu theo nghĩa thông thường là sự nhún nhường, nhường nhau theo nghi lễ.
Trong “Tả truyện” viết: “Nhường là đứng đầu trong lễ.” Trong “Lễ ký” cũng viết: “Người quân tử cung kính, tiết kiệm, thoái nhường bởi vì thấu hiểu lễ.”
Người xưa cũng viết: “Có điều ức mà không dám bất chấp thì chính là ước thúc, khắc chế bản thân, có hạn định mà không dám vượt qua thì đó là lễ tiết.” Người quân tử ngoài đối với người khác phải cung kính thì đối với bản thân phải biết khắc chế, dùng thái độ khiêm nhượng để thể hiện lễ tiết của mình.
Trong “Dịch. Khiêm” viết rằng: “Người quân tử khiêm tốn, cho mình là thấp hơn người khác”.
Trong “Lễ ký” cũng viết: “Người bề trên hỏi, nếu không khiêm nhường một chút mà trả lời, thì sẽ không hợp lễ” .
Trong đó cũng viết: “Khi cùng khách vào cửa thì phải nhường người khách vào cửa trước” , ấy mới là hợp quy định của lễ.
Trong “Tự hối” ghi rằng: “Người trước mình sau thì được gọi là nhường” .
Trong lịch sử có rất nhiều bậc anh hùng, quân tử, có thể nhẫn nhịn việc nhỏ mà làm được việc lớn. Cũng có rất nhiều người sẵn sàng từ bỏ tước vị, bổng lộc mà nhường lại chức vị của mình cho người hiền tài.
Người thiện lương có đức dày, đi tới đâu mang phúc lành đến đó
Nhường ngôi vị cho người hiền tài
Đế Nghiêu là người cung kính, giản dị và tiết kiệm. Ông đi khắp bốn phương, hết mình quan tâm đến dân chúng thiên hạ. Ông là vị vua có đạo đức thuần khiết, ôn hòa và khoan dung.
Trong bảy mươi năm tại vị, ông luôn để ý tìm người tài đức để truyền lại ngôi vị. Vì vậy, ông công khai để tất cả mọi người đều có thể đề cử, ngay cả người khổ hạnh nhưng có tài đức cao cũng được phép tiến cử.
Về sau này, ông tìm được Ngu Thuấn là người tuy nghèo khổ nhưng hết mực hiếu tâm hiếu thuận. Ngu Thuấn mồ côi mẹ từ sớm. Ông có một người cha hồ đồ, người mẹ kế không thành thật, người em trai ngạo mạn vô lễ, nhưng Ngu Thuấn vẫn có thể nhường nhịn ở cùng và đối đãi lễ nghĩa.
Đế Nghiêu gả hai người con gái của mình cho Ngu Thuấn để quan sát đức hạnh của ông. Ngu Thuấn không vì được gả con vua mà đối đãi sai biệt.
Ngu Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm góm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị.
Sau ba năm bàn việc chính sự thì Đế Nghiêu mong muốn được truyền ngôi. Nhưng Ngu Thuấn một mực không chịu, muốn truyền tặng cho người có đức cao hơn mình. Về sau này, trải qua thời gian dài thuyết phục, Ngu Thuấn mới chịu tiếp nhận ngôi vị.
Có thể “nhẫn nhịn” việc nhỏ mới làm được việc lớn
Trong “Tả truyện” viết: “Trung là đức hạnh thuần chính, Tín là đức hạnh kiên định, Khiêm nhượng là đức hạnh nền tảng” .
Hàn Tín lúc trẻ sống bần cùng. Một lần, có một kẻ vô lại chặn Hàn Tín lại và nói: “Ngươi mặc dù cao lớn, thường đeo kiếm nhưng kỳ thực cũng là kẻ nhát gan thôi. Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Có can đảm thì giết ta đi!”
Hàn Tín thầm nghĩ: “Ta giết hắn để làm gì?” Thời đó sát nhân phải đền mạng, hơn thế chỉ vì một câu nói mà giết người thì không phải việc làm của kẻ trượng phu.
Người kia liền cười to và nói: “Ngươi không dám giết ta, vậy ngươi phải chui háng ta đi, nếu không đừng hòng đi qua!” Trong tiếng cười nhạo của đám đông, Hàn Tín đã thực sự chui qua háng của kẻ vô lại.
Bấy giờ ai cũng cho rằng Hàn Tín thực sự là một kẻ nhát gan. Nhưng trong thời loạn thế Hàn Tín lại trở thành vị đại tướng quân uy vũ nhất, đánh đâu thắng đó, trải bao chiến trận mà không hề thất bại. Ông còn nổi tiếng dụng binh như thần, thậm chí trong trận Tỉnh Hình đánh bại quân Triệu, ông đã đặt mình và quân sĩ vào tuyệt cảnh để rồi thắng trận. Rõ ràng Hàn Tín không hề nhát gan.
Sau này khi Hàn Tín đã có uy quyền, danh vọng, ông không nhớ thù xưa mà vẫn phong cho kẻ kia chức trung úy. Hàn Tín có phải là không có khả năng giết chết được kẻ vô lại kia không? Kỳ thực, Hàn Tín không phải là không thể giết chết được kẻ vô lại ấy, nhưng ông biết được rằng giết chết kẻ vô lại ấy là không có ý nghĩa gì. Hàn Tín có thể nhẫn nhịn được sự vũ nhục cực độ nhất thời ấy mà làm thành được sự nghiệp sau này.
Kỳ thực, lùi một bước, nhường nhịn một bước không chỉ là một loại trí tuệ mà còn là một loại ý chí ngoan cường. Rất nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta có thể phát hiện ra rằng, chỉ nhẫn nhịn hay nhường người khác trong một cái chớp mắt thôi là đã có thể khiến con đường đời chật hẹp trở nên rộng lớn vô cùng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Đạo của người quân tử: Lấy đức báo oán
Mời xem video :