Những vụ lao lý lãng xẹt

Chia sẻ Facebook
01/09/2023 16:11:43

Tôi cứ nghĩ nhiều tới những vụ lao lý lãng xẹt như thế. Xách xe ra khỏi nhà vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn hiền lành, con mình mà. Lát sau tin báo về, bị khống chế, bị bắt... vì tông cảnh sát giao thông, vì gây tai nạn.

Hôm qua, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam thanh niên tên Võ Nhựt Hùng với tội “cố ý gây thương tích”.

Hùng là người đã chạy xe vi phạm giao thông, khi bị chặn lại để kiểm tra thì tông thẳng vào một sĩ quan cảnh sát giao thông khiến anh này bị thương rất nặng, chấn thương sọ não, gãy xương hàm, tỉ lệ thương tích đến 50%.

Đại úy Đào Văn Thuân bị Huy lái xe máy tông trúng người chiều ngày 23/8. Ảnh: Công Lý

Ba ngày trước, ở Thanh Hóa, thanh niên tên Nguyễn Lê Huy, sinh năm 2006, cũng tông thẳng xe vào đại úy cảnh sát giao thông Đào Văn Thuân khiến anh này bị thương, đứt bốn dây chằng khớp gối, và tất nhiên, Huy cũng bị khởi tố.


Trước đó, một thanh niên 21 tuổi ở Hà Tĩnh cũng tông thẳng vào một Đại úy cảnh sát giao thông khi bị dừng xe, khiến anh này bị thương. Và càng tất nhiên chàng thanh niên sức dài vai rộng phơi phới xuân này cũng bị khởi tố, bắt giam với tội “chống người thi hành công vụ”.

Nguyễn Lê Huy tại cơ quan công an. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Đáng nói là các cụ việc như thế này khá nhiều, trải dài trên nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Và những người vướng vòng lao lý vì tội này khá trẻ, nhìn mặt nhiều người rất non, rất măng tơ. Với câu lệnh “tông xe vào cảnh sát giao thông” để tra Google, trong thời gian 0,38 giây cho ra 63.600 kết quả đủ thấy việc ấy nó phổ biến như thế nào?

Là số lưu thông trên đường rồi cố tình lao xe vào cảnh sát, chứ kể thêm số rủ nhau đua xe để bị chặn bắt thì còn đông nữa. Số này là chủ động từ trước, sẵn sàng ăn thua đủ, bởi biết việc làm của mình là phạm pháp mà vẫn làm, tụ tập nhau để làm, chủ động độ xe để chạy, thì đúng là ăn thua đủ với chính quyền rồi.


Còn cái số mà chạy xe như vũ bão trên đường, bị cảnh sát chặn, thì hoặc là cố tình tông vào, hoặc luống cuống mà tông cũng khá đông. Nó gây nên sự bất an cho xã hội và chính cả những người thực thi công vụ.

Trách các cháu, phải trách cả gia đình các cháu. Một là biết tính khi chúng như thế, thay vì giữ gìn kèm cặp, lại giao xe cho chúng. Hai nữa là sự thiếu giáo dục làm gương từ bé. Ở Gia Lai mới khởi tố một vụ tai nạn giao thông làm chết người. Người bố giao xe cho con chưa đủ tuổi (mới 15 tuổi) gây tai nạn chết người đã bị khởi tố. Buôn Ma Thuột cũng vừa có một vụ tương tự, một người 18 tuổi giao xe cho người 17 tuổi chạy gây tai nạn giao thông cho người khác thương tật đến 97% cũng bị khởi tố....

Thi thoảng trên đường, ta gặp những “yêng hùng xa lộ” phóng xe như xé gió, tiếng nổ ống bô như tên lửa rời bệ, rít lên man rợ, người rạp trên yên xe. Thì chỉ biết cách tránh đi chứ biết làm sao. Thương ai chưa kịp tránh đã bị chúng quẹt vào. Chúng làm thì chúng chịu, thương nhất là những người bị vạ lây.

Cũng mới nữa là hai vụ xe phân khối lớn. Một đoàn thì chạy xe vào cao tốc, là nơi cấm mô tô, khi bị chặn lại thì một cậu đã lao luôn xe vào cảnh sát. Sau này cậu thanh minh là... phanh không kịp. Kể cả phanh không kịp thì cũng không chấp nhận được. Phanh không kịp mà vẫn chạy xe để gây tai nạn à, không anh cảnh sát hôm ấy bị thì cũng sẽ người khác vì tay lái non “phanh không kịp”. Vụ nữa cũng là một đoàn, hồn nhiên cậy xe to lao vào đường ngược chiều để lên phà, khi bị những người đi xe máy khác đang kiên nhẫn xếp hàng qua phà góp ý thì gây sự với họ. Tất nhiên sau đấy cũng đều được công an mời làm việc.

Đi trên đường tôi thấy, rất nhiều bạn trẻ, kể cả lái ô tô, chạy rất ẩu, rất ít sử dụng xi nhan, coi việc phải xi nhan là... quê mùa. Ta cứ chạy, thích rẽ đâu thì rẽ, thích quay đâu thì quay.

Cũng như thế là việc tuân thủ các biển báo giao thông. Con đường tôi hay đi bộ hàng ngày, phải qua một con đường đôi có dải phân cách cứng. Đầu đường có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ. Luật quy định đấy là đường ưu tiên cho người đi bộ qua đường. Nhưng mặc kệ, cả ô tô và xe máy rất ít người có ý thức dừng hoặc chạy chậm lại nhường cho người qua đường. Thậm chí một số bạn tham gia giao thông còn không biết mấy cái vạch ấy để làm gì? Tự nhiên thừa sơn hay sao mà lại kẻ trắng toát ra thế?


Nó khác với các vụ tai nạn giao thông khác. Không ai muốn tai nạn giao thông xảy ra, nhưng vẫn có những vụ xảy ra ngoài ý muốn, và cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan điều tra thấy có tội theo luật. Đằng này, những vụ như tôi đề cập, đa phần là do các bạn ấy chủ động gây ra, chủ động khiến mình thành tội phạm, dù cái chủ động ấy nhiều khi nó rất bột phát, rất vô tình, rất ngây thơ, đến... ngu dốt...

Nhưng hậu quả thì rất lớn. Tuổi trẻ, tương lai, ngày mai...

Mà những ngày lễ, số vụ vi phạm kiểu như thế càng nhiều. Bài này như một sự cảnh báo trước ngày nghỉ lễ 2/9 năm nay.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook