Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ 5: Tiền chuộc mạng hay bị vất xác xuống biển?
Cướp biển bắt thuyền viên cởi hết quần áo, trói quặt tay ra phía sau nằm áp bụng trên boong tàu trong cái nắng nướng cháy da thịt. Bọn cướp biển Somalia đứng bên nổ súng như điên loạn.
Những cuộc mặc cả của tử thần
24 thuyền viên tàu Hoàng Sơn Sun hiện nay nhiều người đã nghỉ, nhiều người không đi biển nữa, nhưng vẫn có những người gắn bó với đại dương. Cựu thuyền trưởng Đinh Tất Thắng chuyển công tác sang một cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến an toàn hàng hải.
Bạn bè vẫn đùa vì anh có nhiều kinh nghiệm, còn anh chỉ mỉm cười vì đã vượt qua những ngón đòn tra tấn như thời Trung cổ của hải tặc Somalia.
Sau những email thông báo về tình trạng tàu bị bắt cóc, bọn cướp chưa vội đòi tiền chuộc ngay. Tên tướng cướp (chỉ huy nhóm) dẫn lên tàu thằng Jinh. Bọn cướp gọi hắn là Omak, còn thuyền viên gọi nó là Bã Trầu vì nó hay mặc chiếc áo có cầu vai màu bã trầu.
Gã oang oang thông báo bằng tiếng Anh là gã không phải cướp biển, mà gã được hợp đồng để làm "thuyết khách" đàm phán tiền chuộc với công ty của tàu.
Thế nhưng khi tên đầu sỏ rời tàu đi cướp, Bã Trầu toàn quyền chỉ huy lũ lâu la cướp biển trên tàu. Ngày thứ chín kể từ khi tàu bị bắt, Bã Trầu gọi thuyền trưởng vào phòng nói chuyện. Trong phòng còn hơn chục tên lăm lăm khẩu súng đen thùi lùi, miệng chóp chép nhai lá kasss – một loại lá giống lá sắn thuyền nhưng gây nghiện.
Chúng hỏi Công ty Hoàng Sơn là nhà nước hay tư nhân? Giá trị con tàu là bao nhiêu? Giá hàng trên tàu bao nhiêu? Và… xe tăng giấu ở hầm nào? "Tao được báo chúng mày chở xe tăng. Nó ở đâu?", Bã Trầu gằn giọng bằng tiếng Anh.
Bã Trầu bắt mở hết các hầm để chúng tìm xe tăng, không có chiếc nào, hắn hẹn đến chiều phải gửi email về cho công ty bằng tiếng Anh để chúng giám sát nội dung.
Lần ra giá đầu tiên, Bã Trầu đòi 7 triệu USD. Tiền mặt, đưa vào hòm cho máy bay thả xuống biển. Chúng giữ lại thuyền viên, thả tàu và các thuyền viên khi đếm đủ tiền. Khi nào thấy an toàn, chúng sẽ thả thuyền trưởng và cấp… "giấy chứng nhận đã bị cướp".
Lần đầu, phía Công ty Hoàng Sơn thỏa thuận 70.000 USD.
Bọn cướp biển nổi nóng, thái độ với thuyền viên bắt đầu thay đổi. Chúng quát nạt, xô ngã thuyền viên. Động cái là chúng nổ súng bắn dọa. Các nòng AK lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Chiếc cầu hàng dính đạn, gỉ sắt rơi lả tả. Trần khoang, vách tàu… đầy vết đạn loang lổ, vỏ đạn vương vãi khắp nơi.
Ngày thứ 68 trong tay cướp biển của các thuyền viên tàu Hoàng Sơn Sun là "ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời". 14 giờ, lúc mặt boong thép trên tàu bị cái nắng khủng khiếp của vùng Sừng châu Phi nung cho bỏng rát thì cướp biển dồn thuyền viên lên boong.
Chúng bắt cởi dép, chân trần, đứng thành hai hàng trên nắp hầm hàng bằng sắt. Bàn chân thuyền viên như giẫm lên than hồng. Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng và máy trưởng Bùi Thái Hùng bị bắt đứng lên trên.
Cướp lột quần áo, đè hai người xuống trói quặt tay chân ngược về phía sau. Cả tàu kinh hãi trước trò phơi nắng quá tàn độc của những tên hải tặc khát tiền. Máy trưởng lúc này đã 57 tuổi, anh đại phó Nguyễn Quyết Thắng xin cướp được trói thay.
Thuyền trưởng, đại phó nằm úp mặt xuống nắp hầm sắt, da thịt bỏng rát, rộp nước rồi vỡ ra. Bọn cướp đứng bên nổ súng AK như điên loạn mặc cho hai người quằn quại cháy khét lẹt da thịt.
Sau lần ấy, cướp biển vẫn cho thuyền viên gọi điện về nhà. Mục đích khủng bố để công ty tăng tiền chuộc. Lần đầu tiên đàm phán, thằng Bã Trầu ra giá 7 triệu USD, công ty trả 70.000 USD. Lần thứ hai đàm phán tăng lên 370.000 USD, đến lần thứ năm số tiền chuộc tăng lên 805.000 USD… Sau mỗi lần như vậy, bọn cướp lại lôi tính mạng thuyền viên ra mặc cả.
