Những tuyên bố táo bạo của ông Zelensky và “trung tâm của tất cả”
Với nhiều quốc gia Ả Rập, xung đột và hỗn loạn trong chính thế giới của họ, như ở Sudan, Syria, Palestine… là mối quan tâm lớn hơn nhiều so với xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một loạt các chuyến công du nước ngoài trong những tuần gần đây để tăng cường sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho cuộc chiến của Kiev nhằm đẩy lùi quân Nga .
Tuần trước, ông Zelensky đã đến thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập và cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn bên ngoài các đối tác phương Tây.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine không được báo trước và gây bất ngờ cho các nhà phân tích, nhưng ông đến theo lời mời của nước chủ nhà Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia). Cả ông Zelensky và Riyadh đều có nhiều lý do để gửi và nhận lời mời.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine 15 tháng trước, Kiev đã không giành được sự ủng hộ đáng kể từ các quốc gia Ả Rập, vốn phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập. Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu mỏ khác đã duy trì mối quan hệ thân thiện với Điện Kremlin.
Mặc dù hầu hết các chính phủ Ả Rập đã bỏ phiếu lên án chiến dịch quân sự của Moscow tại Liên Hợp Quốc (LHQ), nhưng các quốc gia này, giống như phần lớn Nam Bán cầu, nhìn chung đã tránh chọn bên.
Hầu hết các thành viên của Liên đoàn Ả Rập đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, và không nước nào thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại Nga, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt kinh tế – điều có thể khiến họ bị Moscow liệt vào danh sách “các quốc gia không thân thiện”.
Nhiều quan chức Ả Rập cũng coi cuộc chiến này là một cuộc khủng hoảng của châu Âu mà các quốc gia phương Tây và Nga phải giải quyết. Đối với Ả Rập Xê-út và các quốc gia Ả Rập khác, những xung đột và hỗn loạn trong thế giới của họ – chẳng hạn như các vấn đề ở Sudan, Syria, Yemen, Libya, Israel và Palestine – là mối quan tâm lớn hơn nhiều so với cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu xa xôi.
Những tuyên bố táo bạo
Trong bức thư gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow “có truyền thống coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác đối tác mang tính xây dựng với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi”, bao gồm cả các thành viên của Liên đoàn Ả Rập.
Còn Tổng thống Zelensky, trong bài phát biểu trực tiếp của mình tại sự kiện, đã cáo buộc một số thành viên của tổ chức này đã quyết định “nhắm mắt làm ngơ” trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng “tất cả chúng ta có thể đoàn kết để cứu mọi người khỏi những chiếc lồng của các nhà tù Nga”.
“Tôi ở đây để mọi người có cái nhìn trung thực, bất kể người Nga có cố gắng gây ảnh hưởng như thế nào”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ông Zelensky cũng hứa hẹn mức độ hợp tác cao hơn giữa đất nước ông và thế giới Ả Rập trong tương lai. Trong nhiều năm qua, Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các quốc gia vùng Vịnh khác đã duy trì mối quan hệ quan trọng với Ukraine trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nhập khẩu lúa mì, năng lượng, thương mại phi dầu mỏ và du lịch.
Năm nay, Ả-rập Xê-út đã công bố viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm khoản tài trợ 300 triệu USD cho các dẫn xuất dầu mỏ. Ông Zelensky đã nhân cơ hội này để cảm ơn Riyadh vì vai trò của họ trong việc dàn xếp trao đổi tù nhân chính trị với Nga hồi tháng 9 năm ngoái. Người đứng đầu nhà nước Ukraine cũng đã mời Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) đến thăm Kiev.
Ông Joseph A Kéchichian, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo King Faisal ở thủ đô Riyadh, nói với Al Jazeera: “Các nhà bình luận Ả Rập độc lập đã bị ấn tượng bởi những tuyên bố táo bạo của Tổng thống Ukraine, đặc biệt là khi ông kêu gọi người Ả Rập phản ánh về mối quan hệ của họ với Nga”.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận trên mạng xã hội cũng đã nhanh chóng chỉ trích ông Zelensky vì đã không đề cập đến Palestine trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập.
Không rõ liệu bài phát biểu của ông Zelensky có làm thay đổi lập trường của quốc gia Ả Rập nào đối với cuộc xung đột ở Ukraine hay không. Nhưng một số chuyên gia cảm thấy không chắc chắn trong bối cảnh thực tế địa chính trị của một thế giới đa cực hơn, trong đó Riyadh và các thủ đô Ả Rập khác ngày càng coi trọng mối quan hệ đối tác đang mở rộng của họ với Moscow.
“Tôi nghĩ rằng đối với ông Zelensky, đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời để cố gắng làm nổi bật cuộc đấu tranh đang diễn ra của Ukraine chống lại sự can thiệp của Nga”, bà Caroline Rose, nhà phân tích cấp cao và là người đứng đầu Chương trình Khoảng trống Quyền lực tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines – một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận và phi đảng phái ở Washington DC, nhận định.
