Nhường đường cho người thì đường của mình mới rộng rãi

Chia sẻ Facebook
30/01/2023 19:46:17

Quan nhị phẩm bị người hầu của quan tam phẩm tát cho hai cái, vậy mà vẫn như không có chuyện gì, lại còn ân cần với đối phương, quả là khác người. Đây chính là chỗ đáng kính phục của Tăng Quốc Phiên.


Người xưa có câu: “Nhường đường đi cho người thì con đường của mình mới rộng rãi, thoáng đãng”. Từ xưa đến nay, người có thể hợp thời mà nhường nhịn, biết tiến biết lui, không tranh đấu, thì thành tựu trong cuộc đời cũng thật là cao thượng. Có một câu chuyện và cũng là bài học rất đáng giá của nhà Nho nổi tiếng Tăng Quốc Phiên như sau.

(Ảnh: Yunpeng Li, Shutterstock)

Tăng Quốc Phiên là một danh thần nổi bật của triều Thanh, nhưng quá trình làm quan của ông cũng trải qua nhiều thăng trầm. Ông từng bị hãm hại và giáng chức, chịu nhiều tủi nhục, sau lại được thăng chức lên làm quan nhị phẩm. Bấy giờ ông được ban cho chiếc kiệu tám người khiêng gọi là Lục Ni kiệu. Nhưng bản tính của ông là luôn tiết kiệm, khiêm tốn, không muốn cao ngạo. Vì thế, Tăng Quốc Phiên quyết định vẫn dùng chiếc Lam Ni kiệu, là chiếc kiệu bốn người khiêng mà ông hay dùng.

Theo luật lệ triều Thanh, người ngồi trên kiệu ít người khiêng hơn khi nhìn thấy người ngồi trên kiệu nhiều người khiêng thì đều phải cung kính nhường đường. Nếu không tuân thủ, thì chủ nhân của chiếc kiệu ít người khiêng sẽ bị đánh đòn.

Lần ấy, Tăng Quốc Phiên ngồi trong Lam Ni kiệu để đi ra ngoài. Khi kiệu của ông đi đến một ngõ nhỏ chật hẹp thì thấy ở phía sau, một chiếc Lục Ni kiệu cũng đang đi tới. Ở vào tình huống này, ông có thể không cần phải nhường đường. Nhưng Tăng Quốc Phiên vẫn sai người hầu đi sát sang một bên, để cho chiếc kiệu phía sau đi lên trước. Nhưng vì chỗ đi lại nhỏ, ngay cả đã đứng sát sang một bên rồi thì chiếc kiệu phía sau vẫn không thể qua được.

Người dẫn đường Lục Ni kiệu thấy thế, thúc ngựa chạy đến, không nghe lời phân trần, kéo rèm kiệu ra và tát vào mặt Tăng Quốc Phiên hai cái rất mạnh.

Nhưng điều hài hước là người ngồi trong Lục Ni kiệu kia chỉ là một vị quan tam phẩm, so với Tăng Quốc Phiên thì còn thấp hơn một cấp. Chiếc kiệu của vị quan tam phẩm này đi tới, vị ấy bèn vén rèm, thoáng nhìn thấy Tăng Quốc Phiên, sợ hãi quá, chạy vội đến chỗ ông, rối rít nhận lỗi tạ tội.


Tất cả mọi người im lặng chờ Tăng Quốc Phiên phân xử. Không ngờ Tăng Quốc Phiên nâng vị quan tam phẩm dậy và nhẹ nhàng nói: “Quả thực là kiệu của ta đã cản đường đi của đại nhân, đại nhân hãy lên kiệu, gấp rút lên đường mới là việc quan trọng hơn.”


Tăng Quốc Phiên còn quay lại dặn kỹ người hầu rằng: “Phàm là ở đâu, nhìn thấy Lục Ni kiệu thì cho dù đối phương là quan nhỏ thì cũng phải lập tức nhường đường.”


Tăng Quốc Phiên từng viết: “Kẻ sĩ có ba việc không tranh đấu, đó là chớ tranh đấu danh với người quân tử, chớ đấu lợi với kẻ tiểu nhân và chớ so không khéo cùng trời đất.”

Không so đo sẽ không khiến bản thân rơi vào vòng xoáy tranh đấu, không bị mệt bởi “người lừa ta gạt”, không tạo ra nhiều kẻ thù địch, không sợ lúc nào cũng bị người khác hãm hại. Không so đo còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, có thêm tinh lực để làm việc mà mình mong muốn.

Bởi vì không so đo mọi chuyện, chỉ một lòng một dạ tu dưỡng đạo đức nên Tăng Quốc Phiên đã tạo ra một kỳ tích ở triều đình nhà Thanh. Chỉ trong 9 năm, ông đã được tăng 10 cấp bậc, cuối cùng trở thành một danh thần, được người đời mãi mãi ca ngợi.


Người nhường nhịn không phải là người thua cuộc, cũng không phải là người nhu nhược hèn yếu, mà là người rộng lượng, hiểu được “lùi một bước biển rộng trời cao” . Họ biết buông bỏ lợi ích cá nhân của mình đúng lúc mà mở đường cho người khác, cũng là mở đường cho chính mình. Đây là nét đẹp trong nhân cách, là một loại trí tuệ và là một loại hàm dưỡng.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Cách bậc trí giả hành xử khi bị người khác nhục mạ


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook