Những thói quen phổ biến của 4 nhóm người giàu có nhất thế giới
Nghiên cứu "Rich Habits" chỉ ra có 4 nhóm người giàu có, gồm người tiết kiệm - nhà đầu tư, người ham thăng tiến trong công việc, người có chuyên môn cao và người mộng mơ.
Tom Corley là một kế toán, nhà lập kế hoạch tài chính và tác giả của cuốn sách “Rich Kids: How to Raise Our Children to Be Happy and Successful in Life” và “ Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals”.
Năm 2004, Corley thực hiện nghiên cứu “Rich Habits” kéo dài trong 5 năm để tìm hiểu cách những người giàu có nhất thế giới nghĩ gì về tiền bạc của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy 225 triệu phú mà Corley phỏng vấn đều thuộc 4 nhóm người sau đây:
Người tiết kiệm – nhà đầu tư : Dù công việc hàng ngày của họ là gì, họ luôn coi tiết kiệm và đầu tư là một phần thói quen hàng ngày. Họ không ngừng suy nghĩ về những cách thông minh để phát triển tài sản của mình.
Người ham thăng tiến trong công ty : Những người ưa thăng tiến thường làm việc cho một công ty lớn và dành toàn bộ thời gian và sức lực để leo lên các vị trí then chốt của công ty cho đến khi họ đạt được vị trí điều hành cấp cao với mức lương cực cao.
Người có chuyên môn cao : Họ là những người giỏi nhất về chuyên môn của họ và được trả lương cao hơn nhiều người bình thường vì chính kiến thức và chuyên môn của họ. Đương nhiên, họ chắc chắn đã trải qua nền giáo dục chính quy với những tấm bằng hạng ưu.
Người mơ mộng : Những người thuộc nhóm này đều theo đuổi một ước mơ như khởi nghiệp, trở thành một diễn viên, nhạc sĩ thành công hoặc tác giả có cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Những người mộng mơ thích những gì họ làm để kiếm sống.
Nhóm người tiết kiệm – nhà đầu tư thường đòi hỏi những thứ ít rủi ro nhất, ít nhất là so với việc theo đuổi giấc mơ kinh doanh hay đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, 88% triệu phú mà Corley phỏng vấn nói rằng tiết kiệm là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công lâu dài về tài chính của họ.
Theo nghiên cứu “Rich Habits”, một triệu phú trung bình phải mất 12 – 32 năm để tích luỹ khối tài sản ròng trị giá 3 – 7 triệu USD. Để làm được điều đó, họ thường có 3 thói quen phổ biến sau đây:
Tự động tiết kiệm 20% tổng lương
Trong nghiên cứu của Corley, nhóm người tiết kiệm – nhà đầu tư đều đặn trích ít nhất 20% lương mỗi kỳ cho vào tài khoản tiết kiệm. Nhiều người thiết lập lệnh tự động cho việc này. Thông thường, họ trích 10% lương cho tài khoản hưu trí do công ty lập cho họ và 10% còn lại được tự động chuyển vào một tài khoản tiết kiệm riêng. Sau đó, mỗi tháng một lần, nhóm người tiết kiệm – nhà đầu tư sẽ chuyển số tiền tương đương 10% tài khoản tiết kiệm hàng tháng vào một tài khoản đầu tư.
Nếu tiết kiệm 20% tổng lương là quá cao vào thời điểm hiện tại, bạn có thể trích một phần nhỏ hơn nhưng phải đều đặn. Như vậy, bạn mới có thể đạt được các mục tiêu tài chính của mình cho tương lai.
Thường xuyên đầu tư một phần tài khoản tiết kiệm
Vì nhóm người tiết kiệm – nhà đầu tư liên tục đầu tư tiền tiết kiệm, tài sản của họ sẽ tăng lên theo thời gian. Khi bắt đầu, mức lãi kép không đáng kể. Nhưng sau 10 năm, họ bắt đầu tích luỹ được khối tài sản đáng kể. Vào những năm làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu, tài sản của kiểu người tiết kiệm – nhà đầu tư tăng lên mức trung bình là 3,3 triệu USD.
Các triệu phú theo đuổi giấc mơ và khởi nghiệp lại không thể đầu tư tiền tiết kiệm của họ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi họ theo đuổi giấc mơ. Bất kỳ khoản tiết kiệm nào họ có đều sẽ được sử dụng để làm vốn lưu động trong quá trình theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên, điều thú vị là khi hầu hết những người này đạt được thành công với dòng tiền luôn sẵn có, họ ngay lập tức đầu tư thu nhập của mình.
Cực kỳ tiết kiệm
Theo nghiên cứu của Corley, một trong những mẫu số chung cho các triệu phú tự thân thuộc nhóm người tiết kiệm – nhà đầu tư, người ham thăng tiến trong công ty và người có chuyên môn cao là họ rất tiết kiệm. Đối với những triệu phú này, việc tiết kiệm bắt đầu ngay khi họ nhận được đồng lương đầu tiên. Còn đối với nhóm người mơ mộng, việc tiết kiệm bắt đầu khi giấc mơ của họ tạo ra đủ dòng tiền, giúp họ tiết kiệm và đầu tư.
Đức tính tiết kiệm lại đòi hỏi 3 yếu tố sau:
Nhận thức: Bạn phải nhận thức được cách bạn tiêu tiền của mình.
Tập trung vào chất lượng: Bạn phải chi tiền của mình cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng.
Mặc cả khi mua sắm: Bạn cần chi tiêu ít nhất có thể bằng cách xem xét để mua được giá thấp nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ tiết kiệm thì cũng không thể khiến bạn trở nên giàu có. Đó chỉ là một mảnh trong rất nhiều ghép của câu đố “Thói quen của người giàu”. Nhưng tích tiểu thành đại. Bạn càng tiết kiệm nhiều, bạn càng có nhiều tiền để đầu tư hơn.