Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ 3: Phải sống
Họ đã sống và vượt qua chuỗi ngày đói khát, sinh tử ra sao?
"Nhiều loại lá đắng vẫn ăn được, nhưng có loại lá đắng đến nghẹt cả họng. Có nồi canh là vài chiếc lá và mảnh vỏ cây đắng đến như tắc cổ ở sa mạc là quý lắm!", Nguyễn Văn Hạ, một trong ba thuyền viên Việt Nam trên tàu cá FV Naham 3, bị hải tặc Somalia bắt giữ kể lại những ngày cố vượt qua cơn đói sinh - tử trong sào huyệt cướp biển.
Không chịu làm ma đói sa mạc
Điều đặc biệt là cả thuyền viên lẫn... những tên cướp biển đang cầm súng canh gác họ đều quay quắt với những cơn đói trên hoang mạc Somalia. Họ bỏ tất cả mọi thứ có thể nhai được vào miệng để có thêm chút sức sống qua ngày.
Anh Nguyễn Văn Hạ rùng mình, nhăn mặt nhớ lại những "nồi canh" bằng thứ lá ở hoang mạc đắng như có ai bóp cổ người ăn. Mỗi lần chuyển chỗ ở, cướp chỉ cho mỗi nhóm vào một gốc cây to. Họ đến dọn cây bụi, gai góc, đá sỏi ra xung quanh và xếp đống thành bờ rào. Cướp biển cầm súng canh bên ngoài, thuyền viên căng bạt ở bên trong.
"Chúng tôi ở trong đấy như cái "rặc vịt" (chuồng quây vịt ngoài đồng - PV). Thỉnh thoảng cướp biển chia cho ít thức ăn, chủ yếu là gạo hoặc bột mì, không có rau. Lâu lắm mới có chút muối và nước uống. Cả "đàn" bên trong sống chung với rắn rết, bọ cạp", anh Hạ miêu tả.
Nửa đêm, đang thiêm thiếp ngủ với cái bụng lép kẹp, anh Nguyễn Văn Xuân hét lên đau đớn. Tên cướp gác bên ngoài lập cập chạy vào, chĩa súng quát tháo ầm ĩ. Anh Xuân nhăn nhó trong tấm bạt, một con bọ cạp to như ngón tay cái cong đuôi chích vào chân thuyền viên đang đói lả. Bị phát hiện, nó giương hai chiếc càng lên thách thức. Anh Xuân nén đau vồ luôn đối thủ, vặt nghéo cái đuôi bỏ vào miệng nhai rôm rốp, mặc cho vết cắn rần rật nhức.
"Ngày nào cũng có người bị bọ cạp cắn, có người bị cả ba "miếng" với rắn, rết, chuột bò lổm ngổm trong lều cắn trúng. Mới đầu hãi, nhưng rồi cũng quen", anh Xuân kể.
Thức ăn được chia trên sa mạc chỉ có gạo, ít bột mì đã cán như cái bánh đa. Không có nước để nấu, họ chỉ nướng qua rồi ăn. Các nạn nhân của bọn cướp biển sống trong cái "rặc vịt" ấy đi không vững, da vàng bủng, xám xịt, mắt lồi ra vì đói, vì thiếu chất.
"Thà ăn no rồi chết còn hơn làm ma đói trên sa mạc", ba thuyền viên người Việt bảo nhau. Họ bỏ vào vỏ lon đồ hộp để nấu bất cứ thứ gì động đậy được làm thức ăn. Bọ cạp, rắn, rết, chuột... "Rết ở sa mạc to như ngón tay, Xuân với Phương hắn bạo lắm! Hơ qua lửa, vặt cái đầu, rút ruột là xơi ngay", anh Hạ kể.
Anh Xuân là người miền biển, trước đây chỉ biết đến cá tôm. Ở quê, mỗi lần nhìn thấy con rết bò qua ở đám cây mục trong góc vườn là tay chân anh nổi hạt như da gà. Thế nhưng giữa cơn đói lả và ước mơ có một ngày được trở về, anh ăn được bất cứ thứ gì miễn sao cái tay đỡ run, cái chân không còn ngồi lê lết như những thuyền viên ở "rặc vịt" bên cạnh.
Quanh chỗ ở là những cây bụi lúp xúp chưa biết tên. Cướp vẫn cho thuyền viên đi quanh nhặt củi. Chúng cũng chẳng thèm đi theo vì có thả cũng không ai thoát khỏi sa mạc mênh mông này.
Anh Hạ thử nhai những thứ cây quanh "rặc" để tìm rau. "Nồi canh" để cải thiện tình trạng thiếu rau của thuyền viên người Việt là cái vỏ lon, một chút nước, một chút muối và vài thứ lá cây hay vỏ cây mọc dại.
"Cây nào đắng tức là ăn được, có những cây vừa chua vừa ngứa. Nhai thử sưng hết mồm miệng - anh kể - Có những nồi canh chỉ vài cái lá, một lon nước, bỏ vô nhúm muối nữa. Nó đắng đến nghẹt cả họng, nuốt canh mà như nuốt một nắm thuốc lào đang cháy vào cổ họng. Tưởng không nuốt nổi mà vẫn cố phải nuốt".
Bọn cướp biển cũng không cho thuyền viên thoải mái săn bắt kiếm miếng ăn. Ba người Việt Nam dỡ từng sợi vải từ bao bột mì, bao gạo ra, bện thành sợi, đang thành võng, đan lưới bẫy chim. Hôm nào gặp tên cướp canh dễ tính thì nhóm thuyền viên thì thụp nướng chim, vồ chuột bỏ vào đống lửa để "cải thiện". Còn những tên khó tính, trợn mắt, thúc họng súng vào sườn thuyền viên, bắt mang chim đi vứt.
"Chúng nó là chủ nhà, được ăn nhiều hơn, được uống nước nhiều hơn nhưng cũng đói vàng mắt - anh Xuân nói - Hắn yếu hơn người mình, tay chân khều khào như cái gọng vó, đi không vững, suốt ngày ôm súng ngồi dựa vào bờ rào".
Những tên da đen trũi, mắt trắng dã, nhưng cũng run rẩy vì đói. Vài ngày chúng mới được tiếp tế lương thực nhưng rất ít. Anh Hạ, anh Xuân không nhớ hết bao nhiêu tên cướp lần lượt đến "chòi canh vịt" ở sa mạc, chỉ nhớ nhất tên cao lêu nghêu, cẳng tay dài như ống giang cháy dở nhưng lại đeo khẩu AK cưa báng ngắn ngủn. Tên này thấy nhóm thuyền viên đói khát vồ được con chuột, hắn lờ đi như không nhìn thấy để cả nhóm thì thụp đốt lửa.
"Phải ăn vì đói quá! Đói đến mức không thể tưởng tượng được! Từ khi con tàu bị hư, tức là không còn được chuộc về nữa chúng tôi không còn hy vọng được về nhà. Chúng tôi chỉ nghĩ được một điều là phải sống được ngày nào hay ngày đó", anh Xuân kể.
Nấm mồ trên sa mạc
Một ngày, anh Hạ nhặt được mảnh sắt, dùng đá mài cho sắc rồi tỉ mẩn khắc những con voi, con ngựa bằng các mảnh gỗ trên sa mạc. Hết voi, ngựa, gấu, anh lại khắc những miếng gỗ như cái thẻ bài của Trung Quốc. Những tên cướp cứ tròn mắt ra ngắm nghía. Chúng thích thú, chơi với món đồ cả ngày như đứa trẻ chơi trò bày cỗ. Chúng đổi cho anh Hạ khi thì nắm muối, khi thì cái bánh nhỏ xíu, can nước, thi thoảng được nửa hộp thịt đang ăn dở. Công việc "điêu khắc" đổi lương thực của cướp biển giúp nhóm lâu lâu được bữa "tươi tươi", dù chỉ là mẩu nhỏ vì bọn cướp cũng đói.
Còn nhóm thuyền viên ở "rặc vịt" bên cạnh không may mắn như vậy. Anh Hạ không thể quên gương mặt của anh bạn Albi, người Indonesia, lúc lê lết sang nằm dưới võng của anh tránh nắng. Những ngày ấy nắng khủng khiếp, mặt đất bỏng rát, khét lẹt, không ai dám bước chân ra cát. Anh Hạ có chiếc võng đan bằng sợi bao bột mì bện lại, mắc giữa hai gốc cây trong lều. Khi anh Hạ đi lấy củi, đi kiếm vỏ cây về làm "canh" thì Albi leo lên võng nằm.
Đến một ngày, anh Hạ tỉnh dậy thì Albi đã cứng đờ. Hai tay co quắp trên ngực. Cả nhóm đào huyệt chôn cất Albi theo nghi lễ Hồi giáo. Cướp biển cũng đứng canh, cầu nguyện theo cách của họ. Huyệt mộ đào vuông xuống nền đất lẫn cát đá chừng một cánh tay thì khoét hẹp lại. Họ phải đặt Albi nằm nghiêng, trên người chỉ có bộ quần áo cũ, tả tơi.
"Đói khổ không biết đâu cho hết đói khổ! - anh Hạ chùng giọng - Hắn mất mà chúng tôi không còn một giọt nước để tắm rửa cho hắn". Người bạn không may mắn phải vùi thân ở sa mạc khiến những người còn lại cố phải sống...
Nước mắt ngày trở về
Cho đến một ngày một tên cướp biển được cử đến thông báo bằng tiếng Trung, nhóm thuyền viên sẽ được về. Cướp biển đã thỏa thuận được tiền chuộc. Vài hôm sau lại có máy bay Liên Hiệp Quốc đến chụp ảnh, nhưng lần này chúng không bắt thuyền viên đi trốn nữa, mà đứng xếp hàng ra ngoài cho máy bay chụp ảnh như khẳng định nạn nhân cướp biển vẫn còn sống.
Các thuyền viên còn lại khóc hết những giọt nước mắt cuối cùng vì vui sướng. Ngày về, ba thuyền viên người Việt dìu nhau khập khiễng bước qua đám cát mịt mù lên xe. Quần áo tả tơi, xám ngoét như mảnh bạt che nắng cho họ suốt mấy năm trời...
Vùng biển Sừng châu Phi ở Ấn Độ Dương khu vực Đông Bắc Somalia là sào huyệt cướp biển. Thời điểm chúng lộng hành, tàu thuyền bị cướp rồi được chuộc ra vào "nhộn nhịp như bến cảng".
Kỳ tới: Vùng biển tử thần
Hơn một năm bị giam giữ trên tàu FV Naham 3, đến khi hết lương thực, không thỏa thuận được tiền chuộc, 3 thuyền viên Việt Nam và bạn bè các nước bị đám cướp biển Somalia gí súng đưa lên bờ.