Những thay đổi ở móng tay phản ánh bất thường về sức khỏe và khả năng sinh sản

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:16:41

Dù ít ai để ý nhưng tình trạng móng tay cũng có thể cho thấy bạn đang khỏe mạnh hay không.

Hầu hết chúng ta không chú ý quá nhiều vào móng tay vì nghĩ nó không quan trọng. Nhưng theo tiến sĩ Amy Derick, giảng viên lâm sàng của Khoa da liễu, Đại học Northwestern (Mỹ), có khoảng 30 dấu hiệu trên móng tay có liên quan đến vấn đề sức khỏe.

Móng tay cũng có thể phản ánh tình trạng sức khỏe nhưng ít ai để ý (Ảnh minh họa)

Đặc điểm của móng khỏe mạnh đó là phần bán nguyệt gần gốc móng tay màu trắng, bề mặt trơn láng, hồng hào, bóng và không có gờ sọc hay đổi màu. Còn sau đây là 8 bất thường ở móng tay cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề:

1. Móng tay có các đường kẻ sọc

Nếu móng tay của bạn đột nhiên xuất hiện các loại đường sọc bất thường như đường sọc kẻ dọc hay kẻ ngang có màu trắng hoặc đen thì nên lập tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Bởi vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh tật khác nhau.

Sọc đen chạy dọc móng nếu không phải do chấn thương thì thường cảnh báo bệnh ung thư da, được gọi là khối u ác tính subungual. Loại ung thư này chỉ ảnh hưởng đến 1 móng tay nên khá dễ nhận biết.

Các sọc trắng dọc theo móng tay thường liên quan đến các bệnh ngoài da, tay chân miệng. Còn sọc trắng ngang có thể là do cơ thể thiếu kẽm và protein nuôi dưỡng móng. Nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý ở gan hay thận.

2. Móng tay “dùi trống”

Hội chứng móng tay hay ngón tay “dùi trống” là chỉ sự thay đổi hình thái của ngón và móng tay, chỉ tăng kích thước ở phần đầu ngón tay, trong khi móng tay mềm đi, cong xuống.

Ban đầu, chân móng trở nên mềm và da cạnh chân móng bóng hơn. Sau đó, móng bị cong hơn bình thường khi nhìn từ hai bên, còn gọi là dấu hiệu Scary Mouth. Cuối cùng, phần cuối ngón tay bị bè to ra nên được gọi là “hội chứng ngón tay dùi trống”.

Theo tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh Quốc, kiểu móng tay này thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý tim, phổi. Đây cũng là biểu hiện của bệnh thiếu oxy máu mạn tính kéo dài nhiều năm, hoặc các bệnh về gan, viêm ruột, AIDS…

3. Không có hoặc hình dạng đường bán nguyệt bất thường

Theo Y học cổ truyền, đường bán nguyệt trên móng tay có liên quan đến sức mạnh của thận và sức khỏe của hệ thống sinh sản. Thông thường, đường bán nguyệt sẽ chiếm khoảng 1/5 diện tích móng tay, có màu trắng kem, hình thù rõ ràng. Độ lớn của chúng giảm dần theo thứ tự từ ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa…

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng đường bán nguyệt trên tay càng lớn và càng rõ nét, hình thù rõ ràng thì người đó càng khỏe mạnh. Đó là dấu hiệu của việc lưu thông máu tốt, khả năng miễn dịch cao và khả năng sinh sản tốt hơn.

Còn ở những người không có đường bán nguyệt hoặc diện tích của nó rất nhỏ thì không có nghĩa là họ mắc bệnh tật. Tuy nhiên, đa số những người này có khí huyết kém lưu thông, khả năng miễn dịch và khả năng sinh sản cũng sẽ tương đối kém.

Ngoài ra, nếu đường bán nguyệt trên móng tay của bạn có những thay đổi lớn trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như trở nên lớn hơn, nhỏ hơn, nhiều hơn hoặc biến mất, thì có thể liên quan đến bệnh về tuyến giáp.

4. Móng tay có nhiều lỗ lõm

Móng tay xuất hiện nhiều lỗ nhỏ, lõm xuống trên bề mặt là biểu hiện thường gặp của bệnh vảy nến. Móng lõm cũng có thể gặp ở bệnh khác như hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng), bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata). Nhiều thống kê cho thấy đã có tới 30 - 40% bệnh nhân bị vảy nến phát hiện ra bệnh dựa vào biểu hiện này ở móng tay và móng chân.

5. Móng tay hình thìa

Móng tay có hình thìa là hiện tượng móng bị mềm và biến dạng như hình chiếc thìa. Nặng nhất là lõm đến chứa được giọt nước. Biểu hiện này thường thấy ở người thiếu máu trầm trọng, bệnh ở gan như ứ sắt.

Do cơ thể hấp thu lượng sắt quá mức trong thức ăn, dẫn đến tình trạng ứ sắt tại các mô, trong đó có gan và tim. Ngoài ra, đây còn là biểu hiện của các bệnh lý khác như tim mạch hoặc suy tuyến giáp

6. Móng tay có các đốm bất thường

Móng tay xuất hiện đốm trắng thường là do chấn thương, chẳng hạn như bị vật nặng đập vào, hoặc vật cứng chọc vào. Nhưng nếu móng tay không bị chấn thương mà xuất hiện các đốm trắng ở nhiều móng cùng lúc thì hãy cẩn trọng với các bệnh lý như xơ gan, lắng đọng huyết sắc tố, hạ canxi máu…

Còn nếu xuất hiện những chấm đỏ cùng lúc với vài đường sọc dọc thì rất nguy hiểm. Nhất là khi chỉ cần chà xát hoặc ấn nhẹ sẽ gây đau dữ dội thì rất có thể là u cuộn mạch dưới móng. Trong trường hợp này cần ngay lập tức tìm tới bác sĩ.

7. Móng tay nham nhở hoặc lung lay, dễ gãy

Ngoài nguyên nhân chấn thương, lạm dụng hóa chất, cắn móng, dị ứng thuốc thì móng tay nham nhở, lung lay, dễ gãy bất thường cũng là dấu hiệu bệnh tật. Trong đó phổ biến nhất là bệnh nấm móng, vảy nến, tuần hoàn máu kém hay bệnh lý tuyến giáp mà thường gặp nhất là suy giáp.

Móng tay giòn, dễ gãy còn là biểu hiện của bệnh đái tháo đường, bệnh lý mạch máu ngoại biên, sởi, quai bị, thiếu kẽm nặng, viêm phổi, địa y Planus… Số ít trường hợp còn cảnh báo bệnh viêm khớp phản ứng, là 1 dạng đau đớn của viêm khớp.

8. Màu sắc móng tay bất thường

Sự thay đổi màu sắc bất thường trên móng tay là 1 trong những cách cơ thể cảnh báo bệnh tật dễ thấy nhất nhưng lại ít ai để ý.

Nếu móng tay màu xanh - đen thường là nhiễm vi khuẩn. Hay móng chuyển màu xanh hoặc tím là do cơ thể thiếu oxy. Móng màu xám nhạt có thể là do dị ứng thuốc hoặc thiếu kẽm, sắt.

Tuy nhiên, có 5 kiểu màu sắc bất thường có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm bạn cần lưu ý sau đây:

- Móng vàng: bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn, tắc mạch bạch huyết, nấm móng, vàng da do viêm gan, nhiễm trùng xoang, vấn đề với tuyến giáp…

- Móng tay trắng: mắc bệnh lý tim mạch, gan, thận, tuyến giáp, đái tháo đường hoặc nấm móng.

- Móng tay nâu: bệnh ở tuyến giáp hoặc suy dinh dưỡng.

- Móng tay trên màu nâu dưới màu trắng là dấu hiệu của suy thận, suy giảm miễn dịch hoặc xuất hiện sau khi hóa trị.

- Móng tay đen dù không chấn thương: biểu hiện của bệnh gan, suy tim sung huyết hoặc bệnh tiểu đường.

Mặc dù móng tay phản ánh rất nhiều về tình trạng sức khỏe, nhưng không thể chỉ dựa vào đó để phán đoán bệnh tật. Tốt nhất hãy duy trì khám sức khỏe định kỳ và đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện 1 trong 8 bất thường về móng tay kể trên để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguồn và ảnh: HK01, Bright Side, Good Morning Health

Chia sẻ Facebook