Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ cuối: Giấy chứng nhận… 'đã bị cướp biển'
Nhận đủ tiền chuộc, bọn cướp biển Somalia dúi lại một tờ giấy viết tay bằng chữ Somalia, nội dung chứng nhận "tàu Hoàng Sơn Sun đã bị cướp và đã trả đủ tiền"...
Tên đàm phán thề có thánh là tàu sẽ không bị cướp lại nữa, nếu nhóm cướp Somalia nào vi phạm sẽ bị xử theo "luật của cướp biển".
Hàng triệu đô thả từ trên trời xuống biển
Đúng ngày thứ 242 kể từ khi bị cướp, chiếc máy bay một cánh quạt lượn quanh tàu Hoàng Sơn Sun 4 vòng. Thuyền viên đứng xếp hàng trên boong để máy bay chụp ảnh, riêng thuyền trưởng đứng ở hành lang buồng lái, hai họng súng AK kè kè bên cạnh giám sát.
Hết vòng bay thứ nhất, bọn cướp biển dồn tất cả thuyền viên vào buồng lái, nòng súng của một số tên cướp hướng vào thuyền viên, một số lia theo chiếc máy bay như sẵn sàng nhả đạn.
Người trên máy bay thả thùng tiền có gắn dù xuống biển gần mạn tàu. Thằng chủ tướng Sender, biệt danh "Rằn Ri", và hai tên phó lăm lăm AK đi xuồng ra vớt. Trong thùng có 4 bọc, 2 bọc lớn, 2 bọc nhỏ.
Thằng "Chột", gã cướp biển Somalia mù một mắt, cẩn thận cầm bút thử tiền kiểm tra rồi đút luôn một xấp chừng 10.000 USD vào túi. Sau khi đếm đủ tiền, chúng đưa vào phòng thuyền trưởng và gọi từng thằng xuống lấy phần. Thằng nào được chia nhiều, bước ra mặt mũi tươi tỉnh. Thằng được ít, ra ngoài la hét, đập phá bất cứ thứ gì chúng thấy ngứa mắt.
Bọn cướp biển chia tiền xong lúc 3 giờ chiều, phần còn lại chúng đưa xuống xuồng mang vào bờ. Đây là phần chúng phải nộp cho một ông trùm lớn hơn.
Lũ cướp lục tục rời tàu bằng xuồng. Riêng thằng chủ tướng và thằng "Ghẻ" rời tàu cuối cùng. Thằng "Rằn Ri" không nói được tiếng Anh, nó gọi thuyền trưởng ra bắt tay, trên người nó vẫn đeo đầy hộp đạn AK.
Lúc này đã tối, thằng "Ghẻ", tức Hakim, thừa lúc thằng "Rằn Ri" không để ý, dúi vào tay thuyền trưởng Đinh Tất Thắng một chiếc điện thoại hiệu Samsung. Chiếc điện thoại này nó vẫn gọi cho vợ con, trong tài khoản còn tiền. Thuyền trưởng Thắng cho rằng trong số 40 tên cướp thường xuyên ở trên tàu, chỉ có thằng "Ghẻ" đỡ hung hăng. Nó ít tuổi, nói tiếng Anh và có vẻ được tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Thuyền viên trên tàu chia nhau gọi điện về báo tin đã được thả. Tàu chạy được vài hải lý ra khỏi khu neo thì mất sóng. Những trạm tiếp sóng gần bờ như chỉ phục vụ cho những tên cướp biển.
Những ngày không đi cướp, chúng chẳng làm việc gì ngoài nhai lá kass, một loại lá gây nghiện và "nấu cháo" điện thoại. Tên nào dùng điện thoại lâu nhất cũng chỉ vài tuần. Chúng gọi xong là vấn điện thoại vào cạp váy, vài hôm lại rớt, hỏng. Nhà vệ sinh trên tàu bị tắc vì… điện thoại rớt xuống nhiều.
Tàu Hoàng Sơn Sun lết qua những con sóng về phía bắc, hướng đến cảng Salalah (Oman). Con tàu lúc này chỉ còn lại ít dầu, các máy liên lạc gần như hỏng hết và cả 24 thuyền viên chân sưng phù vì những ngày bị đày đọa. Những gì cướp bỏ lại là một núi rác, chủ yếu là lá kass đã bỏ đi, và vỏ đạn vương vãi khắp nơi, kể cả bỏ quên hơn chục quả đạn súng phóng lựu RPG7 và hàng loạt "vết thương" do bị đạn bắn khắp thân tàu.
Tờ giấy viết tay bọn cướp biển để lại bằng tiếng Somalia, tạm dịch là nhóm cướp "chứng nhận tàu Hoàng Sơn Sun đã bị cướp và đã trả đủ tiền". Chúng đảm bảo tàu sẽ không bị cướp lại nữa. Nếu nhóm cướp nào cướp lại tàu, chúng sẽ bị xử theo luật của cướp biển.
Thằng giữ vai trò đàm phán từng thề: "Lạy Thánh, chúng tao đảm bảo có tờ giấy này, tàu của bọn mày sẽ tự do đi qua vùng biển của Thánh. Đức Thánh sẽ trừng trị kẻ nào dám phạm luật và bọn ta sẽ thực thi mệnh lệnh của ngài".
