Những THÓI QUEN xấu của cha mẹ tưởng vô hại nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng: Khiến con tự ti, sống không có phép tắc

Chia sẻ Facebook
26/07/2022 00:25:12

Cha mẹ đang có những thói quen không tốt này nên thay đổi sớm để không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 60% trí thông minh của một người phụ thuộc vào yếu tố di truyền, 40% còn lại chịu sự ảnh hưởng của môi trường. Tính di truyền của trí thông minh bao gồm cả chỉ số IQ và EQ.

Trong đó, tính cách, tính khí và khả năng đối phó với các tình huống trong cuộc sống được gọi là thương số cảm xúc. Trẻ không chỉ giống cha mẹ về ngoại hình mà còn có cả sự tương đồng về tính cách.

Trẻ bắt chước rất nhanh và chịu ảnh hưởng nhiều từ người lớn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt, đặc biệt là những thói quen xấu để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số thói quen xấu mà cha mẹ thường mắc phải, hãy điều chỉnh ngay để tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ.

1. Bắt con học từ sớm

Để con không bị thua ngay từ vạch xuất phát, một số phụ huynh đã dạy sớm cho con những kiến thức khó. Một số người lại đặt mục tiêu học tập quá cao để con tránh sinh ra tự mãn. Tuy nhiên, điều này thật sự gây khó khăn nhất định cho trẻ. Bởi khi trẻ đã cố gắng hết sức mà không đạt được kết quả như mong muốn sẽ khiến trẻ nản lòng, nhụt chí, không còn muốn tiếp tục cố gắng. Dần dần trẻ sẽ cảm thấy thiếu tự tin.

Nếu trong cuộc đời, trẻ hiếm khi có được cảm giác "chiến thắng" thì rất có thể trở thành một đứa trẻ vụng về, yếu kém, luôn lo âu trước mọi vấn đề.

Bắt con học sớm sẽ khiến trẻ cảm áp lực. (Ảnh minh họa)

2. Cha mẹ có thói quen thức khuya

Nhiều cha mẹ thường bắt con đi ngủ sớm nhưng bản thân lại có thói quen thức thâu đêm để xem ti vi. Để tránh con cái quấy rầy, họ có thể đưa cho con điện thoại di động hoặc để con xem ti vi cùng.

Trẻ thiếu ngủ do thức khuya sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như: Giảm khả năng miễn dịch, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa cơ thể, dễ tăng cân,… Không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trẻ sẽ thay đổi cảm xúc, hành vi theo chiều hướng tiêu cực. Thức khuya là vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý con người.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Những người thường xuyên thức khuya, người không ngủ đủ giấc sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm tế bào não. Do vậy, dù là người thông minh đến đâu cũng dần trở nên kém minh mẫn, giảm trí nhớ nếu như thức khuya nhiều.

Cha mẹ có thức khuya có thể khiến trẻ bắt chước thói quen xấu. (Ảnh minh họa)

3. Cha mẹ dùng lời nói bạo lực, đòn roi để dạy con

Một số cha mẹ thường xuyên to tiếng mắng con, thậm chí là dùng vũ lực bất cứ khi nào con làm sai. Trẻ rất sợ khi nhìn thấy cha mẹ giận dữ, thường chỉ biết im lặng trước những cơn thịnh nộ của cha mẹ. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành tính cách hướng nội, ngại giao tiếp, sống khép mình.

Cha mẹ dùng phương pháp đánh mắng không thể giải quyết căn bản vấn đề của con cái. Và đánh đập, mắng mỏ sẽ chỉ gây ra tổn hại lớn về mặt thể chất và tinh thần cho con. Trẻ bị đánh mắng rất dễ rơi vào trầm cảm, lo lắng, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề thần kinh.

Dùng đòn roi để dạy con là một điều cấm kỵ mà cha mẹ cần lưu ý. (Ảnh minh họa)

4. Hay nói tục

Nhiều cha mẹ có thói quen nói tục trong mọi trường hợp. Mỗi khi phát ngôn, họ sẽ đính kèm vài từ hoặc câu nói tục một cách vô tư. Cứ ngỡ rằng điều này sẽ không ảnh hưởng tới trẻ nhưng thực chất là có.

Cha mẹ thường xuyên nói tục hoặc nói ra những điều bất lịch sự trước mặt con sẽ khiến trẻ hiểu rằng, nói như vậy là chẳng có gì sai trái. Ban đầu, ở những tình huống cụ thể, con sẽ phát ngôn một cách vô thức dù chưa hiểu nghĩa của từ đó. Nhưng càng về sau, trẻ sẽ dần biến nó thành thói quen và tự cho phép mình được nói như vậy. Về lâu dài, con sẽ khó mà thay đổi thói quen này, dùng nó để giao tiếp với người thân, bạn bè ngoài xã hội.

Vì vậy, cha mẹ cần sửa cách nói chuyện, đặc biệt khi có trẻ ở gần đó thì tuyệt đối không nên chửi tục, nói bậy. Trong giáo dục con cái, lời nói và hành động phải đi đôi với nhau, không thể yêu cầu trẻ không được nói tục trong khi chính cha mẹ trẻ lại đang làm điều đó.

5. Không tuân thủ luật lệ giao thông

Nhiều cha mẹ thấy không có ai đang đi hoặc chỉ còn vài giây thường có xu hướng lao thẳng qua đèn giao thông. Việc này không chỉ đe dọa đến sự an toàn của bản thân và người khác mà còn khiến trẻ không chấp hành luật lệ giao thông. Trẻ em không có ý thức an toàn và tự bảo vệ bản thân thì dễ gặp nguy hiểm dù đi chơi hay ở nhà.

Cha mẹ lưu ý, hãy luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Hãy cố gắng nói với trẻ về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định giao thông và làm như vậy chính là cách bảo vệ bản thân.


Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ Facebook