Những tổ mối khổng lồ tại Nhật Bản đang khiến khoa học phải bất ngờ vì lý do này
Mối thì ở đâu cũng có. Mối có mặt ở mọi nơi, từ nông thôn cho đến thành phố, và có lẽ bạn chẳng lạ gì chúng đâu.
Sự bất ngờ liên quan đến khả năng sinh sản của chúng. Đã bao giờ bạn thấy một tổ mối chỉ toàn mối cái chưa?
Nhưng dựa trên hiểu biết của bạn về loài mối, thì đã bao giờ bạn nghe thấy một tổ mối chỉ toàn là mối cái chưa? Hay nói ngắn gọn là không có bóng dáng một anh mối đực nào trong đó?
Nếu trả lời là có thì tôi đảm bảo là bạn đang... xạo, vì chỉ mới gần đây thôi, các nhà khoa học mới tìm thấy tổ mối đầu tiên chỉ gồm toàn mối cái.
Đó là những tổ mối khổng lồ tại Nhật Bản. Không có bóng dáng con đực nhưng chúng vẫn sống, vẫn tồn tại và phát triển rất mạnh.
Một tổ mối khổng lồ. (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, hầu hết các loài vật trên hành tinh này đều sinh sản thông qua quan hệ đực và cái. Dù vậy, cũng có một bộ phận các loài khác có thể sinh sản đơn tính, và có thể quan sát được trên các loài như cá mập, thằn lằn, rắn, động vật lưỡng cư (ếch) và một vài loài cá.
Dĩ nhiên, thế giới côn trùng cũng ngập tràn các loài vật có khả năng sinh sản vô tính. Tuy nhiên không phải loài nào cũng có khả năng đó. Như ong và kiến, dù chúng chỉ có một con chúa chuyên để sinh sản nhưng vẫn cần con đực để trợ giúp.
Mối cũng vậy, hay ít nhất là khoa học tưởng như vậy. Chúng cũng có mối chúa chịu trách nhiệm sinh sản ra phần lớn con dân của cả vương quốc. Nhưng chúng cũng có mối đực - hay còn gọi là mối vua. Một tổ mối sẽ có số lượng mối đực và mối cái khá cân bằng.
Tuy nhiên khi nghiên cứu loài mối Glyptotermes nakajimai tại Nhật, các chuyên gia từ ĐH Sydney nhận thấy một số tổ của chúng không có bóng dáng của mối đực. Chính xác hơn thì sau 1,5 năm nghiên cứu hơn 74 tổ mối trên khắp đất nước Nhật, có đến 60% là như vậy.
Khi quan sát đến quá trình sinh sản, các chuyên gia đã hiểu hơn về quy trình này. Thông thường khi giao phối, mối chúa trữ lại một lượng lớn tinh trùng của mối đực trong cơ thể. Nhưng với các t ổ mối "không mối đực" , túi đựng tinh này lại trống rỗng. Chúng đẻ ra những quả trứng không được thụ tinh - nghĩa là sẽ chỉ nở ra mối cái thôi.
"Phát hiện này cho thấy vai trò của mối đực trong xã hội của loài mối không thực sự rõ ràng" - trích lời nhà sinh học tiến hóa Nathan Lo từ ĐH Sydney.
Trên thực tế thì ngay cả ở những tổ có mối đực, những quả trứng không được thụ tinh cũng xuất hiện và nở với tần suất cực kỳ ổn định, chứng tỏ rằng các tổ mối không đực đều có chung một nguồn gốc. Ngoài ra, những tổ mối như vậy thường xuất hiện ở các vùng tách biệt hẻo lánh, như đảo Shikoku hoặc Kyushu.
Tìm hiểu sâu hơn về di truyền, nhóm nghiên cứu phát hiện ra sự phân tách giữa hai loại tổ này hóa ra đã xuất hiện từ... 14 triệu năm trước. Lo cho biết, việc chuyển hóa giữa 2 loại tổ giúp mối chiếm được ưu thế khi phải làm quen với một môi trường mới .
"Khi mọi thứ bình thường, thì nhóm sinh sản đơn tính sẽ sinh sản nhanh gấp đôi, vì chỉ cần mối cái là đủ" - Lo chia sẻ.
"Điều này cho phép tổ mối tăng trưởng nhanh hơn, dễ dàng giúp chúng xâm chiếm một môi trường mới".
Tuy nhiên, các tổ mối này đã tách biệt quá lâu, nên dường như chúng đang dần tiến hóa thành một loài mới. Theo các chuyên gia, sự khác biệt đã được thể hiện trong cấu trúc, khi mối trong tổ không đực có kích cỡ đầu khá tương đồng, và ít chiến binh hơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng vẫn là cùng một loại mối. Nhưng theo Lo, mọi chuyện có thể thay đổi trong tương lai gần.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Biology.