Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ 4: Vùng biển tử thần
Vùng biển Sừng châu Phi ở Ấn Độ Dương khu vực Đông Bắc Somalia trở thành sào huyệt cướp biển. Thời điểm chúng lộng hành, tàu thuyền bị cướp rồi được chuộc ra vào nhộn nhịp như bến cảng.
Bến tàu của hải tặc
Anh Đinh Tất Thắng, cựu thuyền trưởng tàu Hoàng Sơn Sun - con tàu đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ, đã ghi lại tỉ mỉ 242 ngày dưới họng súng cướp biển. Sau lần sinh - tử ấy, anh Thắng chuyển công tác. Nhưng hơn 10 năm trôi qua, anh vẫn không thể quên ký ức kinh hoàng bị cướp biển hành hạ.
"Chúng tôi không phải những người hùng, nhưng chúng tôi có khát vọng mãnh liệt trở về trọn vẹn và cuối cùng những cố gắng đã được đền đáp", anh Thắng mở đầu câu chuyện.
Chính xác lúc đó là 14 giờ 20 phút ngày 17-1-2011, tàu Hoàng Sơn Sun chở 400 tấn dầu FO và 90 tấn dầu DO. Vị trí tàu lúc này ở ngoài khơi biển Ả Rập. Bất ngờ 1 chiếc tàu cao tốc chở 7 người áp sát rồi đột nhập lên tàu. Chúng dùng súng AK khống chế thuyền viên, dồn tất cả lên buồng lái. Ngay sau đó, một tàu "mẹ" là tàu đánh cá to của cướp biển cập mạn. Cướp dàn quân khắp tàu rồi yêu cầu thuyền trưởng lái tàu chạy hướng tây nam về bờ biển Somalia.
Sau đó, chúng gọi điện về Công ty Hoàng Sơn (chủ tàu tại Thanh Hóa) thông báo tình trạng tàu bị cướp và sẽ thỏa thuận tiền chuộc. Hơn 30 tên cướp ở trên tàu. Chúng dồn thuyền viên vào buồng lái để canh giữ. Hằng ngày cho nhân viên bếp đi nấu nướng phục vụ và vẫn cho 1 thuyền viên ra câu cá kiếm thêm thức ăn, nhưng lúc nào cũng có vài tên ôm khẩu AK báng gấp kè kè bên cạnh.
Gần 2 tuần sau, ngày 28-1-2011, tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp đưa về neo ở vị trí mới cách bờ biển Somalia chỉ 3 hải lý. Tại khu vực này đã có 5 tàu neo trước đó, vài ngày sau có thêm 2 tàu nữa. Anh Thắng ghi lại cả số hiệu tàu. Những con tàu này chủ yếu là tàu hàng, tàu đánh cá cỡ lớn, có tàu trọng tải trên 100.000 tấn mang cờ nhiều nước khác nhau.
Tàu nào thỏa thuận xong tiền chuộc, cướp yêu cầu thả tiền từ máy bay xuống biển, đếm đủ sẽ thả tàu. Những tàu chưa thỏa thuận được tiền chuộc sẽ neo lại bờ biển. Nếu quá thời gian, chúng đưa thuyền viên lên bờ và dùng tàu cướp được làm tàu "mẹ".
"Tàu "mẹ" được chúng đưa về Somalia, tiếp nhiên liệu, nước uống, lương thực, vũ khí rồi đưa lên vài chục tên cướp, vài chiếc thuyền cao tốc... Chúng đưa tàu ra ngang tuyến hàng hải quốc tế thả trôi ở đó đón lõng các tàu khác. Tìm thấy "con mồi", chúng hạ xuồng cao tốc, tiếp cận và đột nhập lên tàu khống chế thuyền viên", anh Thắng giải thích.
