Những nước từng vỡ nợ trên thế giới
Sri Lanka vừa gia nhập một nhóm nhỏ các quốc gia từng vỡ nợ, với những cái tên đáng chú ý như Argentina, Venezuela, Hy Lạp và Nga, sau khi chính phủ quốc đảo Nam Á tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiên liệu.
Trước Sri Lanka, theo Hãng tin AFP, có một số nước cũng từng rơi vào tình trạng không thể thanh toán nợ nước ngoài, một số nước vỡ nợ không chỉ một lần.
Lebanon, Argentina, Belize, Zambia và Suriname: năm 2020
Tháng 3-2020, Lebanon vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử khi đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế sâu sắc giữa những cuộc biểu tình lớn phản đối tham nhũng. Quốc gia này không thể trả khoản nợ 1,2 tỉ USD trái phiếu châu Âu (Eurobond), theo Đài DW.
Chính phủ Lebanon cho biết khối nợ của nước này tương đương 170% GDP, cao hơn mức mà quốc gia này có thể thanh toán.
Tháng 5-2020, Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử quốc gia, và không thể thanh toán 500 triệu USD tiền lãi cho các khoản nợ nước ngoài. Theo Đài DW, lúc này nền kinh tế Argentina đã suy thoái được 2 năm, với các khoản nợ chồng chất.
Trước đó, năm 2001, Argentina vỡ nợ tới 100 tỉ USD, lớn nhất lịch sử thời đó, dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc. Phải đến năm 2016, nước này mới quay lại thị trường tín dụng quốc tế.
Đại dịch COVID-19 cũng đẩy Belize (Trung Mỹ), Zambia (Đông Phi) và Suriname (Nam Mỹ) vào cảnh vỡ nợ trong năm 2020.
Venezuela: năm 2017 và 2018
Tháng 11-2017, các cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch và S&P Global Ratings tuyên bố Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, vỡ nợ một phần. Khi đó, quốc gia Nam Mỹ nợ hơn 196 tỉ USD, theo Đài CNN.
Ngoài các khoản thanh toán trái phiếu, Venezuela còn nợ tiền Trung Quốc, Nga, các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ và nhiều công ty khác. Ngân hàng Trung ương Venezuela lúc này chỉ có 9,6 tỉ USD dự trữ.
Chính phủ Venezuela đã đổ lỗi các khoản nợ của họ, cũng như việc không có khả năng thanh toán nợ, là do "cuộc chiến kinh tế" kéo dài với Mỹ. Bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế Venezuela rơi tự do, và vỡ nợ khiến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men ở nước này thêm trầm trọng.
Mặc dù Nga đã đồng ý hỗ trợ cho Venezuela gói tái cấu trúc nợ trị giá 3,15 tỉ USD nhưng Caracas vẫn không thể trả được khoản nợ nước ngoài vào tháng 1-2018.
Hy Lạp: năm 2015
Hy Lạp trở thành quốc gia đã phát triển đầu tiên vỡ nợ với khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi vào nửa đêm ngày 30-6-2015, nước này không thể hoàn trả 1,5 tỉ euro (1,7 tỉ USD). Hai tuần sau đó, Hy Lạp tiếp tục bỏ lỡ khoản thanh toán thứ hai trị giá 456 triệu euro (494 triệu USD) cho IMF.
Tuy nhiên, một khoản vay khẩn cấp ngắn hạn từ một quỹ chống khủng hoảng của Liên minh châu Âu đã giúp Hy Lạp thanh toán các khoản nợ nói trên. Gói cứu trợ trị giá 96 tỉ USD trong ba năm này đã được phê duyệt vào tháng 8-2015 sau khi các nhà lập pháp Hy Lạp đồng ý cải cách và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Ecuador: năm 2008 và 2020
Tháng 12-2008, Tổng thống Ecuador Rafael Correa thông báo tạm ngừng thanh toán gần 40% nợ của quốc gia Mỹ Latin này lần thứ ba trong vòng 14 năm. Ecuador vỡ nợ lần nữa do đại dịch COVID-19 năm 2020, song nước này đã tái cấu trúc nợ nhờ cứu trợ của IMF.
Theo Hãng tin Bloomberg, Ecuador đã suy thoái ngay cả trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19 năm 2020, và buộc phải tái cơ cấu 17,4 tỉ USD tiền nợ - một động thái mà các cơ quan xếp hạng tín dụng coi là vỡ nợ.
Nga: năm 1918 và 1998
Nga vỡ nợ ngoại tệ năm 1918 khi nhà lãnh đạo Lenin từ chối công nhận các khoản nợ của Sa hoàng bị phế truất sau cuộc cách mạng năm 1917.
Tháng 8-1998, Nga tuyên bố tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài trong vòng 90 ngày, hạ giá đồng rúp và vỡ nợ với khối nợ trong nước. Lúc này, nợ nước ngoài của Nga là 141 tỉ USD, trong khi Fitch ước tính nợ trong nước của Matxcơva vào khoảng 50,6 tỉ USD.
Nga đã phải chịu tác động lan truyền từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Đồng rúp cũng bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu cơ khi giá dầu lao dốc khi dầu là mặt hàng xuất khẩu chính yếu của Nga.
Phải hơn 10 năm sau Nga mới có thể lần nữa quay lại vay tiền từ các thị trường quốc tế.
Với các biện pháp trừng phạt nặng nề liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Matxcơva đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nước ngoài trong năm 2022.
Tháng 4 này, S&P tuyên bố Nga "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi nước này trả nợ bằng đồng rúp thay vì đồng USD.
Mexico: năm 1982
Tháng 8-1982, Mexico cho biết nước này không còn khả năng trả khoản nợ 86 tỉ USD. Sau khi vỡ nợ, Mỹ đã cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho Mexico. IMF cũng hỗ trợ với yêu cầu Mexico cải tổ cấu trúc kinh tế.
Sau đó, các chủ nợ là các ngân hàng thương mại phải xóa một lượng lớn nợ cho Mexico.
Năm 1995, IMF phải giải cứu Mexico lần nữa với các khoản vay trị giá 17,8 tỉ USD, một phần của gói hỗ trợ quốc tế trị giá 50 tỉ USD cho nước này.
Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD, trong lúc dành nguồn lực để ưu tiên mua hàng hóa thiết yếu sau nhiều tháng chật vật vì khủng hoảng kinh tế.