Những sự kiện đáng chú ý trong tuần tới chứng tỏ kinh tế thế giới đang chật vật trong khó khăn
Ngân hàng Trung ương châu Âu dường như đã muộn màng trong việc tăng lãi suất nhưng ít nhất họ cũng bắt đầu khởi động để bước lên con đường này, không giống như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Nhưng cả hai ngân hàng sẽ phải tìm kiếm giải pháp cho mình để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về lạm phát và tăng trưởng, trong bối cảnh các ngân hàng lớn trên thế giới đều đang tích cực thắt chặt tiền tệ.
Thông tin về những nơi khác trên thế giới thậm chí còn tồi tệ hơn. Các chỉ số PMI, thu nhập quý II của công ty và tình trạng nguồn cung khí đốt của châu Âu sẽ làm sáng tỏ triển vọng mức độ tăng trưởng kinh tế thế giới.
1/ ECB trên con đường hoà nhập với các "đồng nghiệp"
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sắp trở thành một trong những ngân hàng trung ương lớn cuối cùng tham gia vào chu kỳ tăng lãi suất trên toàn cầu với động thái tăng lãi suất dự kiến ở mức 25 điểm cơ bản vào thứ Năm tới (21/7), đây sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011.
Nhưng nếu họ thực sự sẽ tăng lãi suất trong tháng Bảy này để chế ngự lạm phát cao kỷ lục thì câu hỏi tiếp theo là liệu họ có tiếp tục bằng một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa vào tháng 9 tới hay không, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt trên toàn châu Âu có thể sắp cạn kiện đến mức kích hoạt suy thoái kinh tế?
Thị trường cũng đang nóng lòng chờ đợi những thông tin chi tiết từ ECB về một công cụ "chống phân mảnh" được lên kế hoạch để kiềm chế những căng thẳng trên thị trường trái phiếu - một điều có thể sớm được đưa vào thử nghiệm nếu tình trạng bất ổn chính trị mới ở Ý vẫn tiếp diễn
Và đừng quên việc đồng euro giảm xuống ngang bằng với đồng đô la - một vấn đề đau đầu khác đối với ECB, bởi tiền tệ suy yếu làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.
2 / BOJ vẫn "riêng một góc trời"
Trong số các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, có một điều không thay đổi dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào hiện nay: Cam kết kiên định của Nhật Bản đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ - dự kiến một lần nữa sẽ được tái diễn vào thứ Năm (21/7).
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Haruhiko Kuroda, cho biết nền kinh tế vẫn cần được hỗ trợ và sẽ theo đuổi điều đó ngay cả khi đồng yên giảm xuống mức thấp sâu hơn mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - nguyên nhân bởi sự chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng giữa BOJ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản, "nỗi đau" lạm phá giá hàng hóa có thể trở nên tồi tệ hơn, với dữ liệu vào thứ Sáu (22/7) dự kiến cho thấy lạm phát cơ bản vẫn duy trì trên mục tiêu của BOJ tháng thứ ba liên tiếp. Nhưng BOJ có thể sử dụng công cụ tăng trưởng lương bổng như một cái cớ để duy trì quá trình kích thích của mình.
Việc đặt cược đầu tư vào các tài sản của Nhật Bản cho đến nay đã được chứng minh là quá sớm và nhờ vào kích thích mua trái phiếu hàng ngày, lợi suất đã trở lại trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một nửa số trái phiếu chính phủ đang lưu hành hiện nằm trong tay ngân hàng trung ương.
3 /Khí đốt có tiếp tục chảy hay không?
Các doanh nghiệp và chính phủ châu Âu đang lo lắng không rõ liệu Nga có mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 vào ngày 21/7, sau 10 ngày bảo trì hàng năm hay không?
Nguồn cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream đã bị cắt giảm vào tháng trước xuống còn 40% công suất, mà Moscow đổ lỗi cho việc Canada không trả lại thiết bị tuabin được gửi đến đó để sửa chữa. Tuabin hiện đang được trả lại nhưng nhiều người lo ngại Nga sẽ giữ "vòi chảy" khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá khí đốt ở Âu, đã tăng 400% kể từ tháng 7 năm ngoái, có thể tăng cao hơn nữa nếu Nord Stream tiếp tục đóng cửa. Các kế hoạch bổ sung nguồn cung cho các bể chứa khí dự trữ trước mùa đông đang bị xáo trộn và cường quốc công nghiệp Đức thậm chí có thể bị rơi vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
"Gã khổng lồ" của ngành khí đốt - Gazprom cũng đang gặp rắc rối. Thời gian ân hạn cho các khoản thanh toán cho hai trái phiếu quốc tế sẽ hết hạn vào ngày 19 tháng 7 và nếu các chủ nợ nước ngoài không được thanh toán thì Gazprom sẽ mất khả năng thanh toán.
4 / Các doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi
Các công ty mà cổ phiếu nằm trong S&P 500 được dự báo sẽ có lợi nhuận tăng nhanh trong năm nay so với cùng kỳ, nhưng họ có thể phải vật lộn để đạt được điều đó, do nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và lạm phát đang làm tăng chi phí.
Thu nhập của các doanh nghiệp trong quý II theo khảo sát của Refinitiv IBES cho thấy mức tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng JPMorgan và Morgan Stanley hôm thứ Năm (14/7) đã có một mùa kinh doanh khởi đầu không như ý. Thêm nhiều rủi ro gây áp lực đẩy thị trường chứng khoán xuống thấp hơn nữa.
Goldman Sachs, Johnson & Johnson, Netflix và Tesla sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần tới với kết quả dự kiến sẽ nằm trong số những công ty chịu nhiều áp lực như nói ở trên. Họ sẽ báo cáo kết quả của mình với nỗi lo về động thái của Fed - mà nhiều người đặt cược rằng có thể tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm trong tháng này.
5 / Những con số PMI "đau đớn"
Từ Mỹ đến Úc, lãi suất tăng vẫn chưa làm giảm lạm phát. Mức độ tăng lãi suất mạnh đến nỗi tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Các chỉ số PMI sẽ được công bố vào ngày 22 tháng 7.
Tính đến tháng 6, Chỉ số nhà quản lý mua hàng ở Mỹ và Châu Âu đều trên 50, ngụ ý rằng hoạt động vẫn đang tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, luồng dữ liệu gần đây, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng yếu đi, cho thấy kết quả tháng 7 có thể giảm.
Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra ở khu vực đồng euro, mặc dù lãi suất ở đây vẫn chưa bắt đầu tăng.
Trung Quốc có thể là điểm sáng. Việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống COVID-19 đã nâng PMI tháng 6 trở lại trên 50 và tháng 7 có thể chứng kiến hoạt động sản xuất, mua sắm và du lịch tăng lên một mức cao mới.
Tham khảo: Refinitiv