Những yếu tố đưa Thanh Hóa thành điểm đến lý tưởng của "đại bàng"
Trong 9 tháng đầu năm, Thanh Hóa thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký 4.386 tỷ đồng. Riêng thu hút FDI, Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung.
“Địa chỉ vàng” thu hút đầu tư
Trao đổi với Người Đưa Tin , ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua, Thanh Hóa tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu các thuận lợi, ưu đãi trên nhiều lĩnh vực cụ thể, qua đó, nhanh chóng giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư.
“Bên cạnh những khó khăn, tỉnh Thanh Hóa đã cố gắng vận dụng tối đa, phù hợp các tiềm lực nội tại trên cơ sở các chính sách thượng tầng, hành lang pháp luật để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, định vị Thanh Hóa thành một “địa chỉ vàng” về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này , ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, nhìn chung thời điểm này đầu tư tại Thanh Hóa đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi, hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khi đầu tư tại Thanh Hóa, các doanh nghiệp nhận được rất nhiều các ưu đãi về thuế, phí, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng… từ đó giúp các doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận.
Xét về địa lý, Thanh Hóa có vị trí thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, cùng điều kiện tự nhiên đa dạng phong phú, phù hợp nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, nguồn nhân lực tại Thanh Hóa tương đối dồi dào, với giá nhân công hợp lý cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi các doanh nghiệp trong ngoài nước chọn đầu tư.
“Ngoài một số hạn chế, khó khăn chung như khâu giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa thuận với người dân, về cơ bản hiện Thanh Hóa đang giống như thỏi nam châm, với nhiều ưu đãi đã thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “đại bàng” với quy mô lớn. Từ đó tạo hiệu ứng, kéo theo các doanh nghiệp “vệ tinh” hội tụ về tìm kiếm các cơ hội đầu tư”, ông Đoan cho biết.
Những con số “biết nói”
Theo thông tin từ Sở KHĐT tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh này thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.386 tỷ đồng và 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 41 triệu USD.
Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 333 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 305 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 50.154 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế đến nay có 139 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,45 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung.
Thanh Hóa xác định thu hút đầu tư tập trung 6 trụ cột thúc đẩy kinh tế, bao gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; y tế; nông nghiệp; phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Theo đó, các dự án đầu tư vào Thanh Hóa sẽ nhận được nhiều ưu đãi về tiền thuê đất; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; hỗ trợ vận tải qua cảng Nghi Sơn; đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án, cùng nhiều hỗ trợ khác…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế như chậm được thể chế hoá một số nội dung liên quan vấn đề đổi mới kinh tế - xã hội; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ, chậm được ban hành. Đơn cử như việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
Về các quy định pháp luật liên quan đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn của nhà nước, giải phóng mặt bằng… cũng dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục, tiến độ triển khai dự án .
Việt Phương