Lần thứ hai, thuyền trưởng bị gọi xuống phòng thằng Bã Trầu, nó nghi ngờ anh thông tin cho công ty để không tăng giá tiền chuộc. Lần này thằng Bã Trầu không cho phơi nắng mà trói quặt tay rồi dìm anh úp mặt vào bồn tắm, khi anh lật được người lên, bọn chúng lại đổ nước lên mặt.
Anh Thắng ngất đi, đến khi tỉnh lại thằng Bã Trầu nhúng dao găm vào bồn cầu đầy phân rồi cứa lên da thịt… "Có những chuyện tôi không dám nhắc lại…", anh Thắng rùng mình kể.
Ngày ấy, anh Thắng và các thuyền viên chỉ nói với bọn chúng là công ty đứng bên bờ vực phá sản, không còn tiền để trả. Công ty đã bán đất, bán tàu… vay nợ để có được tiền cho chúng. Nếu còn tăng nữa, công ty phá sản, bọn cướp cũng trắng tay.
Thằng Bã Trầu mấy lần gọi điện về Công ty Hoàng Sơn nhưng không ai nhấc máy. Nếu không đòi được tiền, thằng này sẽ bị tướng cướp xử. Số tiền nó được chia nhiều hay ít phụ thuộc vào số tiền chuộc tàu, chuộc người ra.
Sau trận đòn, bọn cướp trên tàu phát hiện tên Bã Trầu nói dối về số tiền chuộc thỏa thuận được. Chúng cãi nhau loạn xạ, bắn dọa nhau trong bếp. Thằng Bã Trầu sau đó bị thu súng, làm việc gì cũng có tên cướp khác cầm súng giám sát.
Những ngón đòn thời Trung cổ
Hai tuần sau thằng Bã Trầu hết thời hạn hợp đồng (chúng bảo như vậy). Cướp biển thay người đàm phán. Đến ngày thứ 227, bọn cướp bế tắc, công ty không thỏa hiệp. Nhiều lần chúng gọi điện không gặp được giám đốc. Thuyền viên kháo nhau để bọn chúng biết chuyện công ty phá sản, giám đốc ôm tiền trốn, thuyền viên bị nợ lương sáu tháng nay.
Tàu chiến xuất hiện gần nơi neo tàu, bọn cướp nghi ngờ cả thuyền viên và công ty đang kéo dài thời gian để hải quân đến cứu. Lũ cướp trên tàu gọi thuyền trưởng, đại phó và máy trưởng xuống boong tàu, chỗ gần thang mạn. Cả ba người lần này bị trói hai tay, hai chân treo lơ lửng "như cái khăn mùi xoa buộc dây vào bốn góc và kéo căng" - anh Thắng miêu tả.
"Chúng tôi bị treo như vậy, sức nặng của cơ thể dồn hết vào chỗ dây buộc cổ tay, bị treo như vậy không thể thở được. Đại phó và máy trưởng xin tha, với điều kiện gọi điện về nhà để giục công ty trả tiền".
Một tên quẳng lên boong một đống buloong rất lớn và nặng, lũ cướp trợn mắt dọa nếu không gọi điện về nhà đòi tiền, chúng sẽ treo đống buloong này vào đầu… "cậu nhỏ" ngay trong lúc đang treo tay họ lơ lửng ở mạn tàu.
"Khi ấy chúng tôi đã mất cảm giác, tôi cũng không thể tưởng tượng được khi chúng treo đống buloong nặng cả mấy ký lên sẽ thế nào…", Đinh Tất Thắng rùng mình.
Thuyền viên trên tàu gần như tuyệt vọng, vài người lo sẽ bị bắn, bị đưa lên sa mạc rồi cướp mang tàu đi làm tàu "mẹ". Cứ sau mỗi lần công ty trễ hẹn tiền chuộc, cướp biển bế tắc thỏa thuận là chúng lại lôi thuyền viên ra cho nếm đòn tra tấn.
Khi Công ty Hoàng Sơn của tàu chốt được số tiền chuộc 2,6 triệu USD, bọn cướp biển đồng ý. Nhưng nếu trả chậm theo từng đợt, hết dầu chạy máy hay tàu gặp sự cố là mỗi lần thuyền viên đối mặt với nguy hiểm và đòn roi tra tấn tàn bạo của bọn hải tặc Somalia.
"Tại sao bọn mày không theo đạo Hồi? Chúng tao bắt được tàu đi qua vùng của "Thánh" mà có người theo đạo Hồi là thả ngay. Ngoài ra, bọn tao còn cấp giấy để tàu không bao giờ bị cướp biển bắt. Đó là luật!".
Kỳ tới: Tiền và máu
Vùng biển Sừng châu Phi ở Ấn Độ Dương khu vực Đông Bắc Somalia trở thành sào huyệt cướp biển. Thời điểm chúng lộng hành, tàu thuyền bị cướp rồi được chuộc ra vào nhộn nhịp như bến cảng.