Những quán cà phê Việt 'đem chuông đi đánh xứ người', khách hàng mê tít, xếp hàng để được thử
Bên cạnh cửa hàng Trung Nguyên Legend mới mở vừa qua, gây 'sốt' tại Trung Quốc, cũng có nhiều quán cà phê Việt khác đã từng có cơ sở ở nước ngoài.
Cách đây vài ngày, Trung Nguyên Legend vừa thông báo khai trương mô hình Thế Giới Cà Phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Trung Quốc.
Không gian này có diện tích 500 mét vuông, được đặt tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, Thượng Hải.
Là một thương hiệu cà phê nổi tiếng và đã lâu đời của Việt Nam, quán cà phê mới khai trương của Trung Nguyên Legend nhanh chóng thu hút truyền thông, báo giới và đông đảo khách hàng tới tham quan và thưởng thức đồ uống.
Bên cạnh cửa hàng mới này của Trung Nguyên Legend, cũng có nhiều thương hiệu đồ uống Việt khác đã từng có cơ sở ở nước ngoài. Đó không chỉ là cà phê thông thường mà còn là cà phê trứng, trà hay trà sữa.
Trước Trung Nguyên Legend, mới nhất chính là cửa hàng Phúc Long tại Mỹ, khai trương vào ngày 20 tháng 8 năm 2021. Hình ảnh ấn tượng ở buổi khai trương đó là rất đông khách hàng, xếp thành hàng dài để được thưởng thức đồ uống đến từ thương hiệu Việt.
1. Phúc Long
Phúc Long là thương hiệu thành lập vào năm 1968 tạo cao nguyên chè Bảo Lộc. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hãng khai trương 3 cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu sản phẩm trà và cà phê thuần Việt.
Kể từ ngày đó cho đến nay, thương hiệu Phúc Long trở thành thương hiệu đồ uống đình đám, sở hữu chuỗi cửa hàng rộng khắp ở các thành phố lớn trên cả nước.
Thừa thắng xông lên, như đã nói ở trên, tháng 8 năm ngoái, thương hiệu đã khai trương cửa hàng đầu tiên trên đất Mỹ.
Không gian Phúc Long chi nhánh Garden Grove, California, Mỹ được thiết kế mang đậm nét truyền thống của Việt Nam với sân gạch đỏ, nhà mái ngói, trên tường khắc hoạ lại hình ảnh đồi chè – nơi tạo ra nguyên liệu chính cho đồ uống tại đây.
Trong những ngày đầu, cửa hàng đã nhanh chóng thu hút nhiều người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đến check-in và xếp hàng đợi để thưởng thức.
2. Cộng Cà phê
Ra đời khá muộn vào năm 2007 nhưng Cộng Cà phê đã nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu được ưa chuộng nhất tại Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ.
Các cửa hàng của Cộng sở hữu màu sắc, cách bài trí rất riêng biệt, khiến khách hàng liên tưởng tới một thời bao cấp với màu xanh quân phục là chủ đạo. Ở đây, những chiếc cốc là những chiếc ca sắt có phần hơi bong sơn, những chiếc bàn, ghế cũng được làm từ sắt hoặc gỗ, cùng với đó là điểm thêm một vài chi tiết như nệm, chăn con công hay phích sắt.
Hiện nay, phong cách trang trí các quán cà phê kiểu bao cấp như thế đã có phần phổ biến hơn, được áp dụng ở nhiều quán hơn không chỉ có Cộng. Tuy nhiên khi nhìn vào, nhiều người vẫn phải nói rằng: "Đúng là phong cách Cộng Cà phê rồi."
Tháng 8 năm 2018, quán cà phê với sắc xanh quân phục Việt Nam đã chính thức đổ bộ xứ sở kim chi Hàn Quốc. Hình ảnh người Hàn xếp thành những hàng dài để được thưởng thức những ly nâu đá, bạc xỉu hay ăn mỳ tôm úp, bánh mỳ chấm sữa, những món ăn "dã chiến" của người Việt từng gây sốt trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
Không chỉ dừng lại ở Hàn Quốc, tháng 10 năm 2019, Cộng Cà phê đã tiếp tục đặt chân đến Malaysia. Chi nhánh đầu tiên nằm tại Malaysia đã được khai trương tại địa chỉ Lot LG 19, Nu Sentral, số 201 Jalan Tun Sambanthan, Kuala Lumpur.
Bên cạnh những cửa hàng tại nước ngoài, cà phê của Cộng cũng được "biến hóa" thành dạng cốc uống liền và bán sẵn trong các cửa hàng, siêu thị tiện lợi để người mua dễ dàng tiếp cận hơn.
3. Cà phê Giảng
Nhắc đến cà phê trứng Hà Nội, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên Giảng. Đây cũng là một trong những thương hiệu cà phê trứng lâu đời nhất, ra đời từ năm 1946 do một cựu đầu bếp pha chế tại khách sạn 5 sao.
Cà phê trứng được làm theo công thức đơn giản, tương tự như công thức pha cappuchino nhưng dùng trứng thay cho sữa.
Trước kia, cửa hàng cà phê Giảng đầu tiên nằm ở dốc Yên Phụ. Tuy nhiên theo thời gian, nó được chuyển về nằm trong con hẻm nhỏ, với ngôi nhà 2 tầng trên đường Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm 2018, cà phê Giảng chính thức vượt qua biên giới Việt Nam để vươn tới Nhật Bản. Đó là một cửa hàng khang trang tại khu phố Tàu, thành phố cảng Yokohama, cách thủ đô Tokyo 30 phút đi tàu điện.
Menu chủ đạo của quán vẫn là những món rất đặc trưng, rất Việt Nam như cà phê trứng, cà phê đen hay bánh mỳ. Ngoài ra, chủ quán còn sáng tạo thêm một số đồ uống độc đáo như cà phê trứng matcha hay bia trứng cũng rất được thực khách yêu thích.
Cà phê trứng của Giảng cà phê đã và đang trở thành một trong những thức uống nổi tiếng nhất của người Việt đối với du khách trong cũng như ngoài nước.
Hội An Roastery
Thêm vào cái tên thương hiệu đồ uống Việt mang đậm nét Việt, đó là Hội An Roastery.
Không phải là thương hiệu với chuỗi nhiều cơ sở nhưng Hội An Roastery rất quen thuộc với người dần Hội An. Đây được coi là chuỗi cà phê Việt rang xay nổi tiếng nhất trong lòng phố cổ.
Cơ sở nước ngoài của Hội An Roastery được khai trương sau Cộng Cà phê, cũng vào năm 2018 ở Munjeong-dong, Sonpa-gu, Seoul.
Không chỉ mang đến thực đơn gồm những món nước truyền thống của Việt Nam như: Cà phê trứng, cà phê đen, cà phê sữa đá, cà phê cốt dừa, bạc sỉu, bánh flan đá bào,… Hội An Roastery Hàn Quốc còn được bài trí y không gian và decor nội thất giống hệt như một Hội An thu nhỏ ngay giữa lòng Seoul.
Đó là ngôi nhà được sơn vàng nổi bật, cùng với những ô cửa từ cửa sổ, cửa ra vào được làm bằng gỗ, xung quanh là những bao cà phê xay. Thêm vào đó, cửa hàng còn chuẩn bị sẵn những chiếc nón lá, phục vụ việc check-in của du khách.
Chia sẻ trên trang cá nhân, tài khoản một cô cái Hàn Quốc, Xoxo_jjbhn bày tỏ sự thích thú với thức uống Việt Nam: "Tôi rất muốn ghé thăm Đà Nẵng, Hội An. Vì vậy, tôi rất háo hức khi đến quán để thưởng thức hương vị cà phê, chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi này".
Có thể thấy, những thương hiệu Việt đang ngày một táo bạo hơn trong việc "đem chuông đi đánh xứ người", mở rộng chuỗi cơ sở của mình rộng khắp tại các nước trên thế giới. Đó không chỉ là một cách tăng doanh thu, tăng nhận diện thương hiệu mà còn là một cách quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nếu có cơ hội tới du lịch tại những đất nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia hay Mỹ thì đừng quên ghé đến những cửa hàng Việt để check-in nhé.