Những thách thức trong sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển và hướng phát triển bền vững
Thức ăn công nghiệp là một phần quan trọng trong sự phát triển ngành nuôi biển bền vững, tuy nhiên đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Còn tồn tại thách thức
Trình bày về phát triển thức ăn công nghiệp cho nuôi biển tiềm năng và thách thức tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam” được Bộ (Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) NN - PTNT tổ chức tại Tp.Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 15/9 vừa qua, ông Lê Văn Khôi, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho biết, từ năm 2010 đến nay, thức ăn công nghiệp cho các đối tượng nuôi phổ biến như cá chẽm, cá giò, cá song đã được nghiên cứu.
Các nghiên cứu tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp cho từng giai đoạn và khả năng sử dụng thức ăn của các đối tượng.
Đối với phát triển công thức ăn và thiết bị sản xuất thức ăn cho cá chim vây vàng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành nghiên cứu. Kết quả đã phát triển thức ăn cho các giai đoạn nuôi thương phẩm cá biển và dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn với công suất 0,5-1 tấn/mẻ/giờ. Công thức thức ăn của Viện đã được thương mại hóa.
Tuy nhiên theo ông Lê Văn Khôi, thách thức cho ngành sản xuất thức ăn hiện nay đó là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào một số ít nguyên liệu thường dùng, luôn có phương án thay thế nguyên liệu khi môi trường gặp biến động.
Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới làm nguyên liệu thức ăn thường mất thời gian để xác định và đánh giá những ảnh hưởng đối với vật nuôi. Ví dụ như côn trùng đang là nguyên liệu mới được đánh giá là tiềm năng thay thế nguồn đạm động vật cho vật nuôi, hay nguồn nguyên liệu tảo biển cũng đang được nghiên cứu sử dụng trong nuôi trồng thủy sản…
Thách thức nữa là cải tiến các nguyên liệu sẵn có, để sử dụng hiệu quả và triệt để nhất các nguyên liệu đang dùng hiện nay. Vì vậy, thay cho việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới sẽ mất nhiều thời gian thì việc nghiên cứu cải tiến nguyên liệu sẵn có được nhiều nhà khoa học ưu tiên hơn. Hơn nữa việc cải tiến nguyên liệu sẵn có còn đóng góp vai trò giảm tác động của biến đổi khí hậu, khi khí hậu thay đổi, năng suất bị ảnh hưởng thì việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu sẵn có cũng là một cách làm giảm áp lực vào tự nhiên.
Ví dụ như việc lên men các nguyên liệu vừa giúp loại bỏ các yếu tố kháng dinh dưỡng, vừa nâng hàm lượng các chất dinh dưỡng có ích trong nguyên liệu tăng cao phục vụ sản xuất….Việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn hỗn hợp cũng được các công ty và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu hiện nay. Các chất bổ sung thường chứa các acid amin thiết yếu, các enzyme hỗ trợ tiêu hóa, kích thích tính ngon miệng, tăng cường tiết enzyme nội sinh hỗ trợ quá trình chuyển hóa và sử dụng chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Ngoài ra, các tác động về môi trường và dịch bệnh đối với trang trại cũng là thách thức cho việc phát triển thức ăn vừa có thể cho tăng trưởng và phòng ngừa dịch bệnh.
Theo đại diện De Heus, hiện đơn vị có sản phẩm cho từng loài nuôi cá biển với kích thước từ cá giống 0,5mm đến 20mm, gồm thức ăn nổi và thức ăn chìm. Thức ăn cá biển như cá chẽm, cá chim, mú; cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Về tương tai De Heus mong muốn hợp tác về các loài tiềm năng mới cho ngành thủy sản biển Việt Nam như tôm hùm, ốc hương. Doanh nghiệp mong muốn phát triển các loại thức ăn tốt nhất để hỗ trợ công nghiệp hóa ngành thủy sản ở Việt Nam…
Hướng đến phát triển bền vững
Để nuôi biển bền vững, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Lãnh đạo Bộ NN - PTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Đó là nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển.
Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.
Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.
Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất.
Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
Hương Anh (tổng hợp)