Những quan ngại về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 7 tại Nhật Bản

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 21:52:36

Nhật Bản ngày 20/7 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt 150.000 ca, con số cao kỷ lục mới. Làn sóng dịch thứ 7 tại nước này do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra.


Số ca mắc mới tăng nhanh

Hơn 20 trong tổng số 47 tỉnh ở Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức kỷ lục mới, trong đó có tỉnh Aichi, Osaka, Hyogo và Okinawa.


Thủ đô Tokyo ghi nhận 20.401 ca mắc mới, lần đầu vượt 20.000 ca kể từ đầu tháng 2 năm nay. Tỉnh Osaka ghi nhận con số kỷ lục mới 21.976 ca. Tỉnh Kanagawa gần Tokyo cũng ghi nhận con số kỷ lục 11.443 ca, lần đầu tiên vượt mức 10.000 ca.


Số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã duy trì ở mức tương đối thấp cho đến giữa tháng 6 vừa qua, trước khi bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lan nhanh trên cả nước. Tuần trước, cố vấn hàng đầu về COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, ông Shigeru Omi xác nhận nước này đã bước vào làn sóng dịch thứ 7.

Tuy nhiên, phát biểu họp báo ngày 20/7, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định lại chính phủ sẽ không áp đặt các hạn chế đi lại


Mối nguy nào từ làn sóng dịch thứ 7

Các giường bệnh chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 đang bị lấp đầy. Ảnh Japan Times


Số ca lây nhiễm gia tăng nhanh chóng làm nảy sinh những quan ngại về những vấn đề vốn đã xuất hiện trong đợt bùng phát dịch lần thứ 6 tại Nhật Bản trước đây, đó là việc quá tải bệnh nhân có triệu chứng sốt đến thăm khám tại các bệnh viện, dẫn đến thiếu nơi tiếp nhận, ảnh hưởng lớn đối với bệnh nhân mắc các bệnh thông thường. Ngoài ra, việc thiếu các bộ xét nghiệm và quy định áp dụng cách ly 7 ngày với người tiếp xúc gần có thể cản trở các hoạt động kinh tế xã hội đang dần hồi phục về mức bình thường.

Theo một phòng khám tại quận Shinjuku ở thủ đô Tokyo, số bệnh nhân có triệu chứng sốt đến thăm khám đã tăng mạnh trong tuần gần đây. Trung bình phòng khám đón nhận trên dưới 30 bệnh nhân và hơn một nửa trong số đó được xác định mắc COVID-19. Tỷ lệ bệnh nhân là trẻ em dưới 10 tuổi và bệnh nhân là người cao tuổi đang tăng lên. Đại diện phòng khám cho biết nếu số bệnh nhân bị sốt đến thăm khám tăng hơn nữa, phòng khám sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Với cơ cấu chỉ có một bác sỹ, để đảm bảo công tác khám chữa cho cả những bệnh nhân không mắc COVID-19, phòng khám đang thảo luận về việc từ chối tiếp nhận mới những bệnh nhân có triệu chứng sốt. Bên cạnh đó, một mối quan ngại khác là số lượng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 dự trữ đang giảm dần và có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nếu bệnh nhân tăng lên.

Một phòng khám khác tại quận Shibuya của Tokyo cũng cho biết số bệnh nhân có triệu chứng sốt đến thăm khám cũng gia tăng đột biến kể từ giữa tuần trước. Trong đó, hầu hết là học sinh trung học và nổi bật là các trường hợp không được các phòng khám khác tiếp nhận. Đại diện phòng khám cho biết đang cố gắng để tiếp nhận tối đa bệnh nhân, tuy nhiên, khả năng của phòng khám cũng có hạn.

Về tình hình giường bệnh điều trị, tại bệnh viện Itabashi của Đại học Nihon, nơi tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng ở mức trung bình trở lên và cần thở oxy, tỷ lệ bênh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng lên kể từ tuần trước và tính đến ngày 13/7, 19 trong số 60 giường bệnh đã có bệnh nhân. Giám đốc bệnh viện cho biết mức độ dịch hiện tại là tương đối nghiêm trọng và tỷ lệ bệnh nhân nặng hiện tại đã tương đương làn sóng dịch lần thứ 6 trước đây.


Theo ước tính của giáo sư Akimasa Hirata thuộc Đại học công nghiệp Nagoya, với giả định sức lây nhiễm của biến chủng BA.5 lây lan chủ yếu hiện nay cao hơn gấp 1,3 lần so với biến chủng BA.2 trước đây và hiệu quả miễn dịch sau 4 - 6 tháng tiêm của vaccine COVID-19 giảm xuống còn 50%, số ca mắc mới chỉ riêng tại thủ đô Tokyo sẽ đạt đỉnh ở mức 18.000 ca vào cuối tháng 7/2022 và sẽ duy trì số ca mắc mới theo ngày khoảng 10.000 ca cho đến cuối tháng 9/2022. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Tokyo có thể tăng lên mức 25 ca/ngày vào trung tuần tháng 8/2022. Theo Giáo sư Hirata, nguyên nhân của đợt lây nhiễm lần thứ 7 tại Nhật Bản lần này là sự bùng phát của biến chủng BA.5 kể từ cuối tháng 6/2022, cộng thêm yếu tố thời thiết nắng nóng trong mùa hè khiến khả năng lưu thông không khí giảm xuống.


Hệ thống y tế Nhật Bản trước nguy cơ quá tải

Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ảnh Japan Times

Tình trạng ca mắc mới COVID-19 gia tăng đột biến đang làm nảy sinh quan ngại về những ảnh hưởng đối với hoạt động điều trị bệnh lý thông thường và các trường hợp cấp cứu cần nhận được chăm sóc y tế khẩn cấp, tương tự như những gì từng xảy ra trong làn sóng dịch lần thứ 6 trước đây. Bệnh cạnh đó, cũng có chuyên gia lên tiếng quan ngại về gánh nặng công việc của các trung tâm y tế tăng cao khiến việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân ngoại trú không đầy đủ, dẫn đến nguy cơ bệnh nhân tử vong tại nhà. Rõ ràng, những bài học từ làn sóng dịch lần thứ 6 đã được ghi nhận song dường như các biện pháp ứng phó của chính phủ Nhật Bản hiện tại là chưa đủ.

Chính sách nhằm giảm gánh nặng của các cơ sở y tế cũng đang gây ra những quan ngại. COVID-19 được xếp loại 1 và 2 trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và cần liên tục nắm bắt tất cả số lượng bệnh nhân lây nhiễm, điều này làm nảy sinh nguy cơ phân tán nguồn lực và khó tập trung biện pháp ứng phó đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao biến chứng nặng. Bắt đầu từ tháng 6/2022, Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đơn giản hóa hình thức báo cáo thông tin bệnh nhân mắc COVID-19 đối với các trung tâm y tế và cơ sở khám bệnh, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các cơ sở này trong việc điền các thông tin về triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở y tế không thể thu thập đầy đủ thông tin cần thiết trong việc giám sát sức khỏe.

Trong làn sóng dịch lần thứ 6 tại Nhật Bản, việc gia tăng trường hợp tiếp xúc gần và buộc phải cách ly đã làm nảy sinh tình trạng thiếu nguồn lao động, đặc biệt là những lao động chính. Hiện tại, quy định về việc cách ly 7 ngày đối với trường hợp tiếp xúc gần vẫn đang được duy trì và điều này khiến các cơ sở y tế, doanh nghiệp tỏ ra quan ngại. Các chuyên gia y tế nhận định, trong thời gian tới, việc chính phủ Nhật Bản thảo luận về việc điều chỉnh quy định cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần là không thể tránh khỏi.


Tăng tốc tiêm vaccine mũi thứ 4

Người trên 60 tuổi là một trong những đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 4 miễn phí. Ảnh Nikkei Asia.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết dịch vụ cấp chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 tại cửa hàng tiện lợi sẽ bắt đầu triển khai chủ yếu tại tỉnh Hokkaido từ ngày 26/7 tới và sẽ mở rộng trên toàn Nhật Bản kể từ ngày 17/8. Hiện có khoảng 1.200 cửa hàng thương hiệu Seiko Mart đăng ký triển khai dịch vụ này tại các tỉnh Hokkaido, Ibaraki và Saitama.


Để nhận được chứng nhận tiêm chủng , người dân Nhật Bản cần có thẻ định danh My Number, với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị chuyên dụng và khoản phí 120 yen, tương đương khoảng 0,8 USD. My Number là thẻ định danh cá nhân bằng mã số gồm 12 số định danh cá nhân. Thẻ được làm bằng nhựa, có gắn chip IC, trên đó có thông tin về tên, tuổi, giới tính, ảnh và địa chỉ.

Việc người dân có thể tự tiến hành các thủ tục hành chính tại các cửa hàng tiện lợi gần nhà sẽ giảm gánh nặng công việc cho các cơ quan hành chính, đồng thời số người sử dụng phương tiện công cộng cũng giảm, góp phần ngăn chặn dịch COVID-19 hiện đang lây lan nhanh tại Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định hiện chính phủ chưa tính đến bất cứ phương án hạn chế hành vi nào như ban bố tình trạng khẩn cấp hay áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, đồng thời kêu gọi người dân cùng chung tay ngặn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Việc tiêm mũi thứ 4 sẽ được mở rộng cho khoảng 8 triệu nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ tuần này. Ông cũng kêu gọi những người trẻ nêu cao ý thức bảo vệ cộng đồng bằng việc tiêm vaccine mũi thứ 3 và thứ 4, trong bối cảnh có 80% người dưới 30 tuổi đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 nhưng chỉ chưa đầy 30% tiêm mũi thứ 3.

Hiện Nhật Bản đang tiêm miễn phí mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi và những người trên 18 tuổi nhưng có các bệnh lý nền như tiểu đường hay béo phì. Khoảng cách giữa mũi thứ 3 và mũi thứ 4 là ít nhất 5 tháng. Nhật Bản cũng dự kiến sẽ yêu cầu 47 tỉnh, thành thiết lập các địa điểm xét nghiệm COVID-19 miễn phí ở các nhà ga và sân bay lớn từ ngày 5-18/8 tới. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản sẽ tạm hoãn kế hoạch nối lại chương trình kích cầu du lịch nội địa để ưu tiên chống dịch.

Tham khảo: AFP, Reuters, NHK

Chia sẻ Facebook