Những tín hiệu vui từ xuất khẩu hạt điều

Chia sẻ Facebook
16/05/2023 15:11:44

Theo thống kê, hạt điều nhân của Việt Nam đã có mặt ở 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm.

Xuất khẩu hạt điều đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021

Trong tháng 1/2023, xuất khẩu điều suy giảm mạnh cả về lượng và trị giá, nhưng từ tháng 2/2023 đến nay đã tăng trưởng nhanh trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023, xuất khẩu nhân điều đạt 34,3 nghìn tấn, trị giá 197,7 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với tháng 1/2023; và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 35,4% về lượng và tăng 31,2% về trị giá.

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt xấp xỉ 51,4 nghìn tấn, trị giá 305,48 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng 3/2023, so với tháng 4/2022 tăng 5,6% về lượng và tăng 5,2% về trị giá.


Thông tin trên Công Thương , tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 162,4 nghìn tấn, trị giá 952,5 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.944 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 0,3% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.865 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nổi bật trong tháng 4/2023, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực và tiềm năng giảm so với cùng kỳ năm 2022, ngoại trừ Trung Quốc, Ả rập Xê út, Nhật Bản.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Hoa Kỳ, Hà Lan, Úc, Ca-na-đa, Đức… giảm, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Anh, Ả rập Xê út, Nhật Bản tăng.

Lượng hạt điều xuất khẩu theo tháng giai đoạn 2021 – 2023 (ĐVT: nghìn tấn). Nguồn: Công Thương.

Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng


Theo số liệu trên Vietnamnet , thực tế diện tích điều ở nước ta có xu hướng giảm dần đều. Từ 440.000 ha năm 2007, đến niên vụ 2019-2020, diện tích điều trên cả nước chỉ còn 302.500 ha, sản lượng khoảng 339.800 tấn. Năm 2022, theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích điều cả nước duy trì ổn định 305.000ha. Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng điều thô (hạt khô) ước đạt 370.000 tấn.

Đáng nói, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, nhưng việc gia tăng nhập khẩu điều thô khiến nông dân trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết doanh nghiệp điều Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng dần tỷ trọng trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới. Cùng với đó, xây dựng được vùng nguyên liệu, bởi không có nguồn nguyên liệu ổn định, ngành hàng rất khó để phát triển bền vững.

Thời gian qua xuất khẩu điều có những tín hiệu tốt nhưng theo dự báo, năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng... Cùng với đó là vấn đề lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam; đặc biệt là tình trạng tồn kho nhân điều tại những thị trường này.


Theo Tài Chính & Doanh Nghiệp , trước đó tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Năm 2023, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu đạt mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Hiệp hội duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới. Trong đó xu hướng sản xuất và thương mại xanh, tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Ngành điều cần tiên phong trong việc xanh hóa và thực hành sản xuất xanh.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Tuy nhiên, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đều trong tình trạng sụt giảm sâu. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook