Những thần tượng Hàn Quốc không bao giờ già và xấu đi

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 16:45:40

Bí quyết để những người nổi tiếng này luôn đẹp là không tồn tại thực sự ngoài đời.

Rozy là một influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) tại Hàn Quốc, sở hữu hơn 130.000 người theo dõi trên Instagram. Cô thường đăng tải hình ảnh về những chuyến du lịch xa hoa của mình trên mạng xã hội với ngoại hình luôn hoàn hảo không tì vết. Cô có thể hát, nhảy hay thậm chí là làm người mẫu. Nhưng Rozy không hề có thật.

Trên thực tế, cô là một thần tượng ảo, được tạo ra nhờ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI). Rozy trông giống thật đến mức nhiều người lầm tưởng cô là con người. “Em có phải là người thật không hay chỉ là AI, robot?”, một người hâm mộ hỏi.


Người ảo nhưng kiếm ra tiền thật

Theo Sidus Studio X, công ty quảng cáo đã sáng tạo ra Rozy, cô là sự kết hợp giữa thế giới thực và ảo. Cô nàng influencer này có thể làm mọi thứ mà người thường không thể làm trong hình hài của một người thật.

Rozy đã góp mặt trong hàng loạt quảng cáo của nhiều thương hiệu, xuất hiện trong nhiều chương trình thời trang, thậm chí còn ra mắt 2 đĩa đơn ca nhạc. Cô gái đã đem về nguồn lợi khổng lồ từ hoạt động quảng cáo và giải trí của mình.

Rozy đẹp đến mức nhiều người lầm tưởng cô là người thật. Ảnh: Sidius.

Nhưng Rozy không phải là kẻ duy nhất nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới ảo. Công ty Lotte Home Shopping cũng sở hữu một thần tượng ảo có tên là Lucy. Instagram của cô có đến 78.000 người theo dõi.

Ngành công nghiệp “người ảo” đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, những influencer ảo trẻ mãi không già, luôn hoàn hảo ở mọi góc nhìn như Rozy đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo tại các quốc gia vốn luôn ám ảnh về những tiêu chuẩn sắc đẹp không tưởng, trong đó có Hàn Quốc, CNN nhận định.

Công nghệ CGI vốn đã phổ biến trong giới giải trí từ lâu nhưng chỉ mới gần đây, kỹ thuật này mới được áp dụng để làm ra những influencer ảo. Với những người lớn tuổi, việc tương tác với người ảo xem chừng rất kỳ lạ. Nhưng theo các chuyên gia, những nhân vật ảo này đã đánh trúng tâm lý giới trẻ Hàn Quốc.

Theo dõi Rozy từ 2 năm trước, Lee Na-kyoung (23 tuổi, sống ở Incheon) vẫn lầm tưởng cô là người thật. Rozy đã theo dõi, bình luận trong những bài viết của cô. Kể từ đó, tình bạn “ảo” giữa hai người nảy nở, cho đến khi Na-kyoung phát hiện ra sự thật.

“Chúng tôi trò chuyện với nhau như bạn bè và tôi rất thoải mái với cô ấy. Tôi không xem cô ấy là trí thông minh nhân tạo mà đối xử như bạn bè bình thường”, cô gái chia sẻ. Với Na-kyoung, Rozy đẹp đến mức cô không thể tin đó là AI.

Không chỉ sở hữu hàng chục nghìn người theo dõi, những nhân vật ảo này còn mang về nguồn doanh thu khổng lồ.

Thần tượng ảo Lucy được Lotte sáng tạo ra để thay thế người mẫu thật vì cô luôn trẻ mãi không già và nói không với scandal. Ảnh: Lotte.


“Nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc muốn thuê Rozy về làm mẫu. Chúng tôi còn kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ chạm mốc 1,52 triệu USD chỉ nhờ cô ấy”, Baik Seung-yup, CEO của Sidus Studio X, khẳng định.

Ông còn cho biết Rozy đang ngày càng nổi tiếng, nhận được lời mời quảng cáo từ các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Hermes và xuất hiện trên sóng truyền hình, bảng điện tử ở các sân ga…

Lotte cũng kỳ vọng sẽ thu về số lợi nhuận tương tự từ influencer ảo Lucy của mình, Lee Bo-hyun, Giám đốc mảng kinh doanh truyền thông của Lotte Home Shopping, cho hay.


Những người nổi tiếng “sạch sẽ”, không scandal

Theo các chuyên gia, những nhân vật ảo này được các nhãn hàng săn đón vì họ dễ dàng tiếp cận với đối tượng khách hàng trẻ. Những thương hiệu thuê Rozy thường là ngân hàng hoặc các công ty bảo hiểm, vốn bị xem là lỗi thời ở Hàn Quốc.

“Các công ty nói rằng hình ảnh của họ đã ‘trẻ hóa’ không ít sau khi hợp tác với Rozy”, ông Baik Seung-yup nói.

Bên cạnh đó, khi so sánh với người thật, những ngôi sao làm từ CGI này tiêu tốn ít chi phí hơn hẳn. Lotte và Sidus Studio X chỉ mất vài ngày để vẽ ra hình ảnh hay dựng video quảng cáo của họ, ít hơn hẳn so với những dự án quảng cáo ngốn hàng tháng trời thông thường.

Nhưng hơn hết, các influencer ảo này luôn trẻ mãi không già, làm việc không biết mệt và cũng không có nguy cơ dính phải scandal như người nổi tiếng thật sự.

Rozy đăng ảnh với rất nhiều khung cảnh đa dạng lên trang cá nhân, y hệt một người nổi tiếng thông thường. Ảnh: Rozy.gram.

Trước đây, Lotte Home Shopping thường thuê dẫn chương trình để tiếp thị sản phẩm trên TV nhưng tốn khá nhiều tiền và ngoại hình thay đổi khi có tuổi. Do đó, họ đã sáng tạo ra Lucy, một cô gái “mãi mãi ở tuổi 29”.


“Lucy có vô hạn thời gian và không gian phát triển. Cô ấy có thể xuất hiện ở mọi nơi” , vị Giám đốc khẳng định.

Ngoài Hàn Quốc, các thần tượng ảo cũng bắt đầu đổ bộ tại các quốc gia khác. Trong đó có Lil Miquela, một người mẫu ảo của công ty start-up Mỹ với hơn 3 triệu người follow trên Instagram từng hợp tác với Calvin Klein, Prada hay Lu do Magalu, người mẫu ảo xứ Brazil có đến 6 triệu lượt theo dõi Instagram.

Nhưng điểm khác biệt là những nhân vật ảo ở các quốc gia khác thể hiện đa dạng sắc tộc và tiêu chuẩn thẩm mỹ. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, họ chỉ tuân theo những khuôn mẫu về cái đẹp truyền thống, Lee Eun-hee, giáo sư tại Đại học Inha, nói.

Do đó, ở xứ sở kim chi, một quốc gia luôn nổi tiếng với ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người lo ngại những influencer hoàn hảo không tì vết này sẽ tiếp tay cho những chuẩn mực cái đẹp không tưởng ở đây.

Phụ nữ ở Hàn Quốc thường cho rằng mắt to, mặt nhỏ, trắng, làn da không tì vết mới là đẹp. Do đó, học theo khuôn mẫu này, những nhân vật ảo như Lucy thường có nước da trắng hoàn hảo, mái tóc dài suôn mượt, quai hàm rõ nét và mũi cao. Trong khi đó, Rozy lại sở hữu đôi môi căng bóng, chân dài và vòng 2 thon gọn.

Những thần tượng ảo như Lucy làm nhiều người lo ngại về tiêu chuẩn thẩm mỹ cực đoan tại Hàn Quốc. Ảnh: Sidius.

Giáo sư Lee Eun-hee cảnh báo rằng những nhân vật ảo này sẽ khiến tiêu chuẩn về cái đẹp của Hàn Quốc sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, từ đó nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ và mua mỹ phẩm sẽ càng tăng cao. “Điều này khiến phụ nữ ngoài đời muốn được giống họ, còn đàn ông thì lại muốn hẹn hò với những người có ngoại hình giống họ”, bà nói.

Mối lo ngại này còn vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc. Trên thế giới, những cuộc tranh luận liên quan đến việc người mẫu ảo quảng cáo sản phẩm cho người thật đã nổ ra. Họ còn cho rằng những influencer này sẽ gây ra tình trạng chiếm dụng văn hóa trên mạng xã hội.

Sở hữu hơn 200 người nổi tiếng ảo trên nền tảng, Meta, công ty mẹ của Facebook, đã nhận thức được rủi ro này và áp dụng hàng loạt công cụ và tiêu chuẩn để hạn chế tác động tiêu cực của thần tượng ảo lên người dùng.

Song, theo CNN, nền công nghiệp AI đang đổ bộ khắp nơi trên thế giới. Một khi những công nghệ ảo như metaverse hay thực tế ảo, tiền ảo phát triển, influencer ảo cũng sẽ trở thành những kẻ tiên phong trong lĩnh vực này.


(Theo Zing)

Chia sẻ Facebook