Những ngày bị bắt giữ, thuyền trưởng Thắng đếm được 11 tàu neo quanh khu vực qua máy nhận dạng. Chúng neo tàu ở 3 khu chính, riêng khu tàu Hoàng Sơn Sun bị bắt giữ ở phía bắc có 4 chiếc. Xuôi theo bờ biển về phía nam 70 hải lý có 4 chiếc. Cách đó hơn chục hải lý có thêm 3 tàu nữa. Trong 3 tuần đầu tiên, chưa thấy tàu nào được chuộc ra.
Bọn cướp biển chiếm tàu Hoàng Sơn Sun làm bản doanh, chúng đưa lên tàu hơn 30 tên trang bị súng AK loại báng gấp, vài khẩu M16, trung liên RPK và cả súng phóng lựu RPG - 7 như đội quân chính quy...
Chúng dồn hết thuyền viên lên buồng lái. Những ngày đầu chưa đứa nào đánh thuyền viên, chỉ dọa. Họ đang ăn, chúng cũng xả cả băng AK ngay bên cạnh. Vui cũng bắn súng, cáu giận cũng bắn súng, nhiều khi đứng canh thuyền viên không có việc gì làm chúng cũng bắn súng cho... đỡ buồn.
Chúng bắt tàu chạy hết điểm này đến điểm kia quanh vùng biển Đông Bắc Somalia. Có đêm chạy quá xa lại cho tàu quay ngược lại. Hơn 1 tháng sau, cướp đưa về 1 tàu của Iran mới cướp được, buộc sau tàu Hoàng Sơn Sun. Chúng chuyển dầu, nước ngọt từ tàu Hoàng Sơn sang tàu Iran để làm tàu "mẹ" đi cướp. Khi ấy, dầu, nước của con tàu Việt Nam chỉ còn đủ dùng trong 2 tuần nữa. Ai cũng lo không đủ dầu chạy ra khỏi vùng biển hải tặc.
Thót tim chờ tin chiến hạm
Giữa trưa 20-2-2011, một tàu chiến rất lớn mang số hiệu F408 (Ý) chạy từ biển áp sát khu neo tàu Hoàng Sơn.
Bọn cướp trên tàu nhốn nháo, chuẩn bị súng đạn, nín thở chờ đợi. Chỉ huy tạm thời của lũ cướp trên tàu lúc ấy là thằng Jinh mà anh em thuyền viên hay gọi nó là Bã Trầu vì thường mặc chiếc áo có cầu vai màu bã trầu. Hắn nói ngày hôm qua, 1 tàu mới cướp được của bọn chúng bị 2 tàu chiến Mỹ tấn công sau khi không thỏa thuận được tiền chuộc. Nhiều khả năng con tin trên tàu đã bị chúng giết hoặc đưa đi. Cả toán cướp trên tàu mới cướp được bị chết.
Ngày ấy, hiệp định về chống cướp biển có vũ trang chỉ cho phép tấn công cướp biển khi chúng ở ngoài lãnh hải, chưa vào đến đường cơ sở. Đã hơn 1 tháng chưa thỏa thuận xong tiền chuộc, tàu chiến xuất hiện làm bọn cướp biển toát mồ hôi hột. Không chỉ mình tàu Hoàng Sơn Sun mà các nhóm cướp đang canh giữ trên cả 4 con tàu khu này đều vô cùng căng thẳng.
Những tên cướp vác trung liên đi đi lại lại ngoài hành lang, khẩu RPG - 7 lúc nào cũng hướng về phía tàu chiến. Tên vác súng da đen, mắt trắng dã vằn lên nhìn vào ống ngắm. Các thuyền viên bị dồn vào buồng lái, không được ra ngoài, không được xuống bếp nấu ăn. Tất cả nín thở chờ đợi, chỉ một sơ sẩy, căng thẳng trong đàm phán là con tàu có thể "ăn" đạn. Hoặc xấu hơn, thuyền viên có thể trở thành bia đỡ đạn cho bọn cướp.
Chiến hạm Ý áp sát, liên lạc với 1 tàu mang số hiệu của Yemen đang bị cướp khống chế qua máy VHF. Trên tàu đó có 24 thuyền viên đang bị bắt làm con tin, 1 thuyền viên mới chết vài hôm, 6 thuyền viên khác bị ốm.
Tàu chiến yêu cầu bọn cướp cho chụp ảnh toàn bộ thuyền viên trên boong và chuyển 6 thuyền viên đang bị ốm sang tàu chiến. Chúng không chịu, họ nói sẽ chuyển thuốc men xuống tàu, lũ cướp cũng từ chối.
Đến chiều, chiếc tàu chiến áp sát đến gần tàu Hoàng Sơn Sun, liên lạc qua máy VHF hỏi tàu Hoàng Sơn cần trợ giúp gì không nhưng bọn cướp trên tàu không trả lời.
Chiến hạm rời đi, thuyền viên thở phào vì không phải ra hành lang làm bia đỡ đạn nhưng cũng hụt hẫng.
Bọn cướp biển lại chạy con tàu của Iran buộc phía sau tàu Hoàng Sơn Sun để làm tàu "mẹ" đi cướp. Mấy ngày sau chúng mang về 1 tàu hàng lớn. "Hơn 2 tháng từ khi tàu chúng tôi bị cướp, bọn chúng cướp thêm được 5 tàu nữa. Chúng thả 1 tàu hàng và 1 tàu chở dầu khi đã đòi được tiền chuộc", anh Thắng kể.
Một hôm, chiếc máy bay một động cơ, cánh quạt ở mũi, bay rà rà qua khu neo tàu cướp biển. Hai chiếc thùng có gắn dù rơi xuống biển, bọn cướp chạy xuồng ra vớt. Nghe chúng nói đây là số tiền 4,5 triệu USD để chuộc tàu Jahan Moni. Tàu này đã bị bắt gần một năm trước, chủ tàu người Bangladesh. Đó là lần đầu tiên các thuyền viên chứng kiến "cuộc giao dịch" của hải tặc chẳng khác gì phim. Bọn cướp lên xuồng rời tàu, con tàu Jahan Moni nhổ neo chạy về hướng bắc. Thuyền viên tàu Hoàng Sơn nhìn theo, ước mơ đến ngày về của mình.
Người thuyền trưởng ngày ấy cũng là người duy nhất được chứng kiến mọi hoạt động của bọn cướp trên tàu. Từ nội dung các bức điện đàm, email cầu cứu, thỏa thuận tiền chuộc cho đến những chiếc hòm đựng đầy tiền thả từ máy bay xuống biển. Bọn cướp mang lên tàu đếm, chia nhau, bắn súng ăn mừng như điên loạn. Và tất nhiên, thuyền trưởng cũng là người nếm trải những trận tra tấn dã man nhất để cướp gây sức ép đòi tiền chuộc.
Con tàu xấu số
Tàu Hoàng Sơn Sun được xem là con tàu có số phận hẩm hiu nhất ngành hàng hải Việt Nam. Trước khi bị cướp biển Somalia bắt giữ, con tàu này bị đâm va ở vùng biển Singapore chịu thiệt hại lớn.
Sau khi tàu được giải cứu, sửa chữa, ông chủ Hoàng Sơn lại vướng vòng lao lý vì buôn lậu xăng dầu. Không lâu sau, tàu Hoàng Sơn Sun cũng bị tháo dỡ, bán sắt vụn.
Kỳ tới: Bị hất xác xuống biển hay tiền chuộc mạng
Cướp biển bắt thuyền viên cởi hết quần áo, trói quặt tay ra sau, rồi nằm áp bụng trên boong tàu trong cái nắng châu Phi nướng cháy da thịt. Những nòng AK vãi đạn như điên loạn.
Họ đã sống và vượt qua chuỗi ngày đói khát, sinh tử ra sao?