Thuyền trưởng tàu Hoàng Sơn Sun chỉ lo con tàu không còn đủ sức chạy đến Oman. Tờ "giấy chứng nhận" của cướp không biết có hiệu lực đến đâu nhưng suốt hải trình không có tàu lạ nào lảng vảng gần tàu...
Dịch vụ đặc nhiệm chống cướp biển
Sau hàng loạt vụ cướp tàu kinh hoàng của bọn hải tặc Somalia như từng ra tay với tàu cá FV Naham 3, Hoàng Sơn Sun…, lực lượng hải quân nhiều nước đã đưa chiến hạm tuần tra vùng Sừng châu Phi nguy hiểm này.
Tuy nhiên, ngoài trông đợi sự bảo vệ của các tàu hải quân (mà có khi không thể kịp), nhiều chủ tàu đã chấp nhận chi tiền thuê dịch vụ đặc nhiệm bảo vệ. Họ có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị đủ hỏa lực mạnh và sẵn sàng bắn trả bất cứ nhóm cướp biển nào muốn tấn công tàu…
Phúc Minh – cậu thủy thủ trẻ mới bén duyên với biển cả - hào hứng chia sẻ kỷ niệm đi qua vùng biển Somalia gần đây. Cậu làm việc cho một con tàu viễn dương lớn. Chuyến hải hành 8 tháng giao hàng sang Ả Rập năm ngoái, tàu đi qua vùng biển Somalia.
Thuyền trưởng thông báo chuẩn bị đi vào vùng biển có cảnh báo của IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế), thủy thủ trên tàu giăng thép gai, gia cố hàng rào sắt và chuẩn bị vòi rồng. Cả con tàu kiên cố như một pháo đài.
Khoảng 9 giờ sáng, một chiếc xuồng cao su cập mạn từ một con tàu neo gần tàu của Minh. Ba người đàn ông lực lưỡng leo thang, chuyển đồ lên tàu. Họ mang AK, gắn cả kính ngắm đêm, rất nhiều đạn, lựu đạn, súng phóng lựu, kính nhìn đêm lên tàu.
Cả ba thuộc một nhóm cho thuê dịch vụ bảo vệ qua vùng biển nguy hiểm. Họ mặc giáp, giày chiến thuật, mũ chống đạn… trang bị đầy đủ như những thành viên lực lượng đặc nhiệm Minh vẫn xem trên phim ảnh.
Minh cho hay, trên tàu khi có thông báo từ phóng thanh hoặc bộ đàm có cướp biển tấn công thì mọi người phải trở về nơi ẩn nấp. Đó là những khoang nhỏ bí mật trên tàu. Bên trong đủ nước uống, lương khô để phòng sự cố. Việc chống lại cướp biển do ba người bảo vệ. Họ có đầy đủ vũ khí và được huấn luyện.
Tàu bật điện sáng trưng, cả tàu không ngủ chờ đợi. Những người bảo vệ khoác súng, liên tục dùng ống nhòm quan sát quanh tàu. Tiếng sóng vỗ quanh mạn, tiếng ầm ì của động cơ, tiếng gió biển và những tiếng "ting" của rađa khe khẽ, đều đặn. Chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ xuất hiện trong tầm quan sát là cả tàu báo động sẵn sàng.
Sau bốn ngày đêm, tàu ra khỏi vùng nguy hiểm, cả tàu thở phào nhẹ nhõm. Minh tranh thủ check-in với những người bảo vệ. Anh mượn cả súng ngắm thử để chụp ảnh.
Khi ánh mặt trời làm cho lòng biển xanh thẳm trở lại thì một con tàu xuất hiện. Lại một chiếc xuồng cao su cập mạn đón 3 người bảo vệ trở về tàu. Thủy thủ Minh "review" chuyến hải trình qua vùng biển Somalia thoải mái, bình yên khác hẳn những gì đàn anh trên tàu Hoàng Sơn Sun của cậu đã trải qua.
Trước khi bị hải tặc tấn công, tàu Hoàng Sơn Sun cũng từng được chào dịch vụ bảo vệ qua vùng biển Somalia, nhưng chủ tàu gặp khó khăn nên không mua và phải chịu hậu quả nặng nề hơn gấp nhiều lần số tiền nếu chi ra thuê đặc nhiệm hộ tống tàu…
Hải tặc né tàu có đặc nhiệm bảo vệ
Một cán bộ Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho hay những vùng biển có cảnh báo đều có các dịch vụ bảo an. Đây là những nhóm tổ chức vũ trang, nhận đưa tàu qua vùng nguy hiểm với giá rất cao. Họ thường có một nhóm chừng hơn 10 người, trang bị đầy đủ vũ khí, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ chiếc xuồng có biểu hiện đe dọa đến an ninh tàu hàng.
Dịch vụ bảo vệ tàu, chống cướp biển cũng đang nở rộ ở vùng biển Đông Nam Á, khu vực eo Malacca (giữa Malaysia và Ấn Độ Dương), vùng biển Indonesia hay quanh khu vực Philippines.
Hầu như tàu hàng thuê dịch vụ bảo vệ hiếm khi bị cướp biển tấn công. Bọn hải tặc thường tránh đối đầu, vì chúng ở thế yếu hơn, dễ ăn đạn khi từ tàu nhỏ tiếp cận tàu lớn có đặc nhiệm bảo vệ.
Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ 6: Tiền và máu Cướp biển cũng bị cướp tiền ngay trên biển, Số tiền để chuộc con tàu đã bất ngờ bị cướp ở sân bay.