Những tỉnh, thành nào liên tục lọt top địa phương đắt đỏ nhất cả nước từ năm 2015 đến nay?

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 15:55:43

Từ năm 2015 - 2021, có 4 tỉnh, thành liên tiếp lọt top 10 địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước.


Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Hà Nội được chọn là gốc để so sánh giá của 62 tỉnh, thành còn lại.

Theo Niên giám thống kê 2021, top 10 tỉnh, thành có chi phí sinh hoạt đắt nhất cả nước vào năm 2015 gồm: Lai Châu (100.3%), Hà Nội (100%), Sơn La (99,27%), Lào Cai (99,02%), Điện Biên (98,85%), Điện Biên (98,85%), TP. HCM (97,39%), Hà Tĩnh (97,14%), Hà Giang (96,5%), Đà Nẵng (96,44%) và Bình Phước (96,12%).


So với năm 2015, bảng xếp hạng năm 2021 có nhiều sự thay đổi rõ rệt nhưng có 4 địa phương luôn nằm trong top 10 là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Lào Cai.

Vì Hà Nội được chọn là gốc để so sánh giá của 62 địa phương còn lại nên chỉ số SCOLI của thành phố luôn ở mức 100%. Trong đó, có 4 năm Hà Nội là địa phương đắt đỏ nhất cả nước (năm 2016 và từ năm 2019 - 2021), các năm 2015, 2017 và 2018, Hà Nội xếp thứ 2/63 về mức độ đắt đỏ.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2015, Đà Nẵng xếp thứ 9/63 với mức giá bằng 96,44% so với Hà Nội. Đến năm 2017, thành phố “nhảy vọt” lên vị trí thứ 3, tăng 6 bậc so với năm 2015 với chỉ số SCOLI bằng 96,68%. Năm 2021, mức giá sinh hoạt của Đà Nẵng bằng 96,4% so với Hà Nội và xếp thứ 4 trên cả nước về mức độ đắt đỏ.

Một số nhóm hàng của Đà Nẵng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: may mặc, mũ nón và giày dép bằng 89,07%, nhà ở và vật liệu xây dựng bằng 96,98%, bưu chính viễn thông bằng 90,08%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội, Đồ uống và thuốc lá bằng 105,14%, thuốc và dịch vụ y tế bằng 100,25%; giao thông bằng 103,12%, giáo dục bằng 106,16%.

Về mức giá sinh hoạt ở TP. HCM, thành phố có 2 năm (2017 và 2018) là địa phương đắt đỏ nhất cả nước. Năm 2021, chỉ số SCOLI của TP. HCM đạt 98,98% và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành.

Một số nhóm hàng của TP.HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 86,73%, văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,15%, thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,14%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Đồ uống và thuốc lá bằng 111,38%, bưu chính viễn thông 112,63%, hàng hóa và dịch vụ khác 110,61%, giáo dục 113,27% chủ yếu do học phí ở các trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội.

Bên cạnh 3 thành phố trực thuộc Trung ương liên tục lọt top địa phương đắt đỏ nhất cả nước còn có Lào Cai là tỉnh miền núi duy nhất.

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian chỉ ra chỉ số SCOLI các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La thường cao do nhiều hàng hóa không sản xuất tại vùng cao, đường xá đi lại khó khăn nên giá cước vận chuyển cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối phân tán đòi hỏi chi phí cao để duy trì hệ thống, cùng với chi phí dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã đẩy giá hàng hóa của vùng Trung du và miền núi phía Bắc lên cao hơn so với các vùng khác

Năm 2020, Lào Cai đứng thứ 5 về mức độ đắt đỏ trong tiêu dùng, bằng 96,52% so với Hà Nội. Lào Cai là tỉnh đắt nhất trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (rẻ nhất là Phú Thọ, bằng 91,07% so với Hà Nội, xếp hạng 56 toàn quốc). Đến năm 2021, chỉ số SCOLI của Lào Cai giảm xuống còn 94,75%, mức thấp nhất của địa phương kể từ năm 2015 đến nay. Với chỉ số này, Lào Cai xếp thứ 6 trên cả nước về mức độ đắt đỏ của chi phí sinh hoạt.

Đặc biệt, dù mức giá sinh hoạt khá cao, thu nhập của người dân ở Lào Cai lại không cao. Thu nhập bình quân của người dân tại địa phương này chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016 và xếp thứ 53 trên cả nước.

Chia sẻ Facebook