Những niềm hy vọng vàng của Việt Nam ở SEA Games 31
Đến với đấu trường SEA Games 31 sắp diễn ra trên sân nhà Việt Nam, nữ võ sĩ đặt quyết tâm cao nhất để bảo vệ tấm HCV hạng cân 51kg.
1. Nguyễn Thị Tâm (quyền Anh)
Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1994) không còn là cái tên xa lạ trong giới quyền Anh nữ Việt Nam. Theo giới chuyên môn, nữ võ sĩ không chỉ nổi trội trong tấn công mà còn có khả năng phòng thủ tốt, những đòn đánh chính xác làm đối thủ không thể lường trước được.
Sau 12 năm gắn bó với nghiệp võ, Nguyễn Thị Tâm đã lập được những thành tích đáng ngưỡng mộ: HCV giải vô địch châu Á 2017, HCĐ Asiad 2018, vô địch giải boxing các ngôi sao châu Âu - châu Á 2019 và là đương kim vô địch SEA Games 30 hạng cân 51kg.
2. Nguyễn Thị Oanh (điền kinh)
Tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995) đăng ký thi đấu ở 3 nội dung: 1.500m, 5.000m và 3.000m chướng ngại vật, đều là những nội dung cô đang giữ HCV từ kỳ đại hội trước. Ở giải vô địch quốc gia năm 2021, Nguyễn Thị Oanh đã bảo vệ thành công 3 tấm HCV ở các nội dung sở trường với thành tích ổn định.
Đáng chú ý, nữ tuyển thủ còn lập nên thành tích 15 phút 53 giây 48, phá kỷ lục quốc gia nội dung 5.000m tồn tại 18 năm của đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa). Ngay trong ngày khai cuộc 14-5 của môn điền kinh SEA Games 31, nội dung chung kết đầu tiên sẽ là 1.500m nữ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng. Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung này.
3. Vũ Thành An (đấu kiếm)
Kiếm thủ Vũ Thành An (sinh năm 1992) được người hâm mộ ưu ái dành tặng danh xưng "vua kiếm chém" khi có ngoại hình nổi bật cùng thành tích thi đấu ấn tượng. Có thể nói, tại đấu trường SEA Games, Vũ Thành An không có đối thủ ở nội dung kiếm chém bởi trong 3 kỳ đại hội liên tiếp 2015, 2017, 2019, anh đều giành được HCV cá nhân. Do đó, người hâm mộ thể thao Việt Nam tin tưởng rằng tuyển thủ này hoàn toàn có thể đạt kết quả cao nhất tại SEA Games 31.
Vũ Thành An còn là VĐV được "chọn mặt gửi vàng" cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào tối ngày 12-5.
4. Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung)
Tuyển bắn cung Việt Nam triệu tập 16 VĐV (8 nam, 8 nữ) với mục tiêu giành từ 2-4 HCV. Trong đó, cô gái sinh năm 2001 Đỗ Thị Ánh Nguyệt là cái tên nhận được sự kỳ vọng lớn sẽ làm nên chiến tích tại SEA Games 31.
Vốn là VĐV của đội bóng rổ nữ trẻ Hà Nội, song do chiều cao khiêm tốn nên Ánh Nguyệt được quyết định chuyển sang bộ môn bắn cung từ đầu năm 2017. Chỉ sau 2 năm luyện tập, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã có những thành công vượt hơn mong đợi.
Nữ cung thủ đã xuất sắc giành HCĐ châu Á, qua đó giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Chưa dừng lại ở đó, tại chung kết cung 1 dây đồng đội nữ SEA Games 30, Ánh Nguyệt cùng các đồng đội đã có chiến thắng 6-2 trước Myanmar để mang về tấm HCV danh giá.
5. Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ)
Lê Thanh Tùng (sinh năm 1995, TPHCM) đã khiến nhiều người thán phục khi xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành HCV nhảy chống tại giải vô địch châu Á 2017 ở Thái Lan, trở thành VĐV nam đầu tiên của TDDC Việt Nam chiến thắng ở sân chơi châu lục. Trong bảng vàng thành tích, tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 chính là một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp VĐV đỉnh cao của Lê Thanh Tùng.
Tại SEA Games 29, Thanh Tùng từng đoạt 3 HCV, trong khi ở kỳ đại hội năm 2019 giành được 3 HCĐ. Để chuẩn bị cho các đấu trường trong năm 2022, đặc biệt là SEA Games 31, Thanh Tùng phải điều chỉnh lại động tác nhảy theo chu kỳ luật mới. Với 2 buổi luyện tập mỗi ngày, nam VĐV khổ luyện những nội dung khác sau nhảy chống và tập trung hơn vào xà kép, xà đơn.