Những vị tướng người Hán trong đội quân của Hai Bà Trưng

Chia sẻ Facebook
17/09/2022 07:44:56

Nhiều người Hán bất bình trước sự cai trị hà khắc cũng gia nhập đội quân của Hai Bà Trưng, các thần phả, thần tích và di tích đã ghi chép lại sự việc này.


Không chịu nổi những bất công của nhà Hán, một số người Hán đã gia nhập đội quân của Hai Bà Trưng.

Bản đồ Lĩnh Nam. (Ảnh: I Love Triệu Đà, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng tập hợp các cuộc khởi nghĩa, từ Hát Môn xuất quân tiến đánh các nơi, chiếm lại được các quận quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải v.v… bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay. Biên gới phía bắc kéo dài đến tận hồ Động Đình nằm ở giữa tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam. Trưng Trắc lên ngôi Vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức đất nước ở phía nam núi Ngũ Lĩnh).

Sách sử nhà Hán có ghi chép lại rằng:

“Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40 sau công nguyên), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi”

Hai Bà Trưng khởi nghĩa. (Tranh dân gian)

Tướng quân Sỹ Quyền

Đình làng Đồng Lý (xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) có thờ phụng tướng quân Sỹ Quyền, ông là người Hán ở Trung Nguyên.

Theo Thần phả đình làng thì khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, xã hội bất ổn, Sỹ Quyền chạy xuống phương nam đến định cư ở làng Đồng Lý thuộc quận Giao Chỉ, sống bằng nghề dạy học.

Thời đấy ở Giao Chỉ số người biết chữ có học còn rất ít, vì thế mà Sỹ Quyền trở thành người có tiếng ở trong vùng.

Năm 34, nhà Hán cử Tô Định làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là kẻ tham lam, tàn bạo, vơ vét của cải. Dân chúng bất bình, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra.

Một tướng quân họ Lỗ nhận lệnh Trưng Trắc đưa quân đến trang Đồng Lý lặp căn cứ ở đây. Nghe danh Sỹ Quyền, vị tướng này mời ông tham gia cuộc khởi nghĩa cùng chỉ huy đội quân ở Đồng Lý.

Giai đoạn đầu khởi nghĩa nên nghĩa quân chưa mạnh, trong một trận quyết chiến với quân Hán, Sỹ Quyền đã hy sinh.


Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng đánh bại quân Hán, lấy lại 65 thành trì. Trưng Trắc lên ngôi Vua, không quên những người đã theo mình, cho lập đền thờ Sỹ Quyền ngay trên nền ngôi nhà cũ của ông. Triều đại sau này sắc phong ông làm “Thiên Trấn Thượng đẳng phúc thần Đại vương”.

Trung nghĩa đại tướng quân Đô Thiên và Phấn Uy đại tướng quân Minh Giang

Thứ sử Hán Trung là Trần Tự Sơn vốn là vị quan tốt, tuy nhiên vua Hán nghe lời gièm pha liền bắt ông giam lại. Bạn của Trần Tự Sơn là Đô Thiên vốn là một hào kiệt nổi danh cũng đang làm quan, thấy bạn mình bị oan ức thì bất bình, từ quan về quê mộ quân báo thù cho bạn.

Đô Thiên nghe tin ở Giao Chỉ có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, nhiều cuộc khởi nghĩa đã quy tụ dưới cờ của Hai Bà Trưng, bèn cho toàn quân đến xin quy thuận.

Hai Bà Trưng phong cho ông làm Động Định công, giữ chức Trung nghĩa đại tướng quân. Dưới trướng của Đô Thiên có Minh Giang là người theo Nho gia, được phong làm Phấn Uy đại tướng quân.


Thần tích đền Càn ở thôn Càn (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có ghi chép rằng: “Đô Thiên và Minh Giang là hai quan chức người Hán, vì căm giận triều đình nên chạy sang Giao Chỉ, chống lại nhà Hán. Khi Hai Bà Trưng dấy binh, hai ông mang quân theo”.

Đô Thiên theo Hai Bà Trưng trong suốt các cuộc chiến đánh tan quân Hán lấy lại 65 thành trì. Minh Giang lập nhiều chiến tích nên được phong làm Thiên Ngung Công. Còn Đô Thiên làm thống lĩnh đạo quân Hán Trung, Tổng trấn Trường Sa (Hồ Nam).

Khi Mã Viện đưa quân sang đánh Lĩnh Nam, Đô Thiên quyết chống trả, tử trận trong cuộc chiến với quân Hán. Người dân nhớ đến công lao của Đô Thiên đã lập đền thờ ông ở các nơi. Hiện nay ở Quảng Đông và Quảng Tây vẫn còn một số miếu thờ ông.

Nữ tướng Phạm Thị Trâm và Lĩnh Nam công chúa Vương Sa Giang

Đội quân của Hai Bà Trưng hầu hết đều là nữ nhi làm tướng, cũng có những phụ nữ người Hán gia nhập nghĩa quân.

Phạm Thị Trâm là một phụ nữ người Hán, theo gia đinh lánh nạn mà đến định cư ở huyện Tây Chân (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Tuy nhiên sống trong cảnh bóc lật của Tô Định, bà không chịu được nên phản kháng và bị truy bắt.

Phạm Thị Trâm bỏ trốn vào rừng núi ở Hoa Lư (Ninh Bình) chiêu tập binh sĩ chống nhà Hán. Khi Hai Bà Trưng hiệu triệu tập hợp các cuộc khởi nghĩa, Phạm Thị Trâm đưa toàn quân về với Hai Ba Trưng và được phong làm tướng quân.

Các thần tích, dã sử còn ghi chép nhiều nhân vật người Hán nữa, tiêu biểu là nữ nhi Vương Sa Giang người ở Trường Sa, Hồ Nam, không chỉ xinh đẹp mà còn giỏi cầm kỳ thi họa, giỏi cả võ nghệ.

Khi Vương Sa Giang theo Hai Bà Trưng chống quân Hán, Trưng Trắc quý lắm, về sau phong cho làm Lĩnh Nam công chúa. Hiện nay ở Trung Quốc một số nơi vẫn thờ Vương Sa Giang như đền thờ ở ngoại ô huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên.


Trần Hưng


Mời xem video:

Chia sẻ Facebook