Những quốc gia châu Á thiệt hại nhiều nhất, ít nhất từ cuộc chiến ở Ukraine
Từ giá lương thực đến du lịch và nguồn cung vũ khí, các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể chịu ảnh hưởng nặng nề vì cuộc chiến Nga-Ukraine, ngay cả khi không bị cuộc chiến tác động trực tiếp.
Những quốc gia châu Á thiệt hại nhiều nhất, ít nhất từ cuộc chiến ở Ukraine
Theo kênh CNBC, nhận định trên được đưa ra trong một báo cáo mới của Economic Intelligence Unit (EIU).
Theo đó, giá lương thực đặc biệt nhạy cảm với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vì cả hai nước đều là những nhà sản xuất quan trọng. Một số quốc gia châu Á phụ thuộc vào các mặt hàng như phân bón từ Nga và tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu đã khiến giá nông sản, ngũ cốc tăng cao.
EIU cảnh báo do châu Á phụ thuộc tương đối nhiều vào nhập khẩu năng lượng và hàng hóa nông nghiệp, ngay cả khi các quốc gia châu Á không nhập trực tiếp từ Nga hay Ukraine, nên giá cả tăng vọt sẽ là điều đáng lo ngại.
EIU nói tình trạng phụ thuộc này có thể gây ra gián đoạn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các cường quốc trên thế giới đã giáng đòn trừng phạt vào Nga bằng các biện pháp trừng phạt trên diện rộng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng, trong khi Anh dự định thực hiện kế hoạch này vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét liệu có nên trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga hay không.
Các biện pháp trừng phạt cũng đã được áp dụng đối với các nhà tài phiệt, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu chính phủ Nga.
Trong báo cáo, EIU nhận định: “Đông Bắc Á - nơi có các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - cũng có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung cấp khí hiếm – loại khí được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn”.
Các lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng như du lịch, vũ khí.
Quốc gia hưởng lợi và thiệt hại khi giá hàng hóa tăng
Giá dầu, khí đốt và ngũ cốc toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2.
Nga và Ukraine sản xuất một lượng đáng kể một số mặt hàng cho thế giới.
Giá lúa mì kỳ hạn dù đã giảm so với thời kỳ đỉnh nhưng vẫn tăng 65% so với một năm trước. Giá ngô kỳ hạn tăng hơn 40% trong cùng kỳ.
Một số quốc gia sẽ dễ bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa tăng, nhưng những quốc gia khác có thể được hưởng lợi.
EIU cho biết: “Một số quốc gia xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi giá hàng hóa cao hơn và khi toàn cầu tìm kiếm nguồn cung thay thế”.
Bên cạnh thực phẩm và năng lượng, nguồn cung niken cũng bị ảnh hưởng do Nga là nhà cung cấp niken lớn thứ ba thế giới.
Các quốc gia sẽ được hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn gồm: các nhà xuất khẩu than như Australia, Indonesia, Mông Cổ; các nhà xuất khẩu dầu thô như Malaysia, Brunei; các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng như Australia, Malaysia, Papua New Guinea; các nhà cung cấp niken như Indonesia, New Caledonia; các nhà cung cấp lúa mì như Austalia, Ấn Độ
Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu những mặt hàng trên dễ bị tổn thương nhất khi giá cả tăng cao. Các quốc gia nhập phân bón từ Nga/Ukraine bị ảnh hưởng nặng gồm: Indonesia (nhập hơn 15% phân bón), Thái Lan (hơn 10%), Malaysia (khoảng 10%), Ấn Độ (hơn 6%), Bangladesh (gần 5%), Myanmar (khoảng 3%), Sri Lanka (khoảng 2%)
Các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc từ Nga: Pakistan (khoảng 40%), Sri Lanka (hơn 30%), Bangladesh (hơn 20%), Thái Lan (khoảng 5%), Philippines (khoảng 5%), Indonesia (dưới 5%), Myanmar (dưới 5%), Malaysia (dưới 5%).
Các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine: Pakistan (gần 40%), Indonesia (hơn 20%), Bangladesh (gần 20%), Thái Lan (hơn 10%), Myanmar (hơn 10%), Sri Lanka (gần 10%) , Philippines (khoảng 5%), Malaysia (khoảng 5%)
Mất nguồn cung vũ khí Nga
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai trên thế giới. EIU cho biết Nga là bên cung cấp vũ khí chính cho Trung Quốc, Ấn Độ trong hai thập kỷ qua.
EIU cho biết: “Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các công ty quốc phòng Nga sẽ cản trở các nước châu Á tiếp cận các loại vũ khí này trong tương lai”.
Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ tạo ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất từ các quốc gia khác, cũng như các nhà sản xuất trong nước.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu vũ khí của Nga từ năm 2000-2020: Mông Cổ (khoảng 100%), Trung Quốc (gần 80%), Ấn Độ (hơn 60%), Lào (hơn 40%), Myanmar (khoảng 40%), Malaysia (hơn 20%), Indonesia (hơn 10%), Bangladesh (hơn 10%), Nepal (hơn 10%), Pakistan (dưới 10%)
Mất khách du lịch Nga
Mặc dù các tuyến đường hàng không của châu Á vẫn mở cho các hãng hàng không Nga, nhưng khách du lịch Nga có thể không đến đây.
Công ty EIU cho biết: “Người Nga có thể không sẵn sàng đi du lịch do bị ảnh hưởng vì gián đoạn kinh tế, đồng rúp mất giá và các công ty thanh toán quốc tế rút khỏi Nga”.
Một số ngân hàng của Nga cũng đã bị loại khỏi SWIFT - hệ thống toàn cầu kết nối hơn 11.000 ngân hàng thành viên ở khoảng 200 quốc gia và lãnh thổ.
Trong khi đó, lúc đầu, giá đồng rúp giảm gần 30% so với đồng USD khi chiến tranh bắt đầu. Kể từ đó, đồng tiền này đã tăng trở lại nhưng giao dịch lần cuối thấp hơn khoảng 10% so với đầu năm, làm tổn hại đến ví tiền của người Nga bình thường.
Tuy nhiên, châu Á cũng không quá phụ thuộc vào khách du lịch Nga. Thái Lan là nước hưởng lợi lớn nhất trong khu vực vào năm 2019 khi đón 1,4 triệu lượt khách Nga. Dù vậy, con số đó chỉ chiếm chưa đến 4% tổng lượng khách đến Thái Lan trong năm đó. Indonesia, Sri Lanka và Maldives lọt vào top 5 điểm đến hàng đầu châu Á cho khách du lịch Nga.
EIU cho biết: “Nếu không có xung đột, du lịch Nga có thể sẽ có vai trò quan trọng hơn khi du khách Trung Quốc đang bị hạn chế xuất cảnh”.
Thùy Dương
Báo Tin tức