Những tổn thương vô tình gây cho con: Nói xấu nhau
Lúc gia đình yên ấm, ba mẹ nói yêu trẻ và yêu nhau, nhưng lúc đánh cãi lại xúc phạm, nói xấu nhau, con trẻ sẽ rơi vào trạng thái...
Vợ chồng mâu thuẫn, đánh chửi nhau trước mặt con cái gây tổn thương và sang chấn tâm lý cho trẻ rất lớn. Đã vậy, họ thường ít biết dừng lại, họ tiếp tục gây thêm tổn thương cho con trẻ khi nói xấu đối phương sau lưng với con hoặc với người khác cho con nghe. Ít người vô tình khi làm điều đó, đa phần có mục đích muốn lôi kéo tình cảm của con về phía mình.
Vợ chồng bất hòa, điều quan trọng cốt yếu phải là hai người ngồi xuống với nhau nói chuyện thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân, cách giải quyết, thỏa thuận… Điều này thì người Việt chúng ta rất ít khi thực hiện. Đàn ông hay bỏ đi nhậu, đàn bà ôm con về nhà mẹ và sau đó dễ dàng tranh thủ kể lể với gia đình hai bên, người ngoài, con cái. Ai cũng luôn giành phần đúng về mình, mình luôn là nạn nhân, để tìm kiếm đồng minh.
Tại sao người ta phải làm điều đó? Để bớt cô đơn trong cuộc chiến tranh lạnh. Khi mâu thuẫn tồn đọng, người ta ghét nhìn mặt nhau, ghét giọng nói của nhau, họ tạo ra một bầu không khí im lặng, lạnh lùng. Ai có con bên cạnh sẽ bớt cô đơn căng thẳng hơn và… chọc tức được đối phương! Hoặc khi ra tòa con sẽ theo mình. Người ta vì bản thân mà lợi dụng chi phối cảm xúc, tình cảm của con trẻ. Nhiều người không biết đó là điều rất tồi tệ, cần phải tránh.
Trẻ con không biết phán xét, chúng yêu theo bản năng, vô điều kiện. Trong lòng trẻ, ba mẹ luôn là hình mẫu, thần tượng để trẻ bắt chước, học theo. Lúc gia đình yên ấm, ba mẹ nói yêu trẻ và yêu nhau, nhưng lúc đánh cãi lại xúc phạm, nói xấu nhau, con trẻ sẽ rơi vào trạng thái bối rối và nghi ngờ, chia tách và không biết cư xử thế nào cho vừa ý người lớn. Những lời sỉ nhục, nói xấu nhau lúc giận hờn của người lớn đi vào đầu con trẻ làm con dần dần đặt dấu hỏi về nhân cách của ba, mẹ. Nếu việc nói xấu nhau của ba mẹ lặp đi lặp lại, con trẻ sẽ chuyển biến từ yêu thương vô điều kiện sang có điều kiện. Con cũng sẽ lườm nguýt, mặt nặng, ăn nói xấc xược với ba hoặc mẹ khi thấy ba, mẹ lặp lại một hành vi nào đó mà trước đó đã bị đối phương không hài lòng, chỉ trích. Con dần coi thường và ghét bỏ ba hoặc mẹ nhưng đồng thời cũng chẳng thể nào yêu nổi người còn lại, kể cả khi con ở bên cạnh.
Một đứa trẻ phải thường xuyên chịu đựng cảnh ba, mẹ nói xấu nhau, sẽ sinh ra lòng hận thù và cay nghiệt. Khi lớn, con sẽ khó thoát thói chỉ trích, nói xấu và thù vặt, đôi khi cư xử tiểu nhân, nhưng không hay biết, vẫn nghĩ đó là điều bình thường. Di chứng tổn thương tuổi thơ này làm con người khó tin vào giá trị của tình yêu, hôn nhân và gia đình, tin người khác giới, thậm chí tin vào con người nói chung. Khi nói về tình yêu, họ chép miệng bảo tình yêu không có giá trị bền vững. Bởi, họ đã từng chứng kiến ba mẹ họ yêu nhau đến thế còn quay ra thù ghét nhau. Khi nói về hôn nhân, họ thường nghĩ đến sự tính toán hợp lý và một cuộc sống chung có tính chịu đựng lẫn nhau. Và, họ gọi như vậy là “thực tế cuộc sống” . Vòng lặp bệnh lý được lặp lại. Một số người rơi vào trạng thái cực đoan hơn, hoàn toàn không muốn yêu thương hoặc kết hôn. Họ không còn biết yêu thương vô điều kiện đối với bất cứ ai, thứ gì, ngoài bản thân, thậm chí, cũng không chắc họ biết yêu bản thân.
Ở các nước văn minh, những đứa trẻ, những người trải qua sang chấn tâm lý, mất mát, gia đình không hạnh phúc,… bất cứ thứ gì có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý thường được quan tâm chữa trị thông qua những cuộc nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia tâm lý để giải tỏa và điều chỉnh. Điều này giúp con người vượt qua tổn thương nhanh hơn, dễ hơn và không bị tổn thương làm cho suy nghĩ méo mó, tư duy sai lệch về cuộc sống, con người, sự việc. Một người mẹ đau khổ, luôn nói xấu chồng, than vãn về cuộc hôn nhân bất hạnh và bắt con gái nghe, cô bé sẽ ghét bố vì bố là nguyên nhân gây ra nỗi khổ của mẹ. Cô bé sẽ sợ hôn nhân. Nhưng, nếu được chữa trị, cô sẽ hiểu rằng mẹ cô đau khổ không phải vì bản chất của hôn nhân mà chính vì bố và mẹ cô không biết cách giải quyết vấn đề.
Ta quen một người, tìm hiểu không kỹ lưỡng, ngỡ là yêu, cưới nhau về mới phát hiện ra những điều không phù hợp, những thói xấu của nhau và không giải quyết được thì đó là lỗi của chính ta, không phải lỗi của hôn nhân. Ta chọn phải người chồng không ra gì không có nghĩa toàn bộ giới đàn ông ngoài kia không ra gì. Ta chọn phải người vợ bạc tình không có nghĩa toàn bộ đàn bà ngoài kia đều đáng sợ. Cớ sao ta lại trút vào con trẻ những ẩn ức của đời mình và làm trẻ có cái nhìn sai lạc đi?
Tôi từng chứng kiến cảnh những bà mẹ giận chồng, bảo với con, “Sau này có lấy chồng thì đừng chọn người giống ba mày. Thứ đàn ông bê tha.” Họ nghĩ họ đang dạy, truyền kinh nghiệm cho con. Họ không hề hiểu rằng con họ sẽ thắc mắc tại sao mẹ mình lại hạ thấp nhân phẩm đến mức vẫn tiếp tục chung sống với người mà mẹ khinh bỉ? Con bị chính sự mâu thuẫn trong cách nói và hành động của người lớn làm cho không phân biệt được rõ ràng về các khái niệm, cảm xúc và cách hành xử đi kèm.
Cảm xúc yêu thương đi kèm hành động quan tâm, chăm sóc, âu yếm… Cảm xúc khinh bỉ đi kèm hành động không quan tâm, tỏ thái độ, xa lánh… Khi cách hành xử mâu thuẫn, trẻ sẽ lẫn lộn và không coi trọng giá trị của phẩm giá con người, cũng như giá trị phẩm giá của chính nó.
Người Việt mình từ xưa đến nay phải chịu đựng vô vàn tổn thương, đủ hình thức: chiến tranh, hậu chiến tranh, đói nghèo, bị đánh đập, bị nô lệ, giai cấp, gia đình, cuộc sống… nhưng chưa bao giờ được quan tâm đúng cách để chữa trị. Tất cả các vòng lặp bệnh lý cứ lặp đi lặp lại hết đời này sang đời khác. Cái sai, cái xấu, nỗi đau cứ xoay vòng dù ngày nay kiến thức đâu thiếu như xưa. Nhận ra mình, nhận ra lời nói hành vi của mình có thể vô tình gây ra hậu quả gì cho con để học cách tránh. Đó là điều buộc phải làm nếu muốn con trẻ phát triển bình thường.
Nguyễn Thị Bích Ngà
03/08/2020
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây .
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây .
“Dùng lấy thảo” và triết lý cuộc sống
Mời xem video :