Những "quả tạ" sẽ đeo bám các đại gia ngành tôm nửa cuối năm 2022: Lạm phát cao, ngoại tệ mất giá, dịch bệnh phức tạp, nguyên liệu thiếu hụt...
Những "quả tạ" sẽ đeo bám các đại gia ngành tôm nửa cuối năm 2022: Lạm phát cao, ngoại tệ mất giá, dịch bệnh phức tạp, nguyên liệu thiếu hụt...
Thiếu tôm nguyên liệu, thiếu lao động
Chia sẻ trên trang Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn khó khăn đối với ngành tôm, đặc biệt là thiếu nguyên liệu. Theo đó, nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì dân chùn tay thả nuôi vụ hai do dịch bệnh còn tiềm ẩn.
Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng 3 tuần. Nguyên nhân năm nay vi bào tử trùng phát tán diện rộng. Loại bào tử này thâm nhập từng ao tôm, nội tạng tôm, làm tôm chậm lớn, chết dần và dẫn tới thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng.
Nếu như mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính, các doanh nghiệp chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết thế nhưng hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chỉ có 2/3 lượng tôm cần dùng; thậm chí có ngày ít hơn chỉ 1/2.
Bên cạnh đó, tôm cỡ lớn cũng giảm so với năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng.
Còn với một số doanh nghiệp đã đủ nguyên liệu nhưng họ lại gặp vấn đề về thiếu lao động. Điển hình như trường hợp của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú khi công ty này đang phải hoạt động dưới công suất.
“Hiện tại, nguyên liệu của Minh Phú rất dồi dào. Mỗi ngày, 2 nhà máy chế biến của Minh Phú tiếp nhận 400 tấn tôm nguyên liệu và có thể nhận hơn nữa. Thế nhưng công ty không có đủ người làm. Hiện tại, công suất của mỗi nhà máy chỉ có thể chế biến được 150 tấn/ngày. Trong khi đó, chúng tôi đã ký được rất nhiều đơn hàng”, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết.
Theo vị này, hiện thị trường lao động đang rất khốc liệt và việc tuyển công nhân ngày một khó khăn hơn. Việt Nam là điểm đến của đầu tư nên các nhà máy xí nghiệp mở ra rất nhiều, trong khi người lao động chỉ có hạn.
“Để giải quyết bài toán thiếu lao động, Minh Phú đang nghiên cứu công nghệ, tự động hoá, giảm được 40% công nhận. Hướng tới nâng tỷ lệ cắt giảm 50 - 90%. Tuy nhiên, việc này cần nhiều thời gian. Chúng tôi đã nghiên cứu việc áp dụng công nghệ tự động hoá đã gần 10 năm nay”, ông Quang nói.
Lạm phát, tỷ giá và cước vận chuyển
Thiếu lao động, tôm nguyên liệu là các vấn đề nội tại của ngành tôm trong nước. Các doanh nghiệp chế biến tôm năm nay còn phải đối mặt với một loạt rủi ro khách quan ở các thị trường xuất khẩu bao gồm lạm phát tăng cao; giá trị hàng loạt đồng tiền ở các thị trường quan trọng bao gồm EURO, USD, Yên Nhật lao dốc; chi phí vận chuyển vẫn neo ở mức cao.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.
Còn tại Châu Âu, theo cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát ở khu vực đồng Euro trong tháng 5 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây sẽ là mức cao tuyệt đối, kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu.
Lạm phát cao trong khi đồng tiền mất giá càng khiến người dân các nước thắt chặt chi tiêu hơn. Còn về phần các doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị các đồng EURO, USD, Yên giảm ăn mòn vào doanh thu của họ khi quy đổi ra tiền Việt.
Trong phiên giao dịch ngày 11/7, lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây đồng USD và EURO chỉ cách nhau 1 cent.
Hiện tại, quy đổi sang tiền Việt tỷ giá của USD/VND và EUR/VND lần lượt là 23.220 đồng và 22,844 đồng.
“Nửa cuối năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn với ngành tôm không chỉ diễn biến bệnh trên tôm phức tạp mà tình hình lạm phát ở các nước cao, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ”, ông Quang nói.
Do đó, tổng giám đốc Minh Phú cho rằng năm nay lượng và giá trị xuất khẩu có thể thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận “chắc chắn năm nay sẽ đạt”.
Trong năm 2022, Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu gần 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.266 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 87% so với thực hiện năm 2021.
Đối với chỉ tiêu xuất khẩu, công ty kỳ vọng năm nay sẽ bán được 64.600 tấn tôm, trị giá 796 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm, lượng tôm xuất khẩu đạt 20.342 tấn, thu về 266,4 triệu USD tăng lần lượt 8,64% và 25,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty đạt khoảng 30% hai chỉ tiêu này trong khoảng nửa đầu năm 2022.
Chi phí cước tàu sang Mỹ hiện vẫn neo ở mức khoảng 20.000 USD/container, cao gấp gần 6 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Giá cước cao nhưng cũng chưa chắc có container để thuê.
“Minh Phú chấp nhận trả 20.000 USD/container miễn sao có tàu, chúng tôi chấp nhận theo giá thị trường”,
Ở Hội nghị toàn thể VASEP năm 2022 diễn ra trong tháng 6 vừa qua, nhiều chuyên gia phân tích vì sao kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so tăng nguyên liệu. Nguyên nhân có nhiều, thế nhưng đáng chú ý chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Cuối năm 2021 tình trạng hậu quả COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến, nay dồn cho đầu năm. Và thực sự giá tiêu thụ tôm có tăng tác động một phần từ lạm phát. Bối cảnh sáng sủa đó đã thay đổi ở 6 tháng cuối năm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Chủ tịch Sao Ta, trong bối cảnh hiện tại, thị trường Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Giá cả tiêu thụ lại có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến bức tranh tôm ở đây có màu tối đối với tôm Việt Nam.
Chuyển hướng sang thị trường khác
Trước tình hình khó khăn trên, các doanh nghiệp tôm tập trung bán hàng vào các thị trường có mặt mạnh như tỉ suất lợi nhuận tốt, ổn định; có cách thức chế biến hàng phù hợp trình độ DN mình. Hoàn cảnh này, thị trường mục tiêu là Nhật Bản. Sách lược thị trường này thể hiện rõ nét ở thị phần năm qua và 6 tháng đầu năm nay, tiêu biểu là Minh Phú, Sao Ta...
Trước đó, ông Quang tuyên bố sẽ giảm dần tỷ trọng thị trường Mỹ bởi chi phí logistics bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này. Trong nhiều năm liên tiếp, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn số 1 của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, chiếm 34% tỷ trọng. Có thời điểm con số này lên gần tới gần 41%.
“Thuế (thuế chống bán phá giá - PV) giảm có mấy % nhưng chi phí tăng lên gấp nhiều lần. Trong kinh doanh chúng ta phải làm vì lợi nhuận. Thế nhưng hiện nay, bán hàng tại Mỹ không có lợi nhuận, thủ tục pháp lý phức tạp, thì tại sao chúng ta cứ phải bám trụ?” , ông Quang nói với cổ đông tại cuộc họp thường niên cách đây ít ngày.
Theo ông Lực, điểm cộng tại Nhật Bản là mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường này hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt…, toàn là hàng tinh chế. Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh, nhưng hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình ngành tôm hiện nay.
Mặt khác, chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn.
Một điểm cũng đáng nêu ra là các trừng phạt kinh tế giữa Châu Âu và Nga khiến lạm phát tại khu vực EU tăng cao, và Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh này, trong khi mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn. Đây cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ.
Trong nửa đầu năm nay, Sao Ta ghi nhận doanh thu ước đạt 2.728 tỷ đồng), tăng 136% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến tăng trên 40% so với cùng kỳ 2021 đạt khoảng 247 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiêu thụ tôm đạt 9.617 tấn, bằng 120% so cùng kỳ 2021.
Sao Ta cho biết sách lược công ty là tăng cường tiêu thụ các thị trường phù hợp thế mạnh của công ty và có tỉ suất lợi nhuận tốt, đồng thời tiếp tục thả nuôi vụ 2 trên nền tảng quy trình nuôi đang có của mình.