Những "tổ ong khổng lồ" tồn tại hàng triệu năm độc nhất hành tinh
Purnululu có nghĩa là "đá sa thạch", từ lâu đã là nơi ở của thổ dân địa phương, nhưng không được phần còn lại của thế giới biết đến cho tới giữa những năm 1980.
Ở vùng Kimberley của Tây Úc là Công viên Quốc gia Purnululu. Đây là nơi có dãy Bungle Bungle nổi bật với các đá sa thạch mang nhiều hình dạng ngoạn mục.
Cao hơn 300 mét so với vùng đồng bằng phủ đầy cỏ bao quanh, những mái vòm bằng đá sa thạch màu cam và đen xen lẫn tại đây chính là một trong những địa danh địa chất hấp dẫn nhất thế giới. Nhiều người ví mê cung mái vòm này giống như những tổ ong khổng lồ.
Các khối đá được tạo ra trong khoảng thời gian 20 triệu năm khi nước dần dần làm xói mòn đá sa thạch karst, tạo nên những hình dạng tuyệt đẹp mà chúng ta thấy ngày nay.
Các con đường trong công viên đưa du khách qua mê cung của các kênh hẹp, thung lũng biệt lập và các hang động hùng vĩ. Công viên quốc gia Purnululu cũng là nơi sinh sống của 130 loài chim, cũng như các loài động vật bản địa độc đáo.
Mặc dù nó đã tồn tại khoảng 350 triệu năm và được những người Úc bản địa trông coi trong hơn 40.000 năm, nhưng mãi đến năm 1983, khu vực này mới được công chúng biết đến sau khi những người tìm kiếm kho báu trên không tình cờ phát hiện ra khi đang làm một bộ phim tài liệu.
Với ý nghĩa độc đáo về địa chất và lịch sử của thổ dân, Purnululu đã được liệt kê là Khu vực Di sản Thế giới vào năm 2003.
UNESCO đã mô tả Bungle Bungles là "vô song về quy mô, mức độ, sự hùng vĩ và sự đa dạng về hình thức của chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới". Hình dạng tổ ong của địa điểm này hấp dẫn về mặt thị giác trong khi các vết sọc tự nhiên của chúng làm tăng thêm tính độc đáo mà không nơi nào khác trên hành tinh có được.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Cersei/VTC News