“Liệu điều đó có thành công hay không, tôi không chắc, đặc biệt là do Ả Rập Xê-út gần đây có khuynh hướng liên kết với các cường quốc khác bên ngoài phương Tây, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga”, vị chuyên gia cho biết.
“T rung tâm của tất cả”
Về lý do Riyadh đón tiếp nhà lãnh đạo Ukraine tại một sự kiện quan trọng của thế giới Ả Rập, các chuyên gia cho rằng điều này nhằm ngăn chặn sự chỉ trích của phương Tây đối với Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác.
Việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu thô khiến giá dầu tăng vọt và sự hợp tác giữa tổ chức này và Nga do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã hứng chỉ trích gay gắt từ Washington. Một số quan chức Mỹ đã cáo buộc Riyadh giúp tài trợ cho Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Việc Tổng thống Zelensky phát biểu trước Liên đoàn Ả Rập cũng nên được hiểu là một phần trong nỗ lực của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Ả Rập Xê-út nhằm củng cố lập luận rằng các quốc gia Ả Rập đang cân bằng giữa Moscow và Kiev.
Phát biểu tại hội nghị hôm 19/5, Thái tử MBS – nhà lãnh đạo thực tế của Ả Rập Xê-út đã nhắc lại đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga. Ông nói: “Chúng tôi tái khẳng định Vương quốc sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực trung gian giữa Nga và Ukraine và hỗ trợ tất cả các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về mặt chính trị theo cách góp phần đạt được an ninh”.
Ngoài ra, sự hiện diện của Tổng thống Ukraine ở Jeddah còn liên quan đến yếu tố Syria, các chuyên gia cho biết.
“Việc mời ông Zelensky đã giúp giảm thiểu một số yếu tố gây tranh cãi khác của Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập, ví dụ như lời mời dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tất nhiên là điều cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh bình thường hóa các mối quan hệ”, bà Rose của Viện Chiến lược và Chính sách New Lines (Mỹ), nhận xét.
Viện dẫn những vi phạm nhân quyền và thiếu giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, phương Tây đã lên tiếng phản đối việc các chính phủ Ả Rập nối lại quan hệ với chính quyền của ông al-Assad.
Dưới sự lãnh đạo của Thái tử MBS, Ả Rập Xê-út ngày càng quan tâm đến việc đưa Riyadh trở thành nhà lãnh đạo của thế giới Ả Rập và là một đối thủ ngoại giao nặng ký trên trường quốc tế.
Bằng cách bước vào một kỷ nguyên hòa dịu mới với Iran – từng là kẻ thù không đội trời chung, hướng tới một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Houthi ở Yemen và hòa giải với chính phủ Syria, Ả Rập Xê-út đã lựa chọn tham gia ngoại giao nhiều hơn và ít đối đầu hơn trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Hồi giáo Sunni hàng đầu.
Riyadh cũng đã đóng một vai trò ngoại giao hàng đầu trong cuộc xung đột ở Sudan nổ ra vào tháng trước.
Vị Thái tử quyền lực của Ả Rập Xê-út, sau giai đoạn bị cô lập tương đối trên trường quốc tế vì cáo buộc có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Xê-út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2018, đã bắt đầu trở lại sân khấu toàn cầu từ năm ngoái.
Tình hình ở Ukraine đã cho phép nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út nhấn mạnh vai trò của Riyadh trong việc giúp các quốc gia châu Âu đối phó với những thách thức về năng lượng bằng cách chuyển thêm dầu thô sang các nước đó.
Trong quá trình này, Thái tử MBS đã đạt được mức độ tin cậy cao hơn đáng kể, thể hiện qua các quyết định chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của ông ở cấp độ khu vực và quốc tế. Mức độ mà Thái tử MBS đã và đang thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington – Trung Quốc và Nga – trong khi thực hiện các bước để đưa Syria trở lại thế giới Ả Rập là những minh chứng cho chính sách đối ngoại quyết đoán này.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập đã củng cố tầm ảnh hưởng trong khu vực và “đánh bóng” uy tín của Thái tử MBS với tư cách là một nhà lãnh đạo trong thế giới Ả Rập, ông Patrick Theros, cựu Đại sứ Mỹ tại Qatar, nói với Al Jazeera.
“Thái tử MBS quyết tâm đưa Ả Rập Xê-út trở lại vai trò lãnh đạo khu vực và thậm chí toàn cầu – trở thành trung tâm của tất cả”, bà Kristin Diwan, một học giả cấp cao tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, cho biết. “Người Ả Rập Xê-út đang nắm trong tay mọi thứ vào lúc này” .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, NY Times, Middle East Eye)