Những sự thật thú vị về mâm ngũ quả ngày Tết ở các vùng miền
Tùy thuộc vào những vùng miền với phong tục, tín ngưỡng khác nhau mà những loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán cũng được bài trí khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa chung là cầu mong phước lành.
Có những thứ chỉ cần nó vắng mặt thì phong vị ngày Tết sẽ chẳng còn đậm đà. Chẳng hạn như thịt kho hột vịt, hoa mai, hoa đào, bánh mứt... và đặc biệt là mâm ngũ quả. Từ bao lâu nay, người ta luôn gửi gắm những ước nguyện về một năm mới sung túc, yên bình qua những loại trái cây chưng trong mâm ngũ quả, như cầu - dừa - đủ - xoài - sung. Phải nói, đây là một nét văn hóa rất đẹp và độc đáo của người Việt ta.
Mâm ngũ quả thường được chuẩn bị vào mỗi dịp 28, 29 Tết hàng năm. Thời gian qua đi, mâm ngũ quả có những biến tấu khác nhau tại các vùng miền với phong tục, tập quán khác nhau nhưng chung quy đều thể hiện ước nguyện cho sự tốt lành, may mắn, bình an.
6 bài thuốc trị bệnh không ngờ từ mâm ngũ quả ngày Tết.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả miền Bắc mang ý nghĩa thiên về phong thủy, được bày biện theo thuyết ngũ hành (5 nguyên tố cấu thành vũ trụ) gồm: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Vì thế, mâm ngũ quả của người miền Bắc đa phần được bày biện theo thứ tự màu sắc tượng trưng cho ngũ hành là trắng - xanh - đen - đỏ - vàng. Nhiều người quan niệm 5 loại trái cây trong "ngũ quả" tượng trưng cho "ngũ phúc lâm môn": Phúc - Quý - Thọ - Khang - Ninh.
Vì thế, thường thấy trên mâm ngũ quả có một nải chuối xanh (tượng trưng cho hành Mộc), bưởi vàng (đại diện cho hành Thổ). Nhiều nơi sẽ cho thêm những loại trái cây có màu sẫm như hồng xiêm và nho để tương ứng với hành Thủy, những loại trái cây có màu sắc sáng tươi tương ứng với hành Kim. Và cuối cùng không thể thiếu là táo đỏ, dưa hấu hoặc ớt đại diện cho hành Hỏa.
Mâm ngũ quả miền Trung
Khác với mâm ngũ quả miền Bắc, mâm ngũ quả của miền Trung không quá cầu kỳ về mặt ý nghĩa hay được quy định rạch ròi về thuyết ngũ hành. Những loại quả thường thấy trên mâm ngũ quả của người dân khúc ruột miền Trung gồm: lê (có vị ngọt thanh, ngụ ý tốt lành suôn sẻ), lựu (nhiều hạt, cầu mong con cháu đầy đàn), đào (cầu mong thăng tiến), táo (tượng trưng cho phú quý), hồng (màu sắc rực rỡ đại diện cho sự thành đạt),...
Mâm ngũ quả miền Nam
Mâm ngũ quả miền Nam thường rất đa dạng và phong phú, có thể biến tấu theo phong tục từng tỉnh khác nhau bởi nơi đây có nhiều sản vật. Nhưng hầu hết mâm ngũ quả của gia đình miền Nam thường có những loại quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Theo đó, 5 loại trái cây này gộp lại thành lời cầu chúc: "Cầu vừa đủ xài sung" , tức cầu cho một năm sung túc, no đủ và có sức khỏe tốt.
Mỗi miền có cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau nhưng nhìn chung nó đều mang ý nghĩa tốt đẹp với ước nguyện cầu chúc cho một năm an lành, suôn sẻ. Phải nói, mâm ngũ quả là một nét đẹp truyền thống lâu đời trong văn hóa ngày Tết Nguyên đán tại nước ta. Bạn nghĩ sao về cách bày biện mâm ngũ quả của 3 miền? Hãy chia sẻ cùng Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hấp dẫn tại Bestie!
MẸO DỌN DẸP VÀ GIỮ VỆ SINH TỦ LẠNH ĐÓN TẾT: KHỬ MÙI VỚI BAKING SODA
Trước ngày bày biện mâm ngũ quả, trang trí nhà cửa, ta cần dọn dẹp thật sạch sẽ mọi thứ, trước hơn hết chắc hẳn là chiếc tủ lạnh. Vậy, bạn đã biết những mẹo dọn dẹp tủ lạnh sao cho hiệu quả, sạch tinh tươm chưa? Hãy tham khảo bài viết sau đây nhé!
Bước đầu tiên, bạn cần đưa hết mọi thứ ra ngoài để lau sạch từ bên trong. Bạn cần đảm bảo mình đã đưa ra ngoài hết những món đồ mang mùi khó chịu, gây mùi hôi cho tủ lạnh. Bước thứ hai, sau khi lau dọn, bạn cần khử sạch mùi của tủ lạnh. Lúc này, hãy sử dụng baking soda hoặc các phương pháp quen thuộc như sử dụng quýt, cam, trà....