Những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản và dự báo thời điểm hồi phục

Chia sẻ Facebook
17/07/2023 14:40:30

Thị trường bất động sản thời gian qua đã xuất hiện những điểm sáng tích cực. Ngành bất động sản được dự báo có thể hồi phục từ giữa năm 2024.


Những gam màu tươi sáng


Theo Nhịp Sống Thị Trường , báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu đều cho thấy, thị trường bất động sản quý II tiếp tục đối mặt với khó khăn. Trầm lắng và ảm đạm vẫn là trạng thái chung mang tính phổ biến trên thị trường.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 400 dự án đang trong tình trạng "bất động" vì vướng các thủ tục pháp lý. Trong số đó, tại TPHCM có 156 dự án bị ách tắc kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Dù nhận định thị trường sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, so với 6 tháng cuối năm 2022 và quý I năm nay, quý II vừa qua đã có thêm nhiều sắc màu tươi sáng hơn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sau đợt sụt giảm mạnh gần 9 tháng qua, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản trên cả nước đã tăng nhẹ 1% trong quý II. Tại TP.HCM, nhu cầu giao dịch dần phục hồi tốt ở loại hình căn hộ và nhà riêng bán. Theo đó, lượt tìm kiếm căn hộ quận Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Quận 9 và Quận 10 tăng từ 5-9% tại các.

Còn ở thị trường Hà Nội, nhìn chung giao dịch căn hộ có phần hạ nhiệt nhưng vẫn ghi nhận lượt tìm mua cải thiện ở các quận Hoàng Mai, Nam Từ Niêm, Long Biên, Hà Đông với mức tăng từ 2- 6% so với quý trước. Đất nền tại khu vực Hoài Đức và Thanh Trì đã có tăng trưởng thấy rõ trở lại ở từ 4-6% cả nhu cầu mua và giá bán.


Một số thị trường tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang , Quảng Ninh, Thái Bình ở phía Bắc hay Long An, Bình Dương ở phía Nam đang dần phục hồi nhu cầu tìm kiếm nhà đất sau thời gian dài suy giảm.

"Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đang có những dấu hiệu ổn định. Lạm phát được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá dần ổn định từ giữa năm nay. Nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam vẫn còn rất tốt, thị trường vẫn có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam", ông Quốc Anh nêu và nhận định, những tín hiệu vĩ mô vẫn đang hướng đến sự phục hồi và "đảo chiều" cho thị trường bất động sản.

Ngành bất động sản có thể hồi phục từ giữa năm 2024. Ảnh minh họa

Đáng chú ý về chính sách "tháo gỡ" khó khăn cho thị trường bất động sản, được sự chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Nút thắt lãi suất chính là vấn đề được thị trường quan tâm. Nếu giảm được lãi suất huy động sẽ giảm được lãi suất cho vay, kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Đặc biệt, Chính phủ và nhiều tỉnh, thành như TP.HCM đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Những hành động thiết thực này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển bất động sản này trở về trạng thái hồi phục và phát triển.

Thực tế, những chính sách được đưa ra đều cần có thời gian thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Do đó, nhiều kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào hai quý cuối năm nay.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ nhằm vực dậy bất động sản đã khiến tâm lý của các thành phần trên thị trường khá tốt.

“Thời gian tới, thị trường sẽ có thêm điểm tích cực là lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, một số nhà đầu tư đã rút tiền gửi để đầu tư ra ngoài. Song, vẫn tồn tại tình trạng các nhà đầu còn chờ đợi. Tuy nhiên, không có thời điểm nào tuyệt vời hơn lúc này để các nhà đầu tư đi gom bất động sản. Một số nhóm đầu tư chuyên nghiệp đã bắt đầu xuống tiền săn bất động sản. Tôi cho rằng, trong quý III thị trường sẽ có sự phục hồi nhất định và sôi động vào quý cuối năm”, ông Quê nói.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng khi thanh khoản bật tăng là lúc chỉ số bất động sản quay đầu đi lên. Đến quý II, thanh khoản thị trường vẫn còn trầm lắng, cần quan sát thêm các diễn biến mới trong nửa cuối năm 2023.

Theo bà Trang Bùi, Chính phủ đã ban hành, cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy bất động sản. Bộ Xây dựng và tổ công tác của Thủ tướng đã giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan 121 dự án trên cả nước. Đồng thời, hạ tầng đang được đầu tư mạnh cũng là cú hích.

Về phía doanh nghiệp, hiện các chủ đầu tư ngày càng đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản. Lãi suất hiện đã được kiểm soát một phần. Bà Trang dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

CEO Cushman & Wakefield nhận định, những yếu tố trên sẽ dần tác động, giúp thị trường vượt qua mùa trầm lắng và phục hồi. Nhờ đó, nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu sẽ tham gia của vào bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 -2026. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng, bước vào chu kỳ tăng giá mới.


Ngành bất động sản có thể hồi phục từ giữa năm 2024


Theo báo điện tử Chính Phủ, theo Bộ Xây dựng, năm 2022 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.


Số liệu mới nhất từ Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương , Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, BritishVirginIslands và Nhật Bản.

Những con số trên khẳng định, thị trường Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 sẽ vần còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...

Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.

Dự báo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/ 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/ 5.601,31 tỷ USD).

Theo đó, dự báo từ 2023-2025, căn hộ chung cư sẽ là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất của thị trường bất động sản nhà ở (chiếm khoảng 90% nguồn cung nhà ở thương mại). Phân khúc nhà biệt thự, liền kề cao cấp dự kiến khó có sự đột phá trong ngắn hạn. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng, đặc biệt là các biệt thự ven biển sẽ tăng trưởng khả quan trong giai đoạn này…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, để cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành bất động sản trong nền kinh tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án Luật này đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và đang tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, 2 dự thảo này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023.

"Đây là 2 luật có ý nghĩa quan trọng và có tác động tích cực đến thị trường nhà ở, bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và bất động sản tại Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.


Đào Vũ (Tổng hợp)

Chia sẻ Facebook