Những thủy thủ Việt trong hang ổ hải tặc - Kỳ 2: Dưới nòng súng AK cướp biển

Chia sẻ Facebook
04/05/2022 20:21:26

Hơn một năm bị giam giữ trên tàu FV Naham 3, đến khi hết lương thực, không thỏa thuận được tiền chuộc, 3 thuyền viên Việt Nam và bạn bè các nước bị đám cướp biển Somalia gí súng đưa lên bờ.

Anh Nguyễn Văn Xuân và đồng xu hẹn ước “sang thế giới bên kia tìm thấy nhau” của 3 thủy thủ Việt Nam được giải cứu khỏi sào huyệt cướp biển Somalia - Ảnh: VŨ TUẤN


Họ phải sống ba năm dưới một mảnh bạt che nắng giữa sa mạc, bên cạnh những tên cướp biển mắt trắng dã và lúc nào cũng lăm lăm khẩu AK sẵn sàng nhả đạn.


Tôi không thể quên được một ngày nào dưới họng súng cướp biển! Tôi cũng không thể hiểu được tại sao chúng tôi sống được để trở về. Lúc đó chỉ nghĩ cố qua được cái nắng, qua được cơn đói, cơn khát thôi. Nhớ vợ, nhớ con nhưng không dám nghĩ sẽ có ngày trở về.

Anh Nguyễn Văn Hạ


Đồng xu hẹn ước sang thế giới bên kia

Nguyễn Văn Xuân, xã Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ ngày thoát khỏi bàn tay cướp biển vẫn tiếp tục theo nghề biển. Anh không còn sức khỏe để làm "bạn thuyền" theo các tàu cá như người dân trong làng.

Anh được bạn bè sắp xếp cho một công việc nhẹ nhàng trên tàu ở Đà Nẵng. Vài tuần hoặc một tháng, khi hết "lèo" (thời gian đánh bắt một chuyến đi) hoặc biển động, không đi biển được, anh lại bắt xe khách về thăm nhà.

Chiếc ví da đã rách tơi tả được anh Xuân giữ kỹ trong tủ. Bên trong có vài đồng nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), vài mẩu giấy ghi số điện thoại, một đồng 100 siling (tiền Kenya) đã cũ.

Đó chính là chiếc ví và tiền Kenya mà anh Xuân và các nạn nhân được phát trong những ngày được đón từ Somalia về Kenya phục hồi sức khỏe trước khi về nước.

Ngày được chiếc xe 24 chỗ dán chữ "UN" (Liên Hiệp Quốc - PV) đón về Kenya, họ phải ngồi hành trình suốt một ngày rưỡi nhưng không ai thấy mệt mỏi. Chỉ khi ra sân bay, gặp lại người đã từng bị nhốt cùng nhau, họ mới ôm nhau, bật khóc.

Anh Xuân lục lại chiếc ví đã rách tơi tả, bên trong có một đồng siling. "Mỗi người chúng tôi giữ một đồng siling, sau này sang thế giới bên kia phải mang theo đồng xu này để nhận ra nhau", người đàn ông mắt ngân ngấn lệ.

"Từ ngày về, tôi không còn sức nữa, không kéo lưới được. Trí nhớ cũng không tốt, hay quên", anh Xuân chia sẻ. Ngôi nhà của anh Xuân được xây từ ngày anh trở về bằng những đồng tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Đã 6 năm, ngôi nhà trống hoác, chưa một lần có mùi sơn.

Trong ba đứa con, đứa lớn phải nghỉ học vì sức khỏe yếu. Vợ anh, chị Quỳnh, vẫn đi làm cho một quán ăn gần nhà. Công việc chị làm để có thêm chi phí kêu cứu khắp nơi trong suốt những ngày anh Xuân còn bị hải tặc Somalia bắt giữ.

"Hôm anh ấy về, đứa con cả nói thầm với tôi không biết ông ni phải bố không? Sao đầu bị trọc mà râu lại dài thế? Tôi nói anh ấy cạo râu rồi mới được bế con", chị Quỳnh kể.

Cả ba người trở về ngày ấy là anh Xuân, anh Hạ, anh Phương đều đen nhẻm, gầy rộc vì nắng gió sa mạc và thiếu ăn. Anh Phan Xuân Phương ở Nghệ An sút cả 12kg so với ngày mới lên tàu cá. Anh Xuân cũng hốc hác, đầu phải cạo trọc, râu ai cũng dài, trông như thổ phỉ đói ăn.

"Đại sứ quán và công ty (đơn vị xuất khẩu lao động Việt Nam) vẫn gửi gạo, thịt hộp, cá hộp sang cho chúng tôi nhưng cướp biển ăn hết. Chúng nó cũng đói lắm! Chúng tôi chỉ được nhận bột mì với ít gạo. Bột mì làm thành bánh như bánh đa, mỗi tuần được một bữa cơm nấu lõng bõng nước như cháo", anh Xuân kể.

Anh Xuân nhớ những ngày kinh hoàng trong tay cướp biển Somalia. Khi tàu cá FV Naham 3 đang đánh bắt ở vùng biển Ấn Độ Dương, gần Yemen, thì có một tàu cá khác đến gần.

Tàu Naham mất cảnh giác, đến rạng sáng ngày thứ 3, khi các thuyền viên đang ngủ thì giật mình bởi tiếng súng. Tỉnh dậy thì cướp biển đã lố nhố trên tàu. Chúng dùng súng AK bắn như vãi đạn để dọa, rồi nhốt hết thuyền viên ở một tầng và bắt thuyền trưởng lái tàu về Somalia.

Ngày thứ 2, chúng xích thuyền viên, dọa bắn, rồi đưa điện thoại cho họ gọi điện về nhà. Nội dung cuộc gọi được người phiên dịch của bọn cướp biển nói cho thuyền viên. Chúng chỉ cho nói vài câu rồi giật điện thoại.


"Đến ngày thứ 3, tôi được nghe điện thoại của đại sứ quán gọi đến. Họ nói đã nắm được thông tin, nhớ giữ gìn sức khỏe, sẽ được chuộc ra", anh Xuân kể. Vài ngày sau thì thuyền trưởng bất ngờ bị bắn, khi ông chạy lên buồng lái nghe điện đàm khiến tên cướp giật mình nổ súng.

Tàu còn lại 28 người, ngoài 3 người Việt Nam còn có thuyền viên người Trung Quốc, Philippines, Indonesia... Lương thực, nước uống, tôm cá đánh bắt được trên tàu thành đồ ăn của bọn cướp.

Trong 9 tháng, chúng còn đưa nhiều nạn nhân khác lên tàu nhốt chung. Ai được trả tiền chuộc thì chúng trả trước. 28 thuyền viên của tàu FV Naham 3 suốt cả năm không đàm phán xong tiền chuộc, thức ăn hết, dầu chạy máy hết, bọn cướp đưa tất cả lên bờ.

Các thuyền viên trên tàu FV Naham 3 bị cướp biển Somalia bắt, 3 người Việt Nam gồm số 1 là anh Nguyễn Văn Hạ, số 2 Phan Xuân Phương, số 6 Nguyễn Văn Xuân - Ảnh tư liệu


Những ngày chờ chết

Phan Xuân Phương nhớ bị nhốt trên đảo, còn Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hạ nghĩ mình bị đưa ra sa mạc. "Ở đó nóng lắm, nóng hơn gió Lào - anh Xuân kể - Mỗi nhóm chúng tôi được hai cái bạt. Một cái căng lên che nắng, một cái rải dưới cát để nằm".

Mỗi nhóm có 4, 5 tên cướp cầm súng canh giữ. Tuy nhiên, giữa sa mạc toàn nắng, cát, đá và cây bụi, chúng có thả cũng chẳng biết đi hướng nào, có đi cũng chết gục vì đói khát. Thức ăn được đại sứ quán và Liên Hiệp Quốc tiếp tế, bọn cướp chia nhau hết. Chúng chỉ chia cho các thuyền viên bột mì và ít gạo.

Nhiều hôm đói quá, nhóm anh Phương xin cướp biển cho đi bắt chuột, rắn để ăn. "Thằng dễ tính thì nó ngoảnh đi, vờ như không nhìn thấy để mình đi bắt, còn thằng khó tính nó thọc nòng súng vào sườn đau điếng!", anh Xuân xoa xoa tay vào mạng sườn nhớ lại.

Thỉnh thoảng trực thăng của Liên Hiệp Quốc bay vòng vòng trên đầu chụp ảnh, cướp nhốn nháo dồn thuyền viên trốn vào các lùm cây. Thằng nào mắt cũng trắng dã, lăm lăm ngón tay cò súng.

Mỗi lần như vậy, chúng lại dồn thuyền viên đến một địa điểm khác để phòng trường hợp bị lính đặc nhiệm đường không tấn công giải cứu con tin. Thế là bọn cướp biển lại bắt họ phải căng bạt, làm lều. Mảnh nào lành thì căng lên trên che nắng, mảnh rách trải xuống cát để nằm.

Phan Xuân Phương trẻ nhất nhóm. Chàng thanh niên gầy rộc, môi tím tái, da chân da tay tróc ra loang lổ như da rắn vì thiếu chất, cháy nắng.

Cả anh Hạ, anh Xuân và anh Phương không nhớ chính xác ở trên sa mạc bao lâu. Ngày thì nắng cháy da cháy thịt, đêm lạnh thấu xương. Can nước cướp biển mang từ tàu lên chỉ đủ uống trong vài ngày, cả nhóm cũng chỉ "tắm khan".

Trong những giấc mơ về vợ con mỗi đêm, 3 thủy thủ Việt Nam có cả những cơn ác mộng khoảnh khắc rũ người chết khát, chết đói trên cát cháy. Bạn bè đã chết vì kiệt sức, ngày nào sẽ đến lượt họ?


Bất lực nhìn bạn chết

Cả anh Xuân, anh Hạ và anh Phương đều không nghĩ sống thêm được trên sa mạc ấy suốt 3 năm trời.

Thỉnh thoảng họ được cướp đưa điện thoại cho nghe, người đại diện của đại sứ quán động viên nói đang đàm phán và sẽ cứu các anh về. Hai thuyền viên người Philippines đã chết trên sa mạc vì kiệt sức. Anh em thương bạn tàu nhưng bất lực, không thể làm gì.

Rất nhớ vợ con và cha mẹ, những thuyền viên Việt Nam hơn 1.000 ngày bị giam giữ trên cát cháy Somalia chỉ nghĩ cố gắng phải sống, phải sống được thêm ngày nào hay ngày đó, chứ chưa dám nghĩ đến ngày trở về.


>> Kỳ tới: Phải sống

'Giữ bí mật để dễ đàm phán', im lặng vì sợ, kể cả ám ảnh mơ hồ bị trả thù... Đó là lý do 10 năm sau khi con tàu đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ, đến nay nhiều tài liệu vẫn chưa được công bố.

Chia sẻ